Tổng giám đốc, nhân viên 'góp gạo cứu đói' Dược Bến Tre

ANTT.VN – Nợ phải trả của CTCP Dược Bến Tre đã cao gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu, ngoài khoản vay vốn ngân hàng còn có hàng chục tỷ đồng nợ lương người lao động lưu cữu qua các năm và vay nhân viên không cần tài sản bảo đảm để bổ sung vốn kinh doanh.

Tính đến ngày 30/06/2016, tổng dự nợ phải trả của công ty là 334 tỷ đồng – gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phân nửa con số đó là các khoản vay tài chính ngắn hạn – phải trả trong vòng 1 năm.

Vốn ít, sử dụng đòn bẩy nhiều gây áp lực lớn tới tình hình tài chính của công ty khi ngoài việc phải chịu chi phí trả lãi hàng năm thì DBT còn khó khăn trong công tác huy động vốn để kinh doanh , quay vòng háng hóa.

Thông thường, đối với các doanh nghiệp , khoản tiền vay thường được huy động thông qua việc vay vốn ngân hàng thương mại với lãi suất thị trường . Điều này có thể gây khó cho các doanh nghiệp khi phải chuẩn bị các hồ sơ vay vốn, kế hoạch kinh doanh và đặc biệt là tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Nhưng “may mắn” cho Dược Bến Tre khi doanh nghiệp này còn có một hình thức huy động vốn khác là vay từ các nhân viên và Tổng giám đốc Võ Minh Tân hàng tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, cuối năm 2015, Tổng giám đốc Võ minh Tân đã hào phóng cho công ty vay 7,5 tỷ đồng, con số này tại ngày 30/06/2016 còn 940 triệu đồng.

Được biết, ông Võ Minh Tân hiện giữ chức Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty với mức lương, thù lao cho chức danh Phó chủ tịch HĐQT chỉ được phê duyệt ở mức 8 triệu đồng/tháng. Ông Tân lại không hề sở hữu cổ phần nào tại Dược Bến Tre.

Cuối năm 2015, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Võ Minh Tân cho DBT 7,5 tỷ đồng không cần tài sản bảo đảm

Bên cạnh đó, khoản vay ngắn hạn cán bộ nhân viên và các các nhân khác là 7,5 tỷ đồng, trước đó đầu năm 2015, con số này lên tới 14 tỷ đồng, đến cuối năm 2015 giảm còn hơn 8 tỷ đồng.

Điểm chung của các khoản vay trên là vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất vay theo ngân hàng thương mại trong thời hạn 6 tháng để Dược Bến Tre có đủ vốn sản xuất kinh doanh.

Ngoài khoản vay cán bộ công nhân viên nội bộ công ty gần chục tỷ đồng trên, Dược Bến Tre còn liên tục duy trì khoản mục “nợ phải trả người lao động” trên bảng cân đối kế toán vài năm gần đâyvới số dư nợ từ 13-16 tỷ đồng.

Tổng số nhân viên của Dược Bến Tre tại ngày 30/06/2016 là 358 người. Tính trung bình mỗi nhân viên đang được công ty “giữ” lại lương khoảng 45 triệu đồng – chưa kể khoản cho vay hào phóng kể trên.

Hoa Liên

Nguồn ANTT: http://antt.vn/tong-giam-doc-nhan-vien-gop-gao-cuu-doi-duoc-ben-tre-0122019.html