Tổng thống Hàn Quốc sợ nhất điều gì lúc này?

Điều khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sợ nhất lúc này là trợ thành cựu tổng thống, theo AP.

ỗi sợ này không có gì khó hiểu nếu nhìn vào lịch sử Hàn Quốc: Gần như tất cả cựu tổng thống hoặc người thân, trợ lý của họ đều dính vào bê bối ở gần cuối nhiệm kỳ hay sau khi rời nhiệm sở, dẫn đến các cáo buộc tham nhũng, tệ hơn là đảo chính, tự tử hay ám sát.

Quá khứ ám ảnh

Có thể kể ra một loạt tổng thống Hàn Quốc có cái kết đầy bi kịch dưới đây:

1. Syngman Rhee (1948-1960)

Với sự giúp đỡ của Mỹ, ông Rhee là người đưa Hàn Quốc thoát khỏi sự đô hộ của Nhật và trở thành tổng thống lập quốc của nước này vào năm 1948.

Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, ông Rhee dần trở thành nhà độc tài và bị cáo buộc tham nhũng, ưu đãi người nhà… Năm 1960, ông giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ tư nhưng lại bị tố cáo gian lận phiếu bầu quy mô lớn. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc của sinh viên buộc ông Rhee phải trốn tới Hawaii và qua đời ở đây năm 1965.

2. Park Chung-hee (1961-1979)

Thiếu tướng Park lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1961. Là cha của bà Park Geun-hye, ông Park đặt nền móng cho sự trỗi dậy của kinh tế Hàn Quốc. Nhưng ông cũng mang tiếng độc tài khi bắt bớ và tra tấn người chống đối. Ông chết trong tay cấp dưới của mình - giám đốc tình báo Hàn Quốc – trong một bữa tiệc năm 1979.

Biểu tình đòi bà Park từ chức ở Seoul hôm 19-11. Ảnh: Reuters

3. Chun Doo-hwan (1980-1988)

Thiếu tướng Chun cũng lên làm tổng thống sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ lâm thời của quyền Tổng thống Choi Kyu-hah. Đến năm 1987, phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ buộc ông chấp nhận sửa lại hiến pháp để cho phép người dân bỏ phiếu bầu tổng thống trực tiếp.

Sau khi hết quyền, ông Chun sống 2 năm lưu vong ở một ngôi chùa hẻo lánh giữa lúc dư luận đòi trừng phạt ông vì tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

3. Roh Tae-woo (1988-1993)

Là thân tín của ông Chun và cũng là người được ông Chun chọn kế nhiệm, ông Roh thắng cuộc bầu cử năm 1987, phần nhiều nhờ các ứng viên đối lập bị chia phiếu.

Đến năm 1995, cả 2 ông Chun và Roh đều bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ hàng trăm triệu USD từ giới doanh nhân trong lúc tại chức. Họ bị truy tố thêm tội nổi loạn và phản quốc vì làm đảo chính và trấn áp đẫm máu khiến hàng trăm người biểu tình thiệt mạng ở TP Gwangju trong cùng năm 1980. Chun bị kết án tử hình, còn Roh lãnh án tù 22 năm rưỡi. Tuy nhiên, họ được ân xá vào tháng 12-1997.

4. Kim Young-sam (1993-1998)

Cuộc bầu cử đưa ông Kim lên làm tổng thống chính thức kết thúc chính quyền quân đội ở Hàn Quốc. Ông Kim bắt Chun và Roh, sau đó tiến hành chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp.

Tuy vậy, ông quản lý kinh tế không tốt, góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1997-1998. Hàn Quốc phải nhận gói giải cứu 58 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, còn ông Kim ra đi với tỉ lệ ủng hộ chạm đáy. Chưa hết, con trai ông bị bỏ tù vì tham nhũng.

5. Kim Dae-jung (1998-2003)

Từng bị tòa án binh dưới thời ông Chun Doo-hwan kết án tử, ông Kim giành được ghế tổng thống và tổ chức một hội nghị chưa từng có tiền lệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 2000. Cùng năm, ông được trao giải Nobel Hòa bình.

Tiếc thay, khi ông mãn nhiệm, bê bối tham nhũng bủa vây các trợ lý và cả 3 người con trai của ông.

6. Roh Moo-huyn (2003-2008)

Một năm sau khi rời Nhà Xanh, ông Roh tự tử năm 2009 giữa lúc các thành viên gia đình ông bị cáo buộc nhận hối lộ 6 triệu USD từ một doanh nhân vào thời gian ông Roh tại chức.

