Top 5 pháo tự hành mạnh nhất thế giới

Nhờ khả năng cơ động, chúng có thể thoát khỏi các cuộc phản pháo của đối phương. Trong 5 loại pháo tự hành tốt nhất thế giới, Trung Quốc bất ngờ góp mặt, còn Mỹ bị gạch tên.

Top 5 pháo tự hành mạnh nhất thế giới

Pháo tự hành có ưu thế rất lớn về sự cơ động trước những loại pháo kéo và thường được sử dụng làm hỏa lực yểm trợ. Chúng triển có thể tạo màn hỏa lực cấp tập hoặc khi cần thiết cũng có thể ngắm bắn trực xạ vào các mục tiêu cụ thể.

Dưới đây là 5 loại pháo tự hành được đánh giá là tốt nhất thế giới tại thời điểm này theo trang Slovodel. Tất nhiên, bình chọn chỉ mang tính tham khảo.

PzH-2000

Panzerhaubitze 2000 hay còn gọi là PzH 2000 của Đức rất tiên tiến với nhiều tính năng vượt trội so với hầu hết các loại pháo tự hành hiện có trên thế giới. Ban đầu, Bộ Quốc phòng Đức dự định đặt 1.254 khẩu PzH 2000, nhưng chỉ có duy nhất 1 hợp đồng đặt mua 185 khẩu được ký vào năm 1996.

Hiện nay, đã có 458 tổ hợp được xuất xưởng. Ngoài quân đội Đức, nó còn được trang bị cho quân đội Hy Lạp, Ý, Lít-va, Hà Lan, Croatia và Qatar.

Ảnh: PzH-2000 (nguồn: military-today.com)

PzH-2000 cỡ nòng 155mm, có hệ thống nạp đạn tự động hoàn toàn với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, với tầm bắn tối đa vào khoảng 30km bằng đạn tiêu chuẩn HE-FRAG và 40km bằng đạn tăng tầm. Tốc độ bắn 9-10 phát/phút.

PzH-2000 được tất cả các chuyên gia pháo binh đánh giá cao và coi nó là khẩu pháo tự hành tốt nhất trên thế giới. Chuyên gia của Nga, ông Zeltonozko gọi nó là tiêu chuẩn mà tất cả các nhà sản xuất pháo tự hành cần phải hướng tới.

Pháo tự hành 2S35 "Coalition-SV"

Pháo tự hành 2S35 "Coalition-SV" là sản phẩm mới nhất của trường phái Nga, kế thừa người đàn anh của mình 2S19 "Msta-S".

Nguyên mẫu của cỗ máy này được thiết kế vào năm 2006. Khi đó, tổ hợp này được trang bị pháo 2 nòng 152mm, nhưng sau đó người ta quyết định chỉ giữ lại 1 nòng.

Năm 2013, công tác thiết kế 2S35 "Coalition-SV" chính thức hoàn thành, và đến năm 2015 thì các lực lượng vũ trang Nga đã tiếp nhận 12 khẩu pháo đầu tiên. Hiện nay, đây là một trong những pháo tự hành tân tiến nhất trên thế giới.

Ảnh: 2C35 "Coalition-SV" (nguồn: military-today.com)

Mặc dù ngoại hình của "Coalition-SV" giống "Msta", nhưng đây hoàn toàn là một hệ thống khác. Nó có tháp pháo độc lập, hệ thống nạp đạn và hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hoàn toàn.

"Coalition-SV" có thể triển khai hỏa lực bằng nhiều loại đạn khác nhau: Đạn công phá trùm, đạn xuyên giáp chống tăng, đạn phản lực chủ động và đạn công phá cụm. Tầm bắn của đạn tiêu chuẩn ước đạt 30km, còn đạn tăng tầm – 40km.

Tốc độ bắn – 10 phát/phút. Về bản chất, "Coalition" không hề thua kém PzH-2000 của Đức, nhưng nó phải chấp nhận xếp vị trí thứ hai vì chưa qua thử lửa trên chiến trường.

K9 Thunder

Ảnh: K9 Thunder (nguồn: military-today.com)

Năm 1989 các kỹ sư quân sự Hàn Quốc đã bắt tay vào công tác chế tạo pháo tự hành mới có cỡ nòng 155mm, nhưng phải mất tới 10 năm, K9 Thunder mới bắt đầu được bàn giao cho quân đội nước này. Pháo của tổ hợp trên có thể sử dụng được các loại đạn 155mm của NATO.

Cỗ máy K9 Thunder được trang bị hệ thống nạp đạn và điều khiển hỏa lực tự động. Tầm bắn tối đa là 30km với đạn tiêu chuẩn và 40km với đạn tăng tầm. Tốc độ bắn là 6 phát/phút.

Type 99

Ảnh: Type 99 (nguồn: military-today.com)

Các công ty Mitsubishi Heavy Industries và Japan Steel Works của Nhật Bản từ năm 1999 bắt đầu sản xuất tổ hợp pháo tự hành cỡ nòng 155mm Type 99 cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 99 tổ hợp được bàn giao.

Chúng không được xuất khẩu ra nước ngoài bởi vì hiến pháp Nhật Bản cấm xuất khẩu vũ khí và khí tài.

Tốc độ bắn của tổ hợp này là 6 phát/phút. Tầm bắn tối đa – 30km với đạn tiêu chuẩn và gần 38km với đạn tăng tầm. Mỗi tổ hợp Type 99 bao gồm xe tiếp đạn, xe chỉ huy thông tin di động và một radar điều khiển hỏa lực.

PLZ-05

Ảnh: PLZ-05 (nguồn: military-today.com)

Vào giữa những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo pháo tự hành mới Type 05, sau đó nó được đổi tên thành PLZ-05, và đến năm 2003 thì nguyên mẫu đã được hoàn thành. Cỗ máy này được trang bị pháo chính cỡ nòng 155mm với hệ thống nạp đạn tự động sao chép của pháo tự hành 2S19 "Msta-S" do Nga (Liên Xô) chế tạo.

Tầm bắn xa nhất đạt hơn 40km với đạn tăng tầm. PLZ-05 có thể triển khai hỏa lực bằng đạn chính xác cao ở tầm bắn 20km.

Hệ thống ngắm bắn bằng laser được sao chép từ hệ thống "Krasnopol" của Nga. Sau này, Trung Quốc đã chế tạo hệ thống đạn chính xác cao của mình, bao gồm cả đạn điều khiển bằng GPS. Tốc độ bắn tối đa của PLZ-05 là 10 phát/phút.

Kết luận

Có thể thấy rõ từ danh sách này, Nga sở hữu một loại pháo tự hành mới nhất được ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại. Sự khác biệt chủ yếu của pháo tự hành Nga đó là tháp pháo độc lập so với khung gầm xe cơ sở.

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong tôóp 5 không thấy bóng dáng pháo tự hành của Mỹ, bởi vì, trong thời gian gần đây người Mỹ ít quan tâm phát triển pháo binh mà tập trung chủ yếu vào tên lửa và không quân.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/top-5-phao-tu-hanh-manh-nhat-the-gioi-20161013215927773.htm