Tổng thống Trump mang làn gió 'nóng' ập tới G7

Hội nghị G7 cho thấy sự chia rẽ giữa Mỹ và các thành viên khác về thương mại và biến đổi khí hậu

Các nhà lãnh đạo của 7 nền công nghiệp hóa lớn trên thế giới đã bắt đầu hội đàm ngày 26/5 tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily, nơi dự kiến sẽ phơi bày sự chia rẽ sâu sắc giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên khác về thương mại và biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo G7 hội ngộ ngày 26/5. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh hai ngày tại một khách sạn cao cấp nhìn ra biển Địa Trung Hải diễn ra một ngày sau khi ông Trump nói rằng các đồng minh NATO chi quá ít cho quốc phòng và nói rằng thặng dư thương mại của Đức là "rất tồi tệ" trong một cuộc họp với các quan chức EU tại Brussels.

Sau khi nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt ở Saudi Arabia và Israel, lập trường đối ngược của ông Trump với các đối tác lâu năm ở châu Âu đã phủ bóng cuộc họp ở Taormina, nơi các nhà lãnh đạo đang thảo luận về khủng bố, Syria, Triều Tiên và nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nói: "Chắc chắn, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh G7 đầy thách thức trong suốt nhiều năm."

Người đứng đầu Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng Gary Cohn cũng đã tiên đoán các thảo luận "mạnh mẽ" về thương mại và khí hậu.

Italy đã chọn nơi hội nghị thượng đỉnh là ở Sicily để bày tỏ sự chú ý đến châu Phi, nơi cách hòn đảo này 225km từ điểm gần nhất - băng qua Địa Trung Hải.

Hơn một nửa triệu người di cư, hầu hết từ vùng hạ Sahara Châu Phi, đã đến Italy bằng thuyền từ năm 2014, tận dụng sự hỗn loạn ở Libya để tiến hành các cuộc hành trình nguy hiểm.

Hiện tại, thương mại và khí hậu, hai vấn đề được thảo luận vào chiều ngày 26/5, là những nội dung gây tranh cãi nhất.

Ông Trump trước đó đe dọa rút Mỹ khỏi một thỏa thuận khí hậu được kí kết vào năm 2015 tại Paris.

Các nhà lãnh đạo G7 đang cố gắng thuyết phục ông ở lại. Cohn và các quan chức chính quyền khác cho biết ông Trump sẽ đợi đến khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh để quyết định.

Tristen Naylor, giảng viên về phát triển tại Đại học Oxford và là phó giám đốc nhóm nghiên cứu G20, cho biết: "Đây là cơ hội thực sự đầu tiên mà cộng đồng quốc tế buộc chính quyền Mỹ phải bắt tay, đặc biệt là về chính sách môi trường."

Ông Trump đã được bầu vào tháng 11/2016 sau một chiến dịch mà ông đã bác bỏ nhiều nguyên tắc như thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và các giá trị dân chủ tự do.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã hy vọng sẽ nhân hội nghị thượng đỉnh lần này để thuyết phục ông Trump làm dịu đi một số lập trường của ông.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao đã thừa nhận ngay khi các cuộc đàm phán đã được bắt đầu rằng, Mỹ có thể sẽ không thay đổi.

(Theo Reuters)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/tong-thong-trump-mang-lan-gio-nong-ap-toi-g7-240088.html