Tổng thống Putin gửi 'tối hậu thư' đến Tổng thống Mỹ tương lai

Tờ Bloomberg cho biết, Tổng thống thay thế ông Barack Obama sẽ phải đối mặt với viêc quan hệ Nga và Mỹ ở mức căng thẳng nhất kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Nga sẽ chấm dứt một thỏa thuận chung với Mỹ trong việc tiêu hủy số lượng plutonium có thể được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân, trừ phi Mỹ đáp ứng một số điều kiện.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gửi những thống điệp rất rõ ràng tới Mỹ.

Chúng bao gồm: rút bớt quân số của NATO khỏi Đông Âu xuống mức ngang với số binh lính vào tháng 9/2000; xóa bỏ toàn bộ lệnh cấm vận đối với các cá nhân và doanh nghiệp Nga, đồng thời bồi thường cho những tổn hại mà lệnh này gây ra; trình bày một kế hoạch rõ ràng nhằm tiêu hủy số plutonium thừa của nước này.

Đông thái này diễn ra đúng vào thời điểm Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố họ sẽ ngừng đàm phán với Nga về vấn đề ngừng bắn ở Syria cũng như tình hình xung đột ở Aleppo.

Theo tạp chí Bloomberg, ngay cả khi chính phủ Mỹ bất ngờ gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Nga, cho dù người ngồi ở ghế nóng là ông Donald Trump, người đã nhiều lần khen ông Putin trong các bài phát biểu của mình, Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận bồi thường khi Nga cũng cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm của phương Tây. Việc rút quân ở Đông Âu của NATO cũng sẽ không xảy ra.

Bản thân thỏa thuận tiêu hủy plutonium này cũng không có vai trò đặc biệt lớn, khi mỗi nước chỉ phải tiêu hủy 34 tấn plutonium. Năm 2014, chính quyền Tổng thống Obama đã nói rằng thỏa thuận này “đang tạm thời bị đóng băng” sau khi Nga và Mỹ có nhiều bất đồng về quá trình tiêu hủy plutonium cũng như chi phi để biến nó thành nhiên liệu cho các lò phản ứng. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này ám chỉ rằng nước này vẫn đang sở hữu một khối lượng lớn vũ khí hạt nhân, thứ mà các nước lân cận không có.

Nhìn chung, thông điệp mà ông Putin muốn gửi đi đó là, Nga sẽ coi mình là một trong những quốc gia có vị thế lớn trên thế giới cho dù Mỹ có muốn hay không. Nếu Mỹ muốn nối lại quan hệ với Nga, họ sẽ phải chấp nhận một cái giá không hề nhỏ. Do chính phủ Mỹ sẽ không đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Syria, quân chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, với sự trợ giúp của Nga, sẽ giành được một chiến thắng quan trọng tại Aleppo trước khi Tổng thống mới lên nhậm chức.

Ông Putin hiểu rõ rằng chính sách đối ngoại của ông cũng sẽ khiến Nga phải chịu những phí tổn nhất định. Vào ngày 3/10, Bộ Tài chính Nga đã đề xuất với Quốc hội gia tăng ngân sách chi tiêu quân sự và an ninh lên thành 680 tỉ ruble (tương đương 10,9 tỉ USD), điều này có thể sẽ khiến ngân sách cho các lĩnh vực khác bị giảm xuống. Tuy nhiên, ông Putin hiểu rằng người Nga sẽ chịu đựng tình hình kinh tế khó khăn nếu họ hiểu rằng đất nước của họ đang cạnh tranh với Mỹ.

Hiện vẫn chưa rõ ông Obama sẽ đáp trả như thế nào đối với những yêu sách của ông Putin. Đây rất có thể sẽ là phần việc của Tổng thống Mỹ tiếp theo, khi người này sẽ phải có quyết định rõ ràng. Phương Tây đang ở thế khó khi mặc dù họ vẫn có thể gia tăng cấm vận và cố tình làm suy yếu kinh tế Nga, song họ vẫn lo sợ rằng tình hình ở Trung Đông có thể sẽ chuyển biến khó lường khi Nga đang trở thành một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực này.

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tong-thong-putin-gui-toi-hau-thu-den-tong-thong-my-tuong-lai-post211111.info