Tổng thống Philippines ở Trung Quốc: Duterte là tư lệnh hòa giải?

Điều gì đã xảy ra với ứng cử viên tổng thống mạnh miệng Rodrigo Duterte khi thăm Trung Quốc? Carrie Gracie - biên tập viên BBC News, phân tích tại sao ông Duterte thực hiện “chủ thuyết ngoại giao quay ngoắt 180 độ” khi đến Bắc Kinh.

Trước chuyến thăm Trung Quốc vào tuần này, Tổng thống Duterte đã “uốn lưỡi bảy lần” và chuẩn bị lời hay ý đẹp. Ông đã nói về một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc, hứa hẹn nhẹ lời và ca ngợi Trung Quốc có chính sách vững chắc cả về đối nội lẫn đối ngoại. Duterte đã từ bỏ kế hoạch ra bãi ngầm có tranh chấp, thay vào đó ông nói với Tân Hoa Xã của Trung Quốc rằng:

"Chẳng ích lợi gì để có chiến tranh. Tranh giành biển mà để làm gì... Chúng ta muốn nói về tình bạn, chúng ta muốn nói về hợp tác, và trước hết là nói về kinh doanh. Chiến tranh sẽ chẳng đưa ta tới đâu cả".

Sự chuyển hướng của "tổng tư lệnh hòa giải" lại càng đáng chú ý trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước dường như chạm đáy chỉ ba tháng trước đây, khi Philippines giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông, làm tổn hại lớn với uy tín của Trung Quốc như một cường quốc sẵn lòng tôn trọng luật pháp quốc tế. Vậy tại sao Duterte - người có tiếng là thẳng thắn, bất ngờ quyết định rằng khi đương đầu với Trung Quốc vào lúc này, thì sự thận trọng tốt hơn là dũng cảm?

Tổng thống Rodrigo Duterte gặp gỡ cộng đồng người Philippines ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP).

Tất cả đều là tính toán về tiền bạc. Sự thật đơn giản là phán quyết chiến thắng rõ ràng trước Trung Quốc, vốn được đưa ra ngay sau khi ông Duterte nhậm chức, đã tạo cơ hội cho một cách tiếp cận mới. Trung Quốc không thể không đếm xỉa gì tới phán quyết thắng lợi đó. Và trong khi trong gần bốn năm kể từ khi Philippines bắt đầu vụ kiện, họ đã phải trả giá về kinh tế vì Bắc Kinh đã không để Manila hưởng lợi gì từ tài sản của Trung Quốc bằng cách đã tích cực khuyến cáo du khách, các nhà đầu tư và các nhà nhập khẩu làm ăn với Philippines. Với lá bài pháp lý ở trong túi, ông Duterte muốn sự ảm đạm về kinh tế kết thúc. Ông thấy không có lý do gì Philippines không nên, giống như hầu hết các nước khác trong khu vực, tận hưởng tối đa các lợi ích từ sự phát triển của Trung Quốc trong khi cùng lúc dựa vào Mỹ về an ninh.

Vì vậy, tuần này Duterte đang ở thăm Trung Quốc với một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu, và khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào hôm thứ Năm, hai nhà lãnh đạo sẽ chủ trì việc ký kết các thỏa thuận về năng lượng, cơ sở hạ tầng và du lịch. Và trong vườn quả có đầy những thứ dễ hái để ông Duterte tha hồ chọn. Bắc Kinh đã hứa sẽ tăng cường nhập khẩu chuối, dứa, xoài và quan trọng hơn là bỏ khuyến cáo du lịch đã từng cảnh báo du khách Trung Quốc không đến thăm Philippines.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa, cho biết Philippines có thể mong đợi du khách Trung Quốc tang tới một triệu vào cuối năm tới, mang về cho Manila doanh thu 1 tỷ USD. Hơn nữa, Trung Quốc đã hứa sẽ hậu thuẫn cho cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của Duterte, rồi ông sẽ thăm các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ sở cai nghiện trong chuyến thăm Trung Quốc của ông.

Ông Duterte vui vẻ chụp hình với mọi người (Ảnh: AFP).

Vậy, phán quyết thắng lợi của Tòa trọng tài thường trực Liên hiệp quốc (PCA) từ vụ kiện đối với Bãi cạn Scarborough có ý nghĩa gì? Trong tâm trí của Duterte, phán quyết này chẳng tốt hơn mà cũng chẳng tệ đi so với trước đây: đó là, với một chiến thắng pháp lý của Philippines trong khi Trung Quốc lại sở hữu đảo. Duterte tính toán rằng, ông có thể giành chiến thắng với “củ cà rốt” tài chính ở Trung Quốc mỗi ngày, nếu ông không hân hoan với lá bài pháp lý, và rằng chơi lá bài đó vào lúc này cũng không thay đổi được gì trên thực tế, bởi nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama đang sắp hết và khó ở vào thế để thi hành nó.

Thậm chí ông Duterte còn nhắm tới một thắng lợi chiến thuật ở Bãi Scarborough như phần thưởng cho sự kiềm chế ngoại giao của ông. Ông đặt cược rằng, nếu ông tới Trung Quốc và không mang theo mình tiếng nói của khu vực, của Mỹ và cộng đồng quốc tế sau vụ kiện của Manila, có nghĩa là ông cho Trung Quốc một cơ hội để làm việc thiện với việc lập luận rằng, ngoại giao châu Á với sự vắng mặt của Mỹ có thể là một "thắng lợi chung" cho các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Vì vậy, Duterte đã nói rằng trong chuyến thăm tuần này, ông sẽ yêu cầu Bắc Kinh cho phép ngư dân Philippines tiếp cận Bãi Scarborough - nơi lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã ngăn cản họ bấy lâu nay. Và Bắc Kinh đã nói rằng phía Trung Quốc rất quan tâm đến hợp tác về nghề cá. Về ngắn hạn, khu vực này sẽ chịu dấu ấn của cách hành xử đáng chú ý của Duterte, nhưng về lâu dài, có nhiều rủi ro ở đây hơn cả đánh bắt cá và xuất khẩu trái cây. 5 ngàn tỉ USD thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông mỗi năm, và đối với nhiều nhà quan sát, thì các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đã trở thành yếu tố cho một cuộc đua qui mô hơn giữa các siêu cường là Mỹ và Trung Quốc.

Ông Duterte tự thừa nhận rằng tại một thời điểm nào đó, thì giải quyết các vấn đề với Trung Quốc trở thành việc không thể tránh khỏi: "Chúng ta sẽ không đao to búa lớn ... nhưng sẽ đến lúc chúng ta phải tính toán thế nào đó về việc này".

Chúng ta có thể ít nhiều biết phần nào về sự tính toán của Duterte khi ông ngừng tuyên bố rằng ông không thích người Mỹ, dừng nghi ngờ về giá trị của liên minh của đất nước mình với Mỹ và lại bắt đầu lẩm bẩm về chuyện sẽ dùng mô-tô nước để ra đảo có tranh chấp. Nhưng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đối phó với ông. Bắc Kinh đã và đang chơi trò chơi dài hơi, hy vọng rằng màn ngoại giao vào tuần này sẽ bắt đầu một vòng tay quyến rũ mà cuối cùng nó sẽ làm suy yếu vai trò quan trọng của Philippines trong việc giữ gìn sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Cách bài binh bố trận là rất tốt, nhưng đây là ván bài của những người đầy tham vọng, trong đó có Tổng thống Duterte.

Lê Miên Tường (Theo BBC News, 10/2016)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tong-thong-philippines-o-trung-quoc-duterte-la-tu-lenh-hoa-giai-d48373.html