Tổng thống Trump cản trở công lý- bịa hay là thật?

Tiết lộ của nhật báo Washington Post có tác động như một quả bom. Tổng thống Mỹ đang là tâm điểm của một cuộc điều tra bí mật với câu hỏi Donald Trump có can thiệp, cản trở công việc của bên tư pháp hay không?

Mới đây, ông Trump viết trên Twitter: “Người ta bịa ra chuyện thông đồng với Nga, tìm không ra bằng chứng, thế nên giờ họ lại bịa ra câu chuyện về việc cản trở công lý. Kể ra hay đấy!”.

Báo Washington Post dẫn phát biểu của các giới chức không nêu tên hôm 15/6 cho biết công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra Tổng thống Trump vì cản trở công lý.

Tổng thống Donald Trump, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (trên), cựu Giám đốc CIA James Comey (dưới)

Phản pháo

Tổng thống Donald Trump đã lập tức phản pháo nguồn tin cho rằng ông đang bị điều tra về việc cản trở công lý, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng, chiến dịch tranh cử của ông có thông đồng với người Nga để làm chệch hướng cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Trump cho đó là “tin bịa đặt”.

Trong khi đó, nguồn tin thân cận với cuộc điều tra của ông Mueller xác nhận cái tin nguy hiểm nói trên. Nguồn tin này cho biết, việc xem xét khả năng truy tố tội danh cản trở công lý là việc “không thể tránh khỏi” căn cứ trên cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey, dù vấn đề này có thể không phải là trọng tâm chính của cuộc điều tra.

Ông Comey bị cách chức đã hơn một tháng nay. Mới đây, ông Comeny nói trước một ủy ban Thượng viện rằng ông tin ông Trump sa thải ông để phá hoại cuộc điều tra của FBI về Nga. Ông cũng báo cáo với Ủy ban Tình báo Thượng viện trong cuộc điều trần ngày 8/6 rằng ông Trump đã chỉ thị cho ông ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Dù mạnh mẽ chỉ trích một số nội dung trong cuộc điều trần của ông Comey, nhưng Tổng thống Trump nói cựu Giám đốc FBI đã minh oan cho ông khi ông Comey khai rằng thời ông còn làm lãnh đạo FBI, ông Trump không phải là đối tượng trong cuộc điều tra về Nga.

Một giới chức ẩn danh cho biết hiện công tố viên đặc biệt Mueller đang điều tra theo hai đầu mối chính. Thứ nhất là có người nào trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, dính líu đến ông Trump hay chuyện làm ăn của ông Trump có những giao dịch bất hợp pháp với các giới chức Nga hoặc với những người có quan hệ với điện Kremlin hay không. Thứ hai là điều tra xem có hành vi phạm tội nào hay không, ông Trump hay những người khác có tìm cách che đậy việc này hay cản trở cuộc điều tra liên hệ đến họ hay không.

Quá trình này cho phép các nhà điều tra thẩm vấn những khuôn mặt quan trọng trong chính quyền, bao gồm Bộ trưởng Tư pháp Jeff Session, Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein, và có thể ngay cả bản thân ông Trump, nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra của ông Mueller cho biết.

Tổng thống đương nhiệm không bị truy tố tội hình sự nhưng nếu ông dính líu vào tội danh “cản trở công lý” thì đó có thể là căn cứ để luận tội truất phế Tổng thống. Những bước như vậy tất nhiên sẽ gặp những trở ngại lớn, vì phải được sự chấp thuận của Hạ viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Moscow bác bỏ những kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái để chuyển hướng phiếu bầu có lợi cho ông Trump. Tòa Bạch Ốc cũng phủ nhận bất cứ sự cấu kết nào. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra, nói rằng đảng Dân chủ không thể khoanh tay khi ông thắng cử.

Trên tổ kiến lửa

Dù sao, Tổng thống Donald Trump đang trong tầm ngắm của các nhà điều tra Mỹ về liên hệ với Nga. Tường trình của thông tín viên Anne-Marie Capomaccio từ Washington cho hay: "Vài phút sau cuộc điều trần của ông James Comey, cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang (FBI), luật sư của Donald Trump đã cho rằng lời chứng của ông Comey củng cố thêm cho lập luận của thân chủ ông. Theo ông Comey, tổng thống Hoa Kỳ không phải bận tâm về các cuộc điều tra phức tạp về mối liên hệ với Nga. Tuy nhiên, ngay hôm sau, chính Donald Trump đã công khai thóa mạ James Comey khi cho rằng cựu giám đốc FBI là một “kẻ nói dối để rò rỉ thông tin cho báo giới”.

Tiết lộ của nhật báo Washington Post có tác động như một quả bom. Tổng thống Mỹ đang là tâm điểm của một cuộc điều tra được tiến hành trong vòng bí mật với câu hỏi đặt ra là liệu Donald Trump có can thiệp, cản trở công việc của bên tư pháp hay không.

Có khả năng dựa trên hồ sơ về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ông Robert Mueller đã khai thác hướng này sau vụ ông Comey bị cách chức. Hồ sơ nhắm vào tổng thống Trump được căn cứ trên những biên bản được cựu giám đốc FBI lưu lại, trên chính những tin nhắn Twitter của tổng thống Hoa Kỳ và những buổi làm việc giữa Donald Trump với tất cả các giới chức lãnh đạo trong ngành tình báo Mỹ.

Washington Post giải thích có lẽ vì mở điều tra nhắm trực tiếp vào Donald Trump mà có tin đồn là nhà điều tra đặc biệt Robert Mueller sẽ bị cách chức. Dường như tổng thống Mỹ được báo động về những nghi ngờ đang nhắm trực tiếp tới ông. Luật sư của Donald Trump cho rằng, vụ rò rỉ thông tin mới nhất này là một sự “lăng nhục, mang tính bất hợp pháp và không thể tha thứ”.

Không chỉ ông Trump mà đảng Cộng Hòa cũng như đang đứng trên tổ kiến lửa. Về phía cánh hữu, sự ủng hộ dành cho tổng thống ngày càng co lại. Càng gần đến thời điểm bầu Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, phe Cộng Hòa càng lo đại bại, khi không một cải cách đáng kể nào được thực hiện.

Phía phe Dân Chủ, một mặt chờ kết quả điều tra tiến triển, có bằng cớ vững chắc mới yêu cầu phế truất, mặt khác, khôn khéo để đẩy bất bình trong dân chúng gia tăng. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Donald Trump đã tiêu tốn toàn bộ năng lượng của chính phủ ông vào các bê bối, trong lúc cơ may tiến hành các cải cách quan trọng thì ngày càng teo lại.

Barry Ritholtz, một trong những nhà báo Mỹ nhiều ảnh hưởng nhất, từng tin tưởng Trump có thể thực hiện được 96% chương trình cải cách như đã hứa, nhưng nay thì chuyên gia này chỉ dự báo rằng nếu đạt được 25% đã là may mắn.

Theo Nguyễn Hoàng/NĐT

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/tong-thong-trump-can-tro-cong-ly-bia-hay-la-that-189916/