Tổng thống Syria tự tin, hòa đàm Astana vào ngõ cụt?

Tổng thống Syria tin vào triển vọng hạ vũ khí và ân xá chính phủ ở cuộc hòa đàm Astana vốn còn nhiều mâu thuẫn và được dự đoán không sáng sủa.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 19/1 cho biết cuộc hòa đàm Syria ở thủ đô Astana của Kazakhstan vào tuần tới sẽ tập trung vào việc tuân thủ việc ngừng các hành động thù địch nhằm cho phép các chuyến hàng viện trợ vào Syria.

Theo nội dung do Văn phòng Tổng thống Syria công bố, ông al-Assad cho biết cuộc hòa đàm sẽ chú trọng và dành ưu tiên đạt được một lệnh ngừng bắn nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân và cho phép các chuyến hàng viện trợ nhân đạo đến được nhiều khu vực ở Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chính phủ Syria đã đạt được một loạt thỏa thuận ở cấp địa phương, theo đó các nhóm nổi dậy rút khỏi các khu vực để đổi lấy việc Damascus chấm dứt các cuộc oanh kích hoặc bao vây. Theo Tổng thống al-Assad, nếu đạt được một thỏa thuận tương tự tại Astana, các tay súng phe đối lập sẽ hạ vũ khí và được chính phủ ân xá.

Tổng thống Syria cũng tin tưởng rằng cuộc hòa đàm này sẽ cho phép các nhóm nổi dậy đạt được các thỏa thuận hòa giải với chính phủ.

Hòa đàm ở Thủ đô Astana (Kazakhstan) sẽ diễn ra vào ngày 23/1 tới do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian tổ chức giữa đại diện của chính quyền Syria và các nhóm đối lập, ngoại trừ tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và Jabhat Fateh al-Sham trước đây được biết dưới tên gọi Mặt trận Al-Nusra - có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Người Kurd (Syria) nói sự thật người Nga

Trước khi hòa đàm này diễn ra, nhiều dự đoán về kết quả cuộc đàm phán thất bại đã được đưa ra, đặc biệt còn bởi một trong những nhân tố đặc biệt trong cuộc đàm phán là lực lượng người Kurd ở Syria thẳng thắn bày tỏ cho rằng sẽ không tuân theo các quyết định được đưa ra trong các cuộc đàm phán tại Astana.

Lực lượng người Kurd ở Syria không hài lòng với thực tế rằng, Nga và Iran đã loại trừ họ ra khỏi quá trình đàm phán về Syria để bảo vệ quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo lực lượng này, do thực tế rằng các đại diện của họ không tham gia vào các cuộc đàm phán tại Astana, không được bày tỏ chính kiến của mình nên bất kỳ quyết định nào được đưa ra ở đó, sẽ không có hiệu lực áp dụng cho họ.

Tuyên bố của người Kurd có nghĩa là toàn bộ phía bắc Syria không tham gia vào các kế hoạch trong tiến trình hòa bình được xây dựng ở Astana và cả ở hội nghị tiếp theo ở Geneva - Thụy Sĩ.

Các quan chức người Kurd nói rằng, việc trục xuất đại diện phía bắc Syria khỏi các cuộc đàm phán là một “sự vi phạm nhân quyền” của người dân Syria sống ở đây (không chỉ người Kurd, mà còn người Ả Rập, Assyria, Armenia và những người khác).

Theo cơ quan điều hành của Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria, cũng giống như các nước phương Tây, “Nga đang lặp lại sai lầm” trong các cuộc đàm phán quốc tế tại Geneva hồi tháng 2/2016.

Khi đó, tất cả ba vòng của các cuộc đàm phán về Syria tại Thụy Sĩ đã diễn ra mà không có sự tham gia của người Kurd. Bây giờ, các cuộc đàm phán tương tự được lên kế hoạch tại Astana hồi tháng 1/2017 và Geneva tháng 2/2017 cũng không có sự tham gia của họ.

"Chúng tôi xem xét loại trừ người Kurd khỏi các cuộc đàm phán là vi phạm chống lại người Kurd. Cuộc đấu tranh của chúng tôi, sự hy sinh, và sự đóng góp cho tiến bộ lịch sử về chế độ chính trị và xã hội đã thể hiện rằng, người Kurd là lực lượng sức mạnh chính, xứng đáng nhất có mặt trong cuộc họp Astana” - một tuyên bố của Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria (một cơ cấu quản lý của các vùng đất do người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria) cho hay.

Tuyên bố nhắc thêm tới các lực lượng SDF (các lực lượng dân chủ Syria), YPG (Đơn vị Bảo vệ Nhân dân), và YPJ (Đơn vị nữ bảo vệ Nhân dân) đã giải phóng được một phần rộng lớn của Syria từ tay khủng bố, "điều đó chứng tỏ người Kurd có quyền và đủ điều kiện nhất để tham gia vào tiến trình giải quyết liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria”.

"Vì vậy, cơ quan điều hành của Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria tuyên bố rằng, cuộc họp Astana sẽ không thành công giống như các cuộc họp trước đó và chúng tôi sẽ thực hiện các điều khoản của nó, bởi người Kurd đã không được tham gia họp” - tuyên bố nêu rõ.

Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria nhấn mạnh rằng, lưc lượng vũ trang của người Kurd sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của họ chống lại các nhóm khủng bố và xây dựng hệ thống dân chủ liên bang ở khu vực phía Bắc Syria.

Thêm nữa, chuyên gia phân tích người Nga Boris Dolgov nhấn mạnh rằng, đại diện phe đối lập chính trị, trong đó ít nhất gồm bốn nhóm (“Moskva”, “Riyadh”, “Hmeymim” và “Cairo”) đã từng gặp mặt ở Geneva trước đây vốn không có sự thống nhất. Chưa kể, từ khi giới chức lãnh đạo chính quyền Damascus đã cho rằng một phần nhóm vũ trang trong đối thoại liên Syria là khủng bố nên không đươc phép tham gia. Điều này khiến cho cuộc đàm phán không có hiệu quả xây dựng cao.

Cũng cần phải nhắc thêm, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng, quá trình đàm phán hòa bình tại địa điểm mới ở Astana có thể bổ sung cho đàm phán Geneva (Thụy Sỹ) chứ không chính thức giải quyết hòa bình trên toàn lãnh thổ ở Syria.

Việc ông Putin gạt vai trò của người Kurd ở Syria để kết hợp với Thổ Nhĩ Kỳ trước mắt có thể thấy rõ ông đã "lừa gạt" như lực lượng này cáo buộc. Nhưng như những gì ông nói, cuộc đàm phán ở Astana chưa phải là cuộc đàm phán kết thúc cũng đồng nghĩa với khả năng cao rằng, ở những cuộc đàm phán sau đó Nga sẽ cân đối các lợi ích để đưa lực lượng người Kurd tham gia.

Chiến binh người Kurd chiến đấu với lực lượng al-Nusra tại Aleppo

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tong-thong-syria-tu-tin-hoa-dam-astana-vao-ngo-cut-3327531/