Tổng thống Pháp bị phản ứng khi muốn 'chính danh' cho vợ

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – 'người cởi trói' cho nước Pháp đang bất lực chứng kiến sự sụt giảm uy tín một cách nhanh chóng chỉ bởi ông đã 'dũng cảm' tìm kiếm một danh phận chính thức cho người vợ Brigitte Macron.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất được công bố hồi đầu tháng 8 cho thấy có tới gần 60% người được hỏi bày tỏ những nghi ngờ về việc ông Emmanuel Macron có thể dẫn dắt nước Pháp đối mặt với các khó khăn hiện tại. Chẳng hạn, trong cuộc thăm dò do hãng YouGo thực hiện thì chỉ có 36% người dân Pháp được hỏi cho biết hài lòng với sự điều hành của tân Tổng thống.

Còn hãng Elabe thì đưa ra con số là 40% người được hỏi. Chỉ số này so với các con số đưa ra từ cuối năm ngoái và hồi tháng 6 vừa qua đều đã sụt giảm rất nhiều. Thậm chí, nếu so với những người tiền nhiệm của ông Emmanuel Macron như cựu Tổng thống Jacques Chirac, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và cựu Tổng thống Francois Hollande thì đây cũng là chỉ số thấp nhất trong số chỉ số tín nhiệm trong 3 tháng đầu của các đời Tổng thống Pháp.

Giới quan sát nhận định, khi đắc cử Tổng thống, ông Emmanuel Macron đã trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp và tạo nên một hiện tượng trong xã hội Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Điều đặc biệt ở ông không chỉ bởi một kế hoạch phục hồi kinh tế rõ ràng mà còn bởi câu chuyện tình đầy chất thơ và như cổ tích với cô giáo dạy Văn hơn ông hàng chục tuổi. Những ngày đầu nhậm chức, ông Emmanuel Macron còn “ghi thêm điểm” khi có thái độ ứng phó khá đặc biệt đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người vốn cũng đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.

Hàng triệu phụ nữ Pháp ngưỡng mộ câu chuyện tình của tân Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Macron nhưng họ lại không muốn trao cho bà một danh phận chính thức. Ảnh: EPA

Người ta nói nhiều đến hình ảnh ông Emmanuel Macron răng nghiến chặt, tay bắt mạnh và mắt nhìn thẳng vào ông Donald Trump trong cuộc tiếp xúc đầu tiên. Thế nhưng sau những ồn ào đó, Tổng thống Emmanuel Macron lại chẳng để lại thêm một dấu ấn mạnh mẽ nào khác.

Như tờ Le Monde nhận định: “Hay nói cách khác, là dư luận Pháp đang bắt đầu cảm thấy phản cảm giữa cách thể hiện hết sức thu hút về mặt cá nhân, như một ngôi sao giải trí của ông Macron với thực tế là chính quyền của ông Macron đang thực thi các chính sách rất khắc khổ về ngân sách và phúc lợi xã hội”.

Khi còn tranh cử, ông Emmnauel Macron đã tuyên bố rằng, về kinh tế, ông ủng hộ thị trường, ủng hộ toàn cầu hóa và muốn cải cách sâu rộng các chương trình hưu trí quốc gia; cam kết không đổ tiền cứu các doanh nghiệp thua lỗ nhưng tập trung giúp đỡ và đào tạo các lao động dư thừa từ các doanh nghiệp này; tiết kiệm ngân sách khoảng 60 tỷ Euro (65 tỷ USD) để Pháp tuân thủ được giới hạn thâm hụt ngân sách theo quy định của EU là 3% GDP; chi gói đầu tư công giá trị 50 tỷ Euro trong 5 năm cho các chương trình môi trường, đào tạo nghề, đổi mới kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng công cộng; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 33,3% hiện tại xuống mức 25%...

Về thị trường lao động, tân Tổng thống Pháp dự định tăng sức mua của người dân bằng cách giảm các khoản bảo hiểm xã hội (Khoản tiền được giảm tương đương 500 Euro mỗi năm đối với những người có thu nhập ròng là 2.200 euro/tháng); cho phép các doanh nghiệp linh hoạt trong chính sách tuần làm việc 35 giờ; duy trì độ tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62, nhưng thống nhất các quy định lương hưu giảm sự phức tạp trong triển khai…

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu chính trị Jérôme Fourquet của Viện thăm dò ý kiến công luận Pháp (IFOP), hiện nay chính sách thuế đối với công chức và người nghỉ hưu đang có những độ vênh rất lớn so với các cam kết… Thêm vào đó là những hoạt động bị đánh giá là chưa chuyên nghiệp của đội ngũ nghị sĩ mới thuộc đảng “Nền cộng hòa tiến bước” (LREM).

Cuối cùng, việc tân Tổng thống tìm kiếm một danh phận chính thức cho vợ mình là “giọt nước tràn ly” khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu phụ nữ Pháp ngưỡng mộ mối tình của Tổng thống nhưng họ lại không sẵn lòng để trao vị trí chính thức Đệ nhất phu nhân Pháp cho bà Brigitte Macron. Bằng chứng là một đơn kiến nghị với gần 200.000 chữ ký đã được đưa ra để phản đối quyết định cho bà Brigitte Macron một vai trò chính thức với việc có văn phòng riêng, nhân viên riêng và mật vụ riêng để bảo vệ.

Đơn kiến nghị do nhà văn Thierry Paul Valette thảo và gửi đi có đoạn phân tích rằng, bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc trao địa vị cho vợ của tổng thống phải được thông qua bằng một cuộc trưng cầu dân ý, chứ không chỉ bằng sắc lệnh của Tổng thống. Được biết, Hiến pháp Pháp không quy định vợ của Tổng thống có chức danh Đệ nhất phu nhân nhưng người này vẫn được phép có văn phòng, phụ tá và nhân viên an ninh riêng. Một số tờ báo của Pháp cho biết, bà Brigitte Macron hiện đang có một nhóm gồm hai hoặc ba phụ tá, cũng như hai thư ký và hai nhân viên an ninh.

Chính phủ Pháp ước tính chi phí cho từng này hoạt động của bà Brigitte Macron là vào khoảng 500.000 USD/năm. Nếu tân Tổng thống Emmanuel Macron muốn vợ mình có một danh phận chính thức thì chi phí cho hoạt động này cũng có thể tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, khi còn tranh cử Tổng thống, ông Emmanuel Macron vẫn nhiều lần khẳng định rằng, ông sẽ tìm cách cho vợ một vị trí danh chính ngôn thuận nhưng bà Brigitte Macron sẽ không làm tốn một đồng tiền hỗ trợ nào từ công quỹ.

Sông Thương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/tong-thong-phap-bi-phan-ung-khi-muon-chinh-danh-cho-vo-453029/