Tổng thống Mỹ 'bội thu' ở A-rập Xê-út

Không lâu sau khi đặt chân xuống A-rập Xê-út, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) đã ký kết hợp đồng bán vũ khí với trị giá hàng trăm tỷ USD cho A-rập Xê-út.

Tổng thống Mỹ Đ.Trăm có sự khởi đầu suôn sẻ tại A-rập Xê-út, nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài kéo dài hơn 1 tuần của ông. Ngay trong ngày đầu tiên ông Đ.Trăm đặt chân tới Ri-át, hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD, trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ và đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng của A-rập Xê-út trong 10 năm tới. Thỏa thuận này bao gồm cả thỏa thuận quân sự trị giá 110 tỷ USD, được Tổng thống Mỹ Đ.Trăm và giới chức Nhà Trắng mô tả là hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. “Đây là một ngày tuyệt vời”-Tổng thống Đ.Trăm chia sẻ với báo giới. “Tôi muốn cảm ơn những người bạn A-rập Xê-út về hàng trăm tỷ USD đầu tư vào Mỹ và việc làm cho nước Mỹ”-Reuters dẫn lời ông Đ.Trăm nói trong cuộc họp báo sau lễ ký kết thỏa thuận.

Quốc vương A-rập Xê-út Xan-man (bên trái) ra tận chân máy bay đón Tổng thống Đ.Trăm và Đệ nhất Phu nhân Mê-la-ni-a. Ảnh: AFP

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Tập đoàn quản lý tài sản Mỹ Blackstone và Quỹ Đầu tư công (PIF) của A-rập Xê-út đã khởi động "cỗ máy đầu tư" trị giá 40 tỷ USD nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Mỹ, trong đó 20 tỷ USD sẽ do PIF góp vốn, số còn lại được kêu gọi từ các nhà đầu tư khác. Blackstone cho biết, quỹ này hướng tới việc dành 100 tỷ USD để đầu tư vào các dự án hạ tầng, chủ yếu tại Mỹ. Thỏa thuận trên được đưa ra trong bối cảnh ông Đ.Trăm cam kết đầu tư 1.000 tỷ USD vào một kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại Mỹ. Cam kết của ông Đ.Trăm hiện vẫn chưa được thực hiện vì còn mắc ở khâu tài chính, khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội phản đối chi quá nhiều tiền từ ngân sách nhà nước.

Cùng ngày, Công ty dầu mỏ quốc gia Aramco của A-rập Xê-út cũng thông báo đạt thỏa thuận về việc thành lập một công ty liên danh với các công ty Mỹ và nhiều bản ghi nhớ (MoU) trị giá ước tính khoảng 50 tỷ USD.

Đáng chú ý là gói thiết bị và dịch vụ phòng vệ trị giá 110 tỷ USD được cho là sẽ nhằm hỗ trợ an ninh dài hạn của A-rập Xê-út và khu vực vùng Vịnh nói chung, cũng như tạo nền tảng để Ri-át tăng cường đóng góp cho các chiến dịch chống khủng bố tại khu vực, qua đó giảm bớt gánh nặng của quân đội Mỹ. Nhà Trắng miêu tả hợp đồng vũ khí này là một bước thắt chặt quan hệ đồng minh nhiều thập kỷ qua giữa Mỹ và A-rập Xê-út và là "sự mở rộng đáng kể quan hệ an ninh" của 2 nước. “Gói thiết bị và dịch vụ quốc phòng này sẽ hỗ trợ an ninh trong dài hạn đối với A-rập xê-út và vùng Vịnh trước các mối đe dọa từ I-ran”-một quan chức Nhà Trắng cho biết. "Nó cũng tăng cường năng lực của A-rập Xê-út trong các chiến dịch chống khủng bố trên khắp khu vực, giảm gánh nặng lên quân đội Mỹ trong việc tiến hành các chiến dịch này”-vị quan chức bổ sung.

Chi tiết về bản hợp đồng vũ khí “khủng” chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin từ giới chức Oa-sinh-tơn thì thỏa thuận này bao gồm các xe tăng, xe chiến đấu Bradley, pháo M109, xe thiết giáp chở quân và trực thăng. Bên cạnh đó là các hạng mục vũ khí phục vụ hải quân như tàu chiến đấu mặt nước đa năng, trực thăng trên tàu, tàu tuần tra và các hệ thống vũ khí liên hợp. Theo Reuters, chỉ riêng các loại đạn dược mà Mỹ sẽ cung cấp đã có trị giá lên tới khoảng 1 tỷ USD, bao gồm các đầu đạn xuyên thép và bom laser dẫn đường. Đáng chú ý trong thỏa thuận vũ khí mới ký kết là việc Mỹ sẽ cung cấp cho A-rập Xê-út tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), giống loại mà Mỹ gần đây triển khai tại Hàn Quốc. Ngoài ra, khoảng 150 máy bay Blackhawk nổi tiếng của Mỹ cũng sẽ được Lockheed Martin sản xuất và cung cấp cho A-rập Xê-út theo một hợp đồng trị giá 6 tỷ USD.

Nhà Trắng mô tả các thỏa thuận trên là “sự mở rộng quan trọng đối với mối quan hệ an ninh kéo dài hơn 7 thập kỷ qua giữa Mỹ và Vương quốc A-rập Xê-út”. A-rập Xê-út là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), một bản báo cáo hồi tháng 4 cho thấy, năm 2016, A-rập Xê-út là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ tư thế giới, với 63,7 tỷ USD.

Trong khuôn khổ chuyến thăm A-rập Xê-út, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã hội đàm với Quốc vương Xan-man Bin Áp-đun A-dít (Salman Bin Abdul Aziz) tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Ri-át. Hai nhà lãnh đạo A-rập Xê-út và Mỹ tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị lâu đời, nhất trí tăng cường các mối quan hệ gần gũi về chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, đồng thời tập trung thảo luận một loạt vấn đề song phương. Nhân dịp này, Quốc vương Xan-man trao tặng Tổng thống Đ.Trăm Huân chương Quốc vương Abdul Aziz, tước hiệu công dân cao quý nhất của A-rập Xê-út. Tước hiệu này cũng từng được trao tặng Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin), Thủ tướng Anh Thê-rê-xa Mây (Theresa May) và người tiền nhiệm của ông Đ.Trăm là Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama). Trên trang Twitter chính thức, Quốc vương Xan-man khẳng định rằng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm tới quốc gia vùng Vịnh sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và giúp tăng cường an ninh toàn cầu.

A-rập Xê-út là điểm đến đầu tiên của chuyến công du và là nước ngoài đầu tiên Tổng thống Đ.Trăm đặt chân đến kể từ khi nhậm chức. Các Tổng thống Mỹ trước ông Đ.Trăm thường chọn nước láng giềng Ca-na-đa hoặc Mê-hi-cô cho chuyến công du đầu tiên.

HÀ NGỌC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tong-thong-my-boi-thu-o-a-rap-xe-ut-507979