Tổng khởi nghĩa tháng Tám và câu chuyện 'Có ngày 17 mới có ngày 19'

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội được đánh giá là sự kiện quyết định, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng và tan rã của hệ thống chính quyền thân Nhật, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác trong cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Và trên hành trình dẫn đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội những ngày tháng 8 năm 1945 ấy, không thể không nhắc tới sự kiện ngày 17/8, thậm chí nói như một cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu “có ngày 17 mới có ngày 19”.

Khi “Người Hà Nội ai cũng xem mình là Việt Minh”

Trong cuốn Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám – Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, NXB Lao Động – 1999, ông Nguyễn Khang, nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận khởi nghĩa Hà Nội, viết: “Phong trào cứu quốc những ngày tháng Tám đã lên cao tới mức không thể tưởng tượng được và người Hà Nội ai cũng xem mình là Việt Minh. Các hoạt động gần như công khai. Lúc này trung ương đang mở đại hội quốc dân ở Tân Trào nên nếu có chỉ thị thì cũng phải đợi một thời gian nữa mới tới. Nhưng thời cơ đã tới và không đợi chúng ta. Hơn nữa chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã là cẩm nang mở cho Hà Nội hành động. Đúng ngày 15/8, xứ ủy mở cuộc họp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông (lúc này phần lớn lãnh đạo xứ ủy đã đi họp ở Tân Trào). Cuộc họp nhận định tình hình và kết luận đây là thời cơ có một không hai để khởi nghĩa cướp chính quyền. Xứ ủy quyết định: thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội để chỉ đạo công việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội. Lúc này quân Nhật ở Hà Nội khoảng hơn 1 vạn. Lực lượng của ta chỉ có ba chi đội tự vệ hơn 700 người, vũ khí thô sơ và mới qua vài lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Tuy nhiên phong trào quần chúng, các tổ chức Việt Minh đoàn thể thì rất mạnh và đã tập dượt qua nhiều lần…”.

Còn trong kí ức của Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, người có mặt tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 17 và 19/8/1945, lúc đó còn là cậu bé 13 tuổi vừa thi vào trường Bưởi, thì: “Lúc đó tình hình Hà Nội “căng như sợi dây đàn”, người dân đã không còn hy vọng gì vào Chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim. Nhà tôi ở phố Hòa Mã, là trung tâm của Việt Minh, mọi người thấy Chính phủ Trần Trọng Kim hỏng rồi, bây giờ phải theo Việt Minh cướp chính quyền”.

Các tầng lớp nhân dân, người lao động Hà Nội cùng với lực lượng vũ trang nhân dân tham gia mít-tinh phát động cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945. (Ảnh tư liệu).

“Có ngày 17 mới có ngày 19”

Đó là nhìn nhận của ông Lê Đức Vân, cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, nguyên Ủy viên thanh vận Hà Nội, người được giao lãnh đạo khởi nghĩa ở ngoại thành những ngày tháng 8 năm 1945. Bởi lẽ trước ngày 17/8 phong trào Việt Minh đã lớn mạnh, rất nhiều cuộc đấu tranh trực diện với quân thù đã diễn ra ở khắp Hà Nội. Ngoài việc giải truyền đơn, áp phích, phá kho thóc thì tiến hành nhiều hoạt động công khai, diễn thuyết xung phong “ủng hộ Việt Minh đả đảo bù nhìn”, ủng hộ độc lập khởi nghĩa diễn ra ở nơi đông người như: chợ, trường học, rạp chiếu bóng, rạp hát. Ông kể, cứ ở nơi đông người thì chúng ta lại trực tiếp diễn thuyết công khai cho nên ảnh hưởng của Việt Minh là rất rộng, gần như mọi người ở Hà Nội đều ngả sang ủng hộ Việt Minh. “Sau khi Chánh thanh tra Bắc Kỳ bị bắn, lực lượng phản động run hết, nhân dân nội ngoại thành biết tin đó bảo Việt Minh giỏi quá, và tất cả cùng hoạt động công khai, lúc đó ảnh hưởng của Việt Minh rất lớn. Khi ấy, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thấy tình hình bất lợi mới tổ chức một cuộc mít tinh để lên dây cót lấy lại tinh thần. Cuộc mít tinh tổ chức vào ngày 17/8 ở Nhà hát Lớn”- ông Vân nhớ lại.

