Tổng kiểm tra cháy những nơi đông người

Sau vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội làm 13 người chết, TP.HCM tổ chức kiểm tra toàn diện về PCCC ở các vũ trường, quán bar, karaoke, massage, nhà hàng tiệc cưới, trung tâm thương mại.

“Ngay sau vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP.HCM về kế hoạch tổng kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở công cộng, dịch vụ vui chơi giải trí đông người trên địa bàn”. Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP, thông tin với Pháp Luật TP.HCM như trên.

Bình chữa cháy làm kiểng, lối thoát hiểm bị bít

Trung tá Tuyến cho biết theo kế hoạch của UBND TP, việc tổng kiểm tra được thực hiện từ nay đến hết tháng 1-2017. Thời gian kiểm tra sẽ diễn ra bất kỳ lúc nào, kể cả ngày nghỉ hay ban đêm.

“Thực tế, sau khi nhận công điện của Thủ tướng (ngày 2-11), ngày 3-11, Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM đã triệu tập họp, chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường phối hợp với các sở/ngành, quận/huyện để kiểm tra, rà soát, xử lý những vi phạm. Ngay ngày hôm sau, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã phối hợp tổ chức kiểm tra hàng chục cơ sở và phát hiện nhiều vi phạm” - Trung tá Tuyến nói.

Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy một trong những vi phạm mà các quán karaoke hay mắc phải là việc lắp đặt những tấm bảng hiệu sai quy định. Cụ thể, nhiều chủ quán karaoke làm bảng hiệu quá to, thậm chí che kín mặt tiền của công trình.

“Nhiều quán karaoke có để bình chữa cháy nhưng nhân viên không biết dùng; chỉ có một lối thoát nạn từ tầng trệt ra ngoài. Song trong quá trình hoạt động lại bố trí xe máy, vật dụng nằm la liệt che chắn trên lối này nên khi xảy ra hỏa hoạn thì hàng chục, hàng trăm khách nhốn nháo sẽ bị cản trở, không thoát kịp” - ông Tuyến cho biết.

Cảnh sát PCCC TP.HCM đang thực hiện đợt tổng kiểm tra ở các quán bar, karaoke, massage, nhà hàng tiệc cưới… Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Năm 2002, ở TP.HCM đã xảy ra vụ cháy tòa nhà và trung tâm ITC (quận 1) làm hàng chục người chết. Ảnh: INTERNET

Đối phó nên “đổ nợ” khi có sự cố

Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM, từ ngày 4 đến 15-11, Phòng Cảnh sát PCCC ở các quận/huyện đã kiểm tra gần 200 cơ sở và xử lý trên 100 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 100 triệu đồng. Trong đó, phổ biến là những lỗi vi phạm về thoát nạn và liên quan đến bảo dưỡng phương tiện PCCC.

Ngoài ra, nhiều chung cư ở TP.HCM chưa nghiệm thu hệ thống PCCC vẫn đưa dân vào ở và đã có nơi xảy ra hỏa hoạn như chung cư Hoàng Quân Plaza (huyện Bình Chánh). “Nghị định 167/2013 quy định mức phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC. Tuy vậy, mức phạt này không đáng kể so với thiệt hại mà chủ đầu tư phải chịu khi bàn giao nhà không đúng hợp đồng cho khách hàng. Vì vậy, họ sẵn sàng bàn giao căn hộ cho người dân vào ở khi chưa được nghiệm thu về PCCC, chưa đủ điều kiện an toàn” - Trung tá Tuyến phân tích.

Với những công trình đã nghiệm thu, với những chung cư cao tầng thuộc diện có nguy hiểm về cháy nổ, cảnh sát PCCC vẫn kiểm tra định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là công tác tự kiểm tra. “Theo quy định, các chủ kinh doanh, cơ sở, chủ đầu tư phải có văn bản thể hiện tự kiểm tra, sổ sách giấy tờ ghi chép đầy đủ nhưng thực tế chỉ mang tính đối phó. Thậm chí có những cơ sở kinh doanh, dịch vụ vì lý do chống trộm cắp đã khóa luôn cửa thoát nạn” - Trung tá Tuyến thông tin.

Trung tá Tuyến nhấn mạnh đợt tổng kiểm tra lần này sẽ chấn chỉnh các tồn tại trên và nâng cao trách nhiệm của người dân, chủ cơ sở trong việc tổ chức, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tất cả cơ sở dịch vụ, vui chơi giải trí đông người trên địa bàn, trong đó tập trung vào các vũ trường, quán bar; karaoke, phòng thu âm; massage, xông hơi; nhà hàng tiệc cưới; rạp hát, rạp chiếu phim, cơ sở hoạt động biểu diễn nghệ thuật; chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

Đoàn kiểm tra của TP.HCM do một phó chủ tịch UBND TP làm trưởng đoàn. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về an toàn PCCC tập trung vào:

- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc tổ chức và duy trì công tác tự kiểm tra an toàn PCCC.

- Kiểm tra việc chấp hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về an toàn PCCC.

- Điều kiện an toàn trong quá trình sử dụng điện như phụ tải hệ thống điện, các dây dẫn, đấu nối các dây dẫn, tránh gây chạm…

- Kết cấu xây dựng công trình, kết cấu các bảng quảng cáo. Xử lý các bảng quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn đến đường dây điện hay các thiết bị sinh nhiệt, sinh lửa.

- Số lượng và chất lượng, tình trạng hoạt động của các hệ thống, phương tiện PCCC.

- Điều kiện an toàn thoát nạn như lối thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố.

___________________________________

Chết ngạt với bảng quảng cáo

Bảng quảng cáo là nguyên nhân cháy lan, cháy lớn, lại ảnh hưởng đến việc cứu người và dập lửa. Vì muốn chữa cháy, cứu người phải mất thời gian phá dỡ công trình nên nguy cơ tử vong cao hơn.

Ngoài ra, bảng quảng cáo còn che chắn việc phun nước vào dập lửa và nếu bị bảng quảng cáo lớn chắn lại thì khói, khí độc trong đám cháy sẽ lan ngược lại vào trong khiến những người trong phòng bị nhiễm khói độc tử vong trước khi bị lửa thiêu.

Trung tá HUỲNH QUANG TUYẾN, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/tong-kiem-tra-chay-nhung-noi-dong-nguoi-665960.html