Năm 2009, anh ông Roh bị kết án 2 năm rưỡi tù giam vì lợi dụng ảnh hưởng của em trai khi đương chức.

Bản thân ông Roh từng bị luận tội năm 2004 với cáo buộc vận động tranh cử trái phép. Nhưng cũng nhờ cuộc luận tội này mà công chúng lại ủng hộ đảng ông giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử quốc hội. Tòa án Hiến pháp sau đó để ông tiếp tục giữ chức tổng thống.

7. Lee Myung-bak (2008-2013)

Tới gần cuối nhiệm kỳ, ông Lee chứng kiến con trai duy nhất và anh trai mình bị dư luận chỉ trích với cáo buộc gây quỹ xây nhà nghỉ hưu cho ông Lee sai quy định. Một người anh khác của ông bị ngồi tù 14 tháng vì nhận hối lộ.

Là người vận động chống tham nhũng, ông Lee gọi bê bối tham nhũng dính đến gia đình và trợ lý mình là “chuyện đau lòng”.

Thời gian qua, hàng trăm ngàn người xuống đường đòi Tổng thống Park từ chức. Ảnh: REUTERS

Không dễ bỏ ghế!

Cuối tuần rồi, bà Park Geun-hye bị các công tố viên xem là đồng lõa trong vụ án liên quan tới bạn bà là Choi Soon-sil (bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để ép doanh nghiệp đóng góp tiền). Hai trợ lý của bà Park cũng bị nhiều cáo buộc, bao gồm ông An Chong-bum (lạm quyền, lừa đảo, cưỡng ép) và Chung Ho-sung (tiết lộ tài liệu mật cho bà Choi qua email, điện thoại và fax).

Tuy nhiên, bất chấp các cuộc biểu tình cỡ lớn, tỉ lệ ủng hộ xuống thấp và nhiều trợ lý từ chức, nhiều chuyên gia cho rằng bà Park sẽ quyết không ra đi.

Đài CNN liệt kê 5 lý do cho việc này

1. Quyền miễn trừ của tổng thống

Chức tổng thống sẽ bảo vệ bà Park khỏi bị truy tố, trừ khi bà mắc tội nổi loạn hay phản quốc. Một khi từ chức, bà nhiều khả năng sẽ bị bắt ngay.

2. Chưa có ai kế nhiệm

Ở Hàn Quốc, ghế thủ tướng không có thực quyền. Bà Park đã đề cử ông Kim Byoung-joon làm thủ tướng (thay cho ông Hwang Kyo-ahn bị bà sa thải đầu tháng 11 qua). Tuy nhiên, quốc hội vẫn chưa thông qua.

Báo chí địa phương đề xuất Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, người hết nhiệm kỳ vào tháng 12 tới – tranh cử chức tổng thống nước nhà. Trong khi ông Ban chưa lên tiếng về việc này thì ông John Delury, chuyên gia của Trường ĐH Yonsei, cho là ông Ban bị bất lợi vì có quan hệ gần gũi với đảng của bà Park và không rành rẽ chính trường trong nước.

3. Đảng cầm quyền im lặng

Đảng Saenuri cầm quyền không hề công khai đòi bà Park ra đi. “Dư luận đang sôi sục và một số thủ lĩnh các nhóm chính trị đối lập yêu cầu bà Park từ chức. Nhưng về tổng thể, phe đối lập có vẻ nghiêng về phương án luận tội tổng thống hơn. Trong khi đó, đảng của bà Park không gây sức ép gì” – ông Paul Cha, thuộc Trường ĐH Hồng Kông, nói với đài CNN.

4. Phe đối lập còn yếu

Giáo sư Dave Kang của Trường ĐH Nam California (Mỹ) cho rằng các đảng đối lập chưa ủng hộ yêu cầu đòi bà Park từ chức của công chúng. Ông Kang phân tích: “Ai cũng biết bà ấy ra đi sẽ để lại khoảng trống quyền lực. Nếu bà Park từ chức, bầu cử phải được tổ chức trong 60 ngày và phe đối lập chưa sẵn sàng”.

5. Dòng dõi của bà Park

Mẹ bà Park chết trong vụ ám sát nhằm vào chồng mình năm 1974. Cha bà, cựu Tổng thống Park Chung-hee, bị ám sát chết năm 1979. Bà Park đã vượt qua nỗi đau và chiến đấu suốt thời gian dài để quay lại Nhà Xanh với tư cách nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Và bà có vẻ sẽ không buông tay chịu thua dễ dàng!

Hải Ngọc (Theo AP, CNN)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tong-thong-han-quoc-so-nhat-dieu-gi-luc-nay-20161122002417344.htm