Cũng theo ông Lê Đức Vân: “Chúng tôi được lệnh của Thành ủy là tất cả các hội viên cứu quốc tham gia mít tinh hết. Tham gia cuộc mít tinh không phải là để dự mà đi phá cuộc mít tính đó, và biến nó thành cuộc mít tinh của mình. Cho nên chúng tôi huy động tất cả các đoàn viên, thanh niên cứu quốc, phụ nữ, mỗi người mang theo một lá cờ đỏ con, sao vàng bằng giấy và giao cho một tổ có nhiệm vụ lên chiếm diễn đàn. Khi cuộc mít tinh vừa bắt đầu xong thì anh Lê Phan (sau này là chiến sĩ Trường Sơn công tác tại Cục Công binh Trường Sơn) tiến lên cướp micro trao cho chị Kiều Trang Anh (thành viên của Đội cứu quốc thành Hoàng Diệu) lúc đó mới 17 tuổi nói vo rất nhanh khoảng 5-10 phút rằng: Chính quyền bù nhìn đã tan rã, bây giờ mọi người hãy ủng hộ Việt Minh, tổng khởi nghĩa giành độc lập. Cùng lúc đó có một lá cờ đỏ sao vàng rất to do anh Trần Lâm (nhà báo lão thành cách mạng lúc đó đang là đội viên Đội tuyên truyền xung phong nội thành Hà Nội thuộc Mặt trận Việt Minh) buông xuống. Ngay sau đó, một thành viên trong đội danh dự đã lấy từ trong người ra lá cờ đỏ sao vàng to, có cán, quay đầu hô “tiến lên”. Do anh đứng ở cuối đoàn nên khi quay đầu trở thành người dẫn đường. Những người tham dự mít tinh cũng xoay người đi theo. Cả đoàn nhằm hướng Tràng Tiền mà đi. Đến đâu, người dân từ hai bên đường ra gia nhập đến đó. Vừa đi mọi người vừa hô “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập”.

Cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhanh chóng biến thành biểu tình, tuần hành của quần chúng cách mạng. Toàn bộ Hà Nội trừ cụ già và em nhỏ thì xuống đường hết và hoàn toàn theo Việt Minh. “Nhận thấy giờ khởi nghĩa đã đến nên ngay tối hôm đó, Ủy ban Quân sự cách mạng và Thành ủy Hà Nội đã họp mở rộng và quyết định tổng khởi nghĩa là ngày 19/8, không thể làm sớm ngay ngày hôm sau nhưng không thể chậm hơn được nữa”- cựu binh thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân nhớ lại.

Chiều ngày 17/8, tại làng Vạn Phúc – An toàn khu của Xứ ủy tại Hà Đông, ông Nguyễn Khang sau khi trực tiếp khảo sát tình hình Hà Nội trở về đã trao đổi với ông Trần Tử Bình – Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và đi tới quyết định: Dựa trên Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tiến hành cho Hà Nội khởi nghĩa mà không cần chờ lệnh của Trung ương. Việc chớp thời cơ này thật táo bạo vì lúc đó Ủy ban khởi nghĩa chỉ dựa hoàn toàn vào sức mạnh của chính nhân dân Thủ đô, với các tổ tự vệ chiến đấu mà chưa có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ Trung ương và các chiến khu.

Sáng ngày 18/8, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội chuyển trụ sở về số nhà 101 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Các ủy viên tích cực chuẩn bị cho công việc sáng hôm sau.

Sáng ngày 19/8/1945, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng với hàng nghìn nông dân, công nhân, dân nghèo, bằng những vũ khí thô sơ, cùng với hàng vạn quần chúng nhân dân ở khu vực ngoại thành kéo vào, xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố. Cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra, trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ khâm sứ, Trại lính Bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu: “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”; “Thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam”; “Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh”; “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Chiều ngày 19/8, Hà Nội ngập tràn trong niềm vui thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, chính quyền đã về tay nhân dân.❏

Tại Huế, ngày 17/8/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ra mắt quốc dân nhưng cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành của quần chúng nhân dân ủng hộ Việt Minh. Ngày 22/8/1945, Việt Minh gửi công điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị, vì chính quyền đã giành về tay nhân dân, Bảo Đại tuyên bố chấp nhận thoái vị, từ bỏ ngai vàng và trở thành công dân Vĩnh Thụy. Ngày 25/8, hàng ngàn người tụ tập trước cửa Ngọ Môn để chứng kiến lễ thoái vị của Bảo Đại và bàn giao ấn kiếm cho Việt Minh. Tại miền Nam, ngày 25/8/1945, Việt Minh mà Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn (nơi chịu sự cai trị trực tiếp của Nhật). Như vậy, chỉ trong vòng 12 ngày, từ ngày 14 đến ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Việt Minh, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám thành công.

Nguyễn Hà (T/h)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tong-khoi-nghia-thang-tam-va-cau-chuyen-co-ngay-17-moi-co-ngay-19/