Tổng giám đốc VPF sắp lui về hậu trường?

- Chỉ có 2 ngày ngắn ngủi có mặt tại Việt Nam, nhưng ai cũng nhận thấy VPF và chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe sắp là người một nhà. Một số nguồn tin còn cho biết, ngoài mức lương cao có thể lên tới 20.000 USD/tháng, ông Tanabe sẽ làm việc lâu dài với VPF, ít nhất là 3 năm.

Chỉ có 2 ngày ngắn ngủi có mặt tại Việt Nam, nhưng ai cũng nhận thấy VPF và chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe sắp là người một nhà. Một số nguồn tin còn cho biết, ngoài mức lương cao có thể lên tới 20.000 USD/tháng, ông Tanabe sẽ làm việc lâu dài với VPF, ít nhất là 3 năm.
Vấn đề là, nếu chuyên gia Tanabe vào vai một Phó TGĐ VPF, chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, tư vấn cho Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng những vấn đề mang tính định hướng, thì vai trò của ông Phạm Ngọc Viễn - TGĐ VPF, có còn quan trọng ở công ty này?
Phát biểu trên báo chí trước đó, ông Viễn tỏ ra khá bất ngờ khi đọc những thông tin VPF đang có kế hoạch thuê một GĐĐH người Nhật Bản về làm việc. Càng bất ngờ hơn khi thông tin trên báo chí trích lời Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng khẳng định VPF sẵn sàng bỏ ra gần nửa tỷ đồng mỗi tháng để trả cho chuyên gia Kazuyoshi Tanabe.

Ông Viễn khả năng sẽ rút lui khỏi vị trí TGĐ VPF. Ảnh: SN

Thực tế, kế hoạch tìm kiếm một chuyên gia ngoại của VPF đã có từ lâu. Đặc biệt, sau khi VPF và J.League đã ký thỏa thuận hợp tác, trong đó có nội dung chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp, cũng như quản lý CLB, phía J.League giới thiệu chuyên gia Kazuyoshi Tanabe sang Việt Nam giúp VPF điều hành giải đấu. Ngay từ thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng đã đánh giá rất cao chuyên gia Kazuyoshi Tanabe, người có hơn chục năm kinh nghiệm và thực sự “mát tay” ở những nơi mà chuyên gia này đến làm việc.
VPF thuê chuyên gia Kazuyoshi Tanabe về để làm Phó TGĐ VPF, nhưng thực chất là sẽ làm “kiến trúc sư trưởng” của VPF, mà vị trí này ông Viễn lại đang làm. Vì thế, chỉ có là người...trên trời mới không biết ông Viễn sắp phải lui về phía hậu trường. Một chuyện tế nhị như vậy, tất nhiên, VPF không báo cho ông Viễn cũng là dễ hiểu. Thế nhưng, chắc chắn ông Viễn cũng cảm nhận được điều đó, vì nó là hiển nhiên.
Vấn đề ở chỗ, vì sao ông Viễn lại có khả năng sẽ chỉ ngồi chiếc ghế không còn ảnh hưởng gì lớn trong công tác điều hành, tổ chức giải đấu, khi mà mình đang là người làm công tác chuyên môn tốt nhất ở VFF chuyển sang, lại mới chỉ làm được 1 năm.
Thực tế thì câu trả lời được thể hiện rõ qua những dấu ấn mờ nhạt của ông Viễn tạo ra với VPF trong thời gian qua. Từ chuyện xếp lịch thi đấu, VPF vẫn phải nhờ vào kinh nghiệm của VFF, cụ thể là Phó TTK Dương Nghiệp Khôi.
Bộ máy nhân sự, cũng được VFF chuyển sang VPF khá nhiều. Trong một năm bóng đá Việt Nam có quá nhiều chuyện đáng nói, các giải bóng đá chuyên nghiệp vẫn đầy rẫy vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, nạn nhường điểm, tình trạng “1 ông chủ 2 đội bóng”...VPF rất cần một “kiến trúc sư trưởng” có khả năng điều hành, tổ chức, hoạch định và cái đích cuối cùng chính là biến V.League thành một giải đấu có thể hái ra tiền.
Đây đều là những mục tiêu mà VPF đặt ra từ đầu, nhưng thực hiện được chẳng mấy là bao và đã đến lúc cần có sự thay đổi. Hơn nữa, dù ông Viễn đã dành phần lớn thời gian cho VPF, nhưng ông vẫn kiêm vị trí Phó Chủ tịch VFF, chắc chắn bị ảnh hưởng đến sự tập trung.
Việc mời chuyên gia người Nhật Bản ngồi vào vị trí rất quan trọng tại VPF, có thể cũng là một trong những bước đi đầu tiên của công ty này trong việc tái thiết lại các giải đấu, trong đó trọng tâm là V.League.
Bằng Lăng

Nguồn VietnamNet: http://thethao.vietnamnet.vn/fms/v-league/57439/tong-giam-doc-vpf-sap-lui-ve-hau-truong-.html