Tổng LĐLĐ Việt Nam dâng hương tại đền thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 - 27.7.2017); 85 năm Ngày mất lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân (31.7.1932 – 31.7.2017), chiều 30.7, đoàn cán bộ cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Bùi Văn Cường – UVBCH TƯ Đảng, Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tại đền thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng). 

Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường dâng hương tại đền thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh - Ảnh HT

Cùng dự lễ dâng hương có các đồng chí Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam: Trần Văn Lý, Nguyễn Thị Thu Hồng, Trần Văn Thuật và bà Nguyễn Thị Nghĩa - Phó Bí thư thường trực thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2.2.1908 – 31.7.1932), người làng Diêm Điền (Tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh -  nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, đã tham gia vào phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh.

Tháng 6.1927, đồng chí tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách khu Duyên Hải, sau đó kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng.

Tháng 3.1929, đồng chí tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Sau đó, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở thành phố Hải Phòng và tham gia thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, là Ủy viên Trung ương lâm thời.

Trước yêu cầu đòi hỏi của phong trào công nhân, đồng chí được Trung ương lâm thời giao phụ trách công tác Công vận. Ngày 28.7.1929, đồng chí đã triệu tập Đại hội để quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay). Từ đây giai cấp công nhân Việt Nam đã có một tổ chức đại diện cho mình để lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân, vì công nhân.

Tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 3 đến 7.2.1930, ở Hương Cảng, Trung Quốc), đồng chí được chỉ định tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng.

Tháng 4.1931, đồng chí bị địch bắt ở làng Yên Dũng Hạ (nay là xã Thủy Hưng – gần thành phố Vinh). Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng không lung lạc được người chiến sỹ cộng sản kiên trung. Sáng ngày 31.7.1932, thực dân Pháp đã thi hành bản án tử hình đồng chí trước cửa Đề lao Hải Phòng.

Để tưởng nhớ và tri ân những công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh – Nguyên sáng lập viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư xử ủy Bắc kỳ, Chủ tịch Tổng công hội đỏ Bắc kỳ (tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay), Bí thư đầu tiên của Đảng bộ TP. Hải Phòng, Tổng Biên tập đầu tiên của báo Lao Động. Đồng chí Bùi Văn Cường và các thành viên trong đoàn đã dâng hoa, dâng hương, đồng thời dành một phút mặc niệm, thể hiện lòng thành kính đối với vị lãnh tụ đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Viết lưu bút tại đền thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Bùi Văn Cường xúc động viết: “Đoàn cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam vô cùng xúc động tưởng nhớ công lao trời biển của các anh hùng liệt sỹ, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, người Chủ tịch Tổng công hội đỏ Bắc kỳ, tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chúng con xin hứa trước anh linh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, xin nguyện đi theo con đường mà Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, tiếp tục đoàn kết, đồng lòng xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, chăm lo bảo vệ và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, xứng đáng với trọng tránh mà Đảng và nhân dân giao phó”.

Một số hình ảnh tại lễ dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh:

Tiến Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/tong-ldld-viet-nam-dang-huong-tai-den-tho-lanh-tu-nguyen-duc-canh-687961.bld