Tổng thống Puitn và những toan tính trong 'bài toán Biển Đông'

Các chính sách của Nga liên quan đến vấn đề Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với những gì công chúng nhìn thấy thời gian qua...

Bài viết của trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc viện Công nghệ Zurich, Thụy Sĩ (ISN Security Watch) đăng tải trên trang Oil Price, đã đưa ra một góc nhìn về lập trường của Nga nói chung và những tính toán của Tổng thống Putin nói riêng trong những vấn đề nổi bật ở Biển Đông. Đây là khu vực Moscow thường hạn chế đưa ra những quan điểm riêng….

Các mục tiêu chiến lược

Theo ISN, các chính sách của Nga liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông phức tạp hơn nhiều, so với những gì công chúng nhìn thấy thời gian qua. Quan điểm chính thức của Moscow tuyên bố từ trước đến nay chỉ rõ, Nga là một cường quốc ngoài khu vực và không có tranh chấp lợi ích nào trực tiếp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố chính thức này, là việc Nga đang xây dựng sức mạnh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương và có các hợp đồng mua bán vũ khí, năng lượng trị giá nhiều tỷ đô la với các đối tác trong khu vực.

Các yếu tố đó cho thấy, mặc dù Moscow có thể không là một bên trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Nga có các mục tiêu chiến lược, lợi ích và hành động có ảnh hưởng trực tiếp đến cách tranh chấp trên Biển Đông.

1/4 chương trình hiện đại hóa quân sự của Nga trong kế hoạch đến năm 2020 được chỉ định cho Hạm đội Thái Bình Dương có căn cứ tại Vladivostok. Mục tiêu là giúp hạm đội sẽ được trang bị tốt hơn để mở rộng hoạt động đến các vùng biển xa.

Sự hợp tác quân sự của Nga với Trung Quốc đã tiến triển đến mức mà Tổng thống Putin gọi là "đối tác tự nhiên, đồng minh tự nhiên”. Hai quốc gia này cũng có các cuộc tập trận hải quân chung, gần đây nhất như "Joint Sea 2016” diễn ra trên Biển Đông.

Tuy nhiên, mối quan hệ của Nga với Việt Nam đang có một xu hướng gia tăng tương tự: Quan hệ Nga-Việt Nam là quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" tương đương với mối quan hệ Nga-Trung.

Tuy nhiên, việc Nga đang tăng cường hợp tác quân sự với cả Trung Quốc và Việt Nam - hai nước có những bất đồng trực tiếp trên Biển Đông, làm cho Nga khó giải thích về ý định thực sự của mình đặt ra trong chính sách đối ngoại.

Trung Quốc trong vài năm qua đã tăng cường những yêu sách chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông, trong đó tự vẽ ra “đường chín đoạn” phi pháp xâm lấn chủ quyền, lợi ích của Việt Nam.

Việt Nam luôn kịch liệt phản đối các hành động của Trung Quốc gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam, trong đó có việc xâm chiếm, cải tạo và quân sự hóa tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn là chủ quyền bất biến của Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc không chỉ gây leo thang căng thẳng trong khu vực, mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây tổn hại đến tình hữu nghị giữa hai nước. Bắc Kinh cũng phải đón nhận sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế, cũng như phải nhận về phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm 2016.

“Trò chơi hai cấp độ”

Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết chỉ rõ yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Theo trung tâm Nghiên cứu An ninh ISN, các cường quốc lớn đi theo chính sách đối ngoại đa cấp độ, thường khiến cho lập trường của họ trở nên mơ hồ trong các vấn đề cụ thể. Quan điểm Nga ở Biển Đông cũng không phải ngoại lệ.

Đối với Nga, vấn đề Biển Đông là nơi nước này áp dụng chính sách “trò chơi hai cấp độ”. Một là xây dựng hệ thống cân bằng chống bá quyền, hai là chính sách phòng ngừa rủi ro trong khu vực. Cấp độ đầu tiên được chi phối bởi sự phân chia quyền lực toàn cầu và các nhận thức về những mối đe dọa chính của Nga. Ở cấp độ này, Nga thách thức trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu, bằng nhiều cách mà tiêu biểu trong số đó là chính sách của Moscow ở Georgia, Ukraine và Syria.

