Tổng thống Trump có thể bị luận tội không?

Chỉ mới cầm quyền hơn 100 ngày, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

Nước Mỹ và thế giới đang hồi hộp phỏng đoán, Tổng thống Donald Trump – vị Tổng thống ít được yêu thích nhất trong lịch sử nước Mỹ - đã đến lúc bị luận tội hay chưa, và việc này được tiến hành thế nào?

Luận tội tổng thống, một quá trình khó chịu và kéo dài, và cũng không phải lúc nào cũng có kết quả sớm - Ảnh: CNN

Luận tội Tổng thống Trump như thế nào?

Kênh tin tức CNN của Mỹ có bài viết 'Luận tội – một thủ tục khó chịu và phức tạp, và không phải bao giờ cũng có kết quả sớm'.

David Gergen, cố vấn của Tổng thống Donald Trump, nói rằng 'nay, chúng ta đang ở khu vực luận tội'.

Gergen chính là luật sư tư vấn cho cả cố Tổng thống Richard Nixon (đảng Cộng hòa) và cựu Tổng thống Bill Clinton (đảng Dân chủ), khi hai vị này bị luận tội trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình.

Ông Gergen cho biết luận tội tổng thống là một quá trình phức tạp diễn ra ở hai viện Quốc hội Mỹ. Đến nay, chưa có bước đi chính thức nào liên quan đến việc luận tội Tổng thống Trump.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các viên chức dân sự của Mỹ, nếu bị luận tội hoặc kết tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội phạm khác lớn hay nhỏ khác, sẽ bị phế truất khỏi nhiệm sở.

Điều đó có nghĩa cần phải có bằng chứng ông Trump 'đã phạm tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội phạm khác lớn hay nhỏ khác', mới có thể phế truất ông khỏi chức vụ Tổng thống.

Quá trình luận tội một Tổng thống Mỹ

Phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Bill Clinton tại Thượng viện Mỹ ngày 12/2/1999 - Ảnh: CNN/Getty Images

Theo tóm lược của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Hạ viện sẽ ủy quyền cho một trong các ủy ban của mình, thường là Ủy ban tư pháp, tiến hành điều tra và xem xét việc buộc tội.

Sau khi điều tra, Ủy ban sẽ rút ra các nội dung để luận tội. Sau đó, họ bỏ phiếu trong ủy ban về việc nên đưa trình một số hay tất cả các nội dung luận tội cho toàn bộ Hạ viện.

Nếu ủy ban bỏ phiếu luận tội, họ sẽ chuẩn bị báo cáo cho toàn bộ Hạ viện, sau đó tranh luận và bỏ phiếu từng nội dung.

Hạ viện có thể phê chuẩn một số nội dung nhất định và loại bỏ một số nội dung khác. Ví dụ, trong trường hợp của Bill Clinton, Hạ viện chấp nhận hai trong số bốn nội dung luận tội.

Nếu toàn bộ Hạ viện biểu quyết luận tội với đa số phiếu, các nội dung luận tội được chuyển lên cho Thượng viện để xét xử.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Chánh án John Roberts sẽ chủ tọa phiên tòa luận tội. Các thành viên Hạ viện chỉ đạo việc truy tố và các thượng nghị sĩ là thành viên bồi thẩm đoàn.

Các thượng nghị sĩ sau đó họp kín và bỏ phiếu cho việc có nên kết án và bãi nhiệm hay không. Để kết án, cần có đa số 2/3 phiếu, tương ứng với 67 thượng nghị sĩ.

Người dân Brazil xuống đường gây sức ép để Quốc hội luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. - Ảnh: AFP/Getty Images

Vì hiện tại, phe Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, nên quá trình luận tội sẽ rất phức tạp, chưa kể quá trình này có thể kéo dài hàng tháng trời.

Hạ viện lần đầu bỏ phiếu xem xét luận tội cố Tổng thống Nixon tháng 2/1974. Quá trình luận tội kéo dài đến cuối tháng 7/1974 và Nixon từ chức ngày 8/8 năm đó, trước khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội.

Trong trường hợp của cựu Tổng thống Clinton, Ủy ban tư pháp Hạ viện bắt đầu xem xét luận tội ông từ ngày 24/9/1998.

Toàn thể Hạ viện bỏ phiếu luận tội ông ngày 11-12/12/1998 và loại bỏ nhiều nội dung luận tội của Ủy ban tư pháp.

Ông Clinton được Thượng viện tuyên vô tội vào ngày 13/2/1999.

Kinh nghiệm từ Brazil

Người dân Hàn Quốc xuống đường đòi luận tội Tổng thống Park Geun-hye - Ảnh: Yonhap

Trong lúc người Mỹ đang sôi lên với khả năng luận tội Tổng thống Trump, thì Brazil, một quốc gia từng luận tội 'thành công' Tổng thống Dilma Rousseff năm 2016, muốn chia sẻ kinh nghiệm với người Mỹ.

Trang mạng Buzzfeed News giật tít một bài báo 'Này, nước Mỹ, đây là cách luận tội tổng thống, nếu các bạn cần'.

Bài báo đúc rút từ kinh nghiệm của Brazil, đưa ra trình tự các biện pháp để có thể luận tội một tổng thống bao gồm 7 bước.

Đáng chú ý, cần có một xã hội phân cực sâu sắc, tác hại của khủng hoảng kinh tế, Quốc hội tìm ra sai trái của tổng thống, người dân đổ ra đường biểu tình, tổng thống mất tín nhiệm…

Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất giữa Brazil và Mỹ là ai đang kiểm soát Quốc hội. Đảng của bà Dilma không kiểm soát được Quốc hội như đảng Cộng hòa của ông Trump.

Vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng của Tổng thống Trump

Trong khi Tổng thống Trump và Nhà Trắng đang rối bời với những diễn biến bất lợi dồn dập, tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm biện hộ cho ông Trump không khác gì đổ dầu vào lửa.

Ông Putin nói rằng ông sẵn sàng cung cấp băng ghi âm cuộc hội đàm giữa ông Trump và Ngoại trưởng Nga Lavrov, để chứng tỏ ông Trump không hề tiết lộ thông tin mật.

Mặt khác, một hãng tin Nga còn mô tả ông Putin và ông Lavrov 'đã cười' khi nhắc đến sự cố này.

Trong buổi tiếp Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đang ở thăm Nga, Tổng thống Nga hôm 17/5 còn nói đùa rằng Ngoại trưởng Lavrov đáng bị phạt 'vì đã không chia sẻ những bí mật ấy cho chúng tôi (ông Putin và vị khách Italy)'.

Thiện Đạo (Theo CNN, Newsweek, Buzzfeed News, The Spectator)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/the-gioi/tong-thong-trump-co-the-bi-luan-toi-khong-100737/