Tổng thống Putin: Vũ khí Nga sẽ được sản xuất tại VN

Đài tiếng nói nước Nga cho biết, Việt Nam sẽ tham gia sản xuất theo giấy phép của Nga một số thiết bị quân sự hàng đầu hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Nga đang phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự qua việc triển khai tổ chức sản xuất theo giấy phép những thiết bị quân sự hiện đại nhất (của Nga thiết kế) tại nước này (Việt Nam)”. (Trong ảnh: Tiêm kích Su-30MK2)

Theo nguồn tin trên, hiện nay Việt Nam là một trong 3 nhà nhập khẩu lớn nhất vũ khí của Nga. Bước đột phá quan trọng thúc đẩy sự phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam là biên bản ghi nhớ liên chính phủ về chiến lược hợp tác kỹ thuật quân sự cho giai đoạn đến năm 2020, được ký kết hồi tháng 10/2008. (Trong ảnh: Tiêm kích Su-30MK2)

Theo nội dung trên, lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác hai nước, tổng khối lượng các hợp đồng ký kết trong năm 2008 đã vượt quá 1 tỷ USD. Hiện nay khối lượng này được tính vào khoảng vài tỷ USD. (Trong ảnh: Tiêm kích Su-30MK2)

Chỉ trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 12 tàu tên lửa cao tốc Molniya (2 chiếc đóng ở Nga và 10 chiếc được cấp phép sản xuất), 4 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, 6 tàu ngầm Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo), 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU-1, 2 tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P và một số vũ khí khác. (Trong ảnh: Tàu tên lửa cao tốc Molniya)

Giờ đây Việt Nam không chỉ nhập vũ khí của Nga mà đã chuyển sang giai đoạn nhận bàn giao công nghệ và giấy phép từ Nga để có thể tự sản xuất vũ khí từ trong nước. Đây được xem là điểm mới trong sự hợp tác quân sự chặt chẽ giữa 2 nước. (Trong ảnh: Tàu tên lửa cao tốc Molniya)

Trong quan hệ hợp tác quân sự truyền thống, đặc biệt là số vũ khí Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam cũng như sự quen thuộc của Việt Nam với công nghệ quân sự của Nga, đã khuyến khích Việt Nam chọn Nga làm nguồn cung cấp vũ khí chính. (Trong ảnh: Tàu tên lửa cao tốc Molniya)

Tờ Chinamil của Trung Quốc cho rằng, việc Moscow chuyển giao những dây chuyền chế tạo vũ khí hiện đại cho Hà Nội là điều sẽ làm thay đổi nhiều trong chiến lược toàn cầu của Nga cũng như Trung Quốc, và rõ ràng điều này sẽ khiến Mỹ phải chú tâm nhiều hơn. (Trong ảnh: Tàu ngầm Kilo Hà Nội)

Lý giải cho điều này truyền thông Trung Quốc tin rằng, nền tảng vững chắc và lâu dài trong mối quan hệ Việt-Nga khi Việt Nam tiếp tục coi Nga là một cường quốc lớn trong một thế giới đa cực và là một đối tác ngoại giao quan trọng, cùng với đó việc Nga thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á của riêng thì Việt Nam là một đối tác chủ chốt nhằm mở rộng tầm với của quốc gia này tại khu vực Đông Nam Á. (Trong ảnh: Tên lửa phòng không S-300PMU-1)

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Anatoly Sokolov thì cho rằng, không có sự tranh giành ảnh hưởng nào đó giữa Nga và Trung Quốc ở Việt Nam như báo chí Trung Quốc nhận định. Quan hệ giữa Nga và Việt Nam là quan hệ lâu dài và vững chắc. (Trong ảnh: Tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P)

Việc Tổng thống Putin tới Việt Nam lần này, trong chuyến thăm hai bên ký kết nhiều tài liệu quan trọng, cũng chứng tỏ ý nghĩa của Việt Nam đối với nước Nga. Trong ảnh: Tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P. (Tổng hợp ĐVO/ Tiếng nói nước Nga)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/hinh-anh/tong-thong-putin-vu-khi-nga-se-duoc-san-xuat-tai-vn-2359515/