Động lực để cân bằng lại vai trò lãnh đạo đang tập trung quá lớn vào Mỹ khiến Nga tìm kiếm sự liên kết với Trung Quốc, đồng thời nhận thức rằng, chính sách xoay trục châu Á của Washington là một mối đe dọa an ninh lớn.

Do đó, nhận thức của Nga và Trung Quốc về các mối đe dọa từ bên ngoài đang có sự tương đồng với nhau khi cả hai nước đều xem xét các chính sách của Mỹ như sự mở rộng về phía đông của NATO, hay xoay trục châu Á đều là những rủi ro.

Áp lực từ thế đơn cực mà Mỹ đang nắm trong tay đã trở thành cơ sở vững chắc, thúc đẩy Nga và Trung Quốc cùng xích lại gần nhau. Điều này cũng tạo thành sự ủng hộ ngầm giữa hai quốc gia này.

Theo quan điểm trên, Biển Đông đối với Nga là một phần của trò chơi toàn cầu và Nga không chống lại các mối quan tâm của Trung Quốc.

Ở cấp độ thứ hai – chính sách quản lý rủi ro trong khu vực của Nga được thúc đẩy bởi các đặc điểm trong nước và khu vực, cùng việc kết hợp các chính sách, nhằm đa dạng hóa các liên kết khu vực của Nga, ngăn chặn các bất ổn tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương.

Moscow mong muốn nhiều hơn các lợi ích thương mại từ khu vực với các hợp đồng về năng lượng, cơ sở hạ tầng và vũ khí.

Nga có vẻ mong muốn tạo ra một cấu trúc cân bằng quyền lực xung quanh Biển Đông, đồng thời đa dạng hóa các danh mục đầu tư với các đối tác châu Á, không chỉ tập trung vào quan hệ riêng với Bắc Kinh. Trong đó Việt Nam là một trong những cửa ngõ để Nga hội nhập sâu hơn với cộng đồng ASEAN.

Nga không muốn Biển Đông đi quá xa vấn đề tranh chấp chủ quyền để trở thành một cuộc chiến.

Theo ISN, sự giao thoa trong hai cấp độ chính sách của Nga chính là lý do tạo ra sự mơ hồ và khiến nhiều người nhầm lẫn về lập trường thực sự của Nga ở Biển Đông.

Ý nghĩa chính của “trò chơi hai cấp độ” này cũng chính là bản chất mà tranh chấp Biển Đông hiện ra trong suy nghĩ của Nga, cũng như phản ánh các chính sách tương ứng của Moscow luôn là một biến số chứ không phải là một hằng số.

Theo đó, Moscow sẽ không đi theo một lập trường cứng nhắc ở Biển Đông và cũng không theo ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Bắc Kinh.

Khi các tranh chấp ở Biển Đông ngày càng bị cuốn ra khỏi vấn đề tranh chấp chủ quyền trong khu vực và trở thành “sàn đấu” riêng của Mỹ-Trung, các hành động, tuyên bố của Nga ở Biển Đông khi đó sẽ thể hiện rõ tính cân bằng chống bá quyền đơn cực. Điều đó phản ánh, Moscow sẽ phản đối sự đối đầu hay sự lan tỏa ảnh hưởng của bất cứ cường quốc nào ra khu vực.

Ngược lại, nếu Mỹ càng ít tham gia vào nơi đây, chính sách của Nga lại mang nhiều đặc điểm của chính sách phòng ngừa rủi ro khu vực, tiến tới hợp tác toàn diện và đa dạng với các quốc gia tại đây, đồng thời tôn trọng lập trường của các bên.

Cho đến nay, hai cấp độ chính sách của Nga ở Biển Đông vẫn vận hành rất tốt mà không mâu thuẫn với nhau.

Trong khi quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt sẽ tạo thành những nền tảng mạnh mẽ khiến Trung Quốc không vừa lòng, nhưng trên thực tế Bắc Kinh sẽ chấp nhận điều này vì nhiều lý do.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tong-thong-putin-va-nhung-toan-tinh-trong-bai-toan-bien-dong-a322715.html