Tổng thống Putin chỉ tin dùng các trợ lý là cựu nhân viên an ninh

Bộ phim nhiều tập “Trò chơi vương quyền” được báo Moscow Times (Nga) mượn tên để phân tích cách thức Tổng thống Nga Putin bố trí cán bộ. Báo đánh giá ông Putin chỉ tin dùng các trợ lý là cựu nhân viên an ninh.

Chiều 28.7, Tổng thống Putin đã cách chức 4 tỉnh trưởng, 4 đặc sứ tổng thống và một đại sứ. Theo báo Newsweek, ông Putin thay đổi nhân sự bộ máy nhà nước với 15 cuộc thay đổi người ở các cấp cao trên toàn Nga.

“Trò chơi vương quyền” của ông Putin

Nhà phân tích chính trị Nikolai Petrov chỉ trích: “Đấy không phải chuyện thay một số người mà còn là thay đổi hệ thống. Điều chúng ta đang chứng kiến là gia tăng hệ thống lãnh đạo chỉ một người cùng quyền lực cá nhân của ông Putin. Rõ ràng ông ấy đang muốn tăng quyền lực cá nhân hơn là cải thiện nền kinh tế Nga”.

Nhà bình luận Stanislav Belkovsky nói thẳng: “Tất cả những nhân vật mới được chỉ định đều là vệ sĩ riêng của ông Putin”.

Ông Putin từng là thiếu tá KGB (tiền thân của Tổng cục An ninh Liên bang Nga - FSB) và nhiều đồng đội thân cận của ông cũng vươn lên các vai trò quyền lực.

Nhà phân tích người Nga, Agnia Grigas thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Atlantic (Mỹ) nói: “Ông Putin ưu ái những người thuộc ngành an ninh để họ là cố vấn thân cận nhất. Việc chỉ định các tỉnh trưởng là hành động tiếp diễn khuynh hướng củng cố quyền lực bằng người cùng ngành an ninh và gia tăng khả năng kiểm soát các khu vực cho Điện Kremlin”.

Theo Moscow Times, thay đổi nhân sự này tiếp sau một loạt chiến dịch chống tham nhũng của FSB như Nikita Belykh, Thống đốc vùng Kirov, bị bắt vì nghi nhận hối lộ hàng triệu euro.

Ông này bị cách chức vì “làm mất lòng tin của tổng thống”, thay Belykh là Igor Vasilyev, lãnh đạo cơ quan quản lý tài sản công (Rosreyestr).

Tổng cục trưởng hải quan Andrei Belyaninov thì từ chức sau khi FSB khám xét nhà ông ngày 26.7 và phát hiện các hộp giày đựng vô số tiền mặt cùng với tranh đắt tiền, đồ nội thất hạng sang.

Thay Belyaninov là Vladimir Bulavin, đặc sứ tổng thống ở vùng Tây Bắc từng lập sự nghiệp ở FSB.

Từ năm 2006 đến 2008, Bulavin là Phó giám đốc FSB rồi vào Hội đồng An ninh liên bang.

Nikolai Tsukanov thay Bulavin làm đặc sứ tổng thống, còn thay Tsukanov ở ghế tỉnh trưởng Kaliningrad là Yevgeny Zinichev, trưởng cơ quan FSB ở Kaliningrad.

Sergei Menyailo, thị trưởng Sevastopol, cũng được chọn làm đặc sứ tổng thống ở Siberia. Tiền nhiệm của ông là một tướng quân đội đã bị cách chức vài tháng trước khi về hưu.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Dmitry Mironov làm tỉnh trưởng Yaroslav thay Sergei Yastrebov.

Oleg Belaventsev thôi chức đặc sứ tổng thống ở Crimea để giữ chức này ở vùng Bắc Caucasus, nơi ông thay Sergei Melikov vốn được chỉ định làm chỉ huy phó vệ binh quốc gia (một đơn vị mới lập để bảo vệ tổng thống Nga).

Vụ thay đổi nhân sự xảy ra vào lúc xem ra có phân chia lại tầm ảnh hưởng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga.

Vài năm qua, nhiều thay đổi lớn diễn ra theo hướng phân chia sức ảnh hưởng trong số “ủy viên Bộ Chính trị” của ông Putin.

FSB và lực lượng cảnh vệ liên bang (FSO) có thêm nhiều quyền lực, theo nhà phân tích chính trị Yevgeny Minchenko nói với báo Novaya Gazeta.

Nghị sĩ Dmitry Gudkov viết trên Facebook của ông: “Tôi không thể nhớ lúc nào có nhiều người của ngành an ninh vươn lên nắm quyền lực cùng một lúc. Chúng ta chẳng biết gì về chuyên môn quản lý của họ. Điện Kremlin chẳng thể tin ai ngoài những người mặc cảnh phục”.

Nhưng nhà phân tích chính trị Yekaterina Schulmann lưu ý rằng việc chỉ định các quan chức từng là nhân viên an ninh vào các vị trí cao trong chính phủ là điều không mới, do đường hướng này đã rõ ràng trong 15 năm qua.

Bà nói: “Người từng là sĩ quan quân đội hoặc an ninh luôn hiện diện ở cấp quan chức hàng đầu của Nga”.

Ông Putin cần người tin cẩn vì phát chán đồng đội tham nhũng

Một điều khác đáng chú ý là số cán bộ thân cận ông Putin hầu hết đều trẻ vào lúc ông đang chuẩn bị tiếp tục một nhiệm kỳ tổng thống nữa (năm 2018).

Nhóm “lão tướng” thân cận đang dần dần về hưu (đôi khi miễn cưỡng về hưu) và các nhân vật trẻ thường xuất thân từ ngành an ninh đang lấp chỗ của họ.

Người phát ngôn Dmitri Peskov của ông Putin nói không phải là “luân chuyển cán bộ”, nhưng theo Newsweek, vài người bị sa thải và được chỉ định giúp soi rọi chiến lược hiện nay của Điện Kremlin và ai được ông Putin tin tưởng nhất.

Tháng 9 tới, Nga sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội, hai năm trước khi tổ chức bầu cử tổng thống. Ông Putin chưa chính thức tuyên bố có tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 4 hay không nhưng ông và các cộng sự biết chính phủ sẽ phải khôi phục nền kinh tế đang suy yếu để tạo ấn tượng với cử tri.

Với lý do này, Điện Kremlin cần có những tỉnh trưởng, đặc sứ được họ tin tưởng.

Hồi tháng 6 ông Putin đã tuyên bố trấn an dân Nga rằng Nga đã thoát khỏi suy thoái kinh tế nhưng theo thăm dò, 82% số người được hỏi không tin như thế. Trong khi đó, 42% dân Nga đánh giá các quan chức tham nhũng đang “đổi chủ trương” để tư lợi.

Chống tham nhũng và phục hồi kinh tế là các vấn đề mà ông Putin và thủ tướng sẽ phải chứng tỏ họ nghiêm túc thực hiện trước thềm bầu cử Quốc hội.

Lilia Shevtsova, một chuyên gia về Nga-Ukraine ở Viện Nghiên cứu Brookings (Washington), nói đã có đồn đoán thay nhân sự ở cấp tỉnh trưởng và đặc sứ tổng thống ở các vùng trước cuộc bầu cử.

Bà lưu ý: “Ông ấy không tin người mới nhưng ông ấy cũng phát chán các đồng đội cũ tham nhũng và làm việc không hiệu quả”.

Trung Trực (theo Moscow Times, Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/tong-thong-putin-chi-tin-dung-cac-tro-ly-la-cuu-nhan-vien-an-ninh-39196.html