Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản: Nhiều địa phương về đích sớm

- Sau 1 tháng triển khai thu thập thông tin Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011 (từ 1 - 30/7/2011), đến nay công tác triển khai tổng điều tra đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc.

Bắt đầu từ 1/7, hầu hết các địa phương trong cả nước đã tiến hành tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản. Đây là cuộc tổng điều tra nhằm thu thập những thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản phục vụ cho việc đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, từ đó, thiết lập căn cứ để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới và mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Với ý nghĩa thiết thực đó, cuộc tổng điều tra đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương, sự hưởng ứng của toàn dân. Nhờ đó, công tác triển khai thu thập thông tin các loại phiếu điều tra đảm bảo các yêu cầu về tiến độ, khối lượng và chất lượng công việc, góp phần tạo nên thành công chung của cuộc tổng điều tra. Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, sau 1 tháng triển khai thu thập thông tin về tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản đến nay, 100% các phiếu điều tra toàn bộ các hộ nông thôn và hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản ở thành thị đã được hoàn thành. Đối với các đối tượng còn lại là hộ điều tra mẫu, trang trại và UBND xã đều đã hoàn thành trên 99% so với kế hoạch. Được biết, hiện đã có 58/63 tỉnh đã điều tra xong tất cả các phiếu điều tra. Dự kiến đến 5/8/2011 toàn bộ 63/63 tỉnh sẽ hoàn thành việc thu thập số liệu. Mặc dù nhận được sự hưởng ứng của toàn dân, song công tác điều tra vẫn gặp không ít khó khăn do thời tiết, địa hình ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi cao phía Bắc, một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh có huyện đảo (như Quảng Ninh, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bình Định…) làm cho việc đi lại của điều tra viên đến các đơn vị gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các điều tra viên, với tinh thần, trách nhiệm trong công việc, các địa phương đều khắc phục được khó khăn, hoàn thành tốt công tác tổng điều tra. Trong số đó, có nhiều địa phương đã về đích sớm công tác điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản so với quy định từ 5-7 ngày. Một trong số các địa phương về đích sớm nhất trong cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản phải kể đến đó là Nghệ An. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tỉnh Nghệ An, đến hết ngày 15/7, toàn tỉnh điều tra được 652.910 hộ đạt 100% kế hoạch Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Trong cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, Nghệ An có 479 xã, phường được tiến hành tổng điều tra. Trong đó có 451 xã, phường đã thành lập Ban chỉ đạo; số xã, phường còn lại do dân số ít nên không thành lập Ban chỉ đạo. Theo Tổng cục Thống kê, kết thúc giai đoạn thu thập thông tin, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra sẽ tiếp tục kiểm tra và hoàn thiện những phiếu đã điều tra ở các cấp; tổng hợp nhanh các chỉ tiêu chủ yếu theo các nội dung và mẫu biểu đã quy định; tổ chức nghiệm thu phiếu điều tra, biểu tổng hợp nhanh đối với cấp xã, cấp huyện trước 15/9/2011 và gửi Ban chỉ đạo Trung ương chậm nhất là ngày 20/9/2011. Tại Quảng Ngãi, sau 1 tháng thực hiện Quyết định số 1785/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản, ngày 30/7/2011, Quảng Ngãi đã hoàn thành công tác điều tra trên 280.000 hộ vùng nông thôn, nông nghiệp và thủy sản. Trong 1.410 hộ điều tra mẫu, ngoài 63 tiêu chí thông thường, phiếu điều tra sẽ thu thập thêm một số thông tin phục vụ nghiên cứu chuyên sâu: Tích lũy và khả năng huy động vốn của hộ ở nông thôn; hoạt động hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản, tác động của sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản đến môi trường... phục vụ đánh giá, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tại Tuyên Quang, sau một tháng ra quân Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành các bước thu thập thông tin; tiến hành tổng hợp, nghiệm thu và bàn giao kết quả điều tra đảm bảo đầy đủ số lượng, đúng chất lượng và đúng tiến độ ở từng cấp, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của nông nghiệp, nông thôn; thiết lập căn cứ để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và trong phạm vi cả nước. Trong cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, toàn tỉnh Tuyên Quang đã trưng tập 2.612 cán bộ điều tra, gồm 521 tổ trưởng và 2.091 điều tra viên; thành lập 1.913 địa bàn điều tra, trong đó có 1.879 địa bàn điều tra toàn bộ, 34 địa bàn điều tra mẫu. Với sự cố gắng nỗ lực của 34 tổ trưởng điều tra và 137 điều tra viên, đến ngày 25/7, thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành thu thập thông tin thông qua phương pháp phỏng vấn trực tiếp ở 133 địa bàn điều tra. Trong đó, điều tra toàn bộ 13.569 hộ gia đình khu vực nông thôn, hộ nông lâm nghiệp, thủy sản khu vực thành thị; điều tra chọn mẫu 60 hộ gia đình ở 2 xã Đội Cấn, An Tường; điều tra kết cấu hạ tầng của 6 xã và quy mô sản xuất của 1 trang trại, đạt 100% kế hoạch. Việc nghiệm thu, bàn giao, đối chiếu, thống nhất kết quả điều tra được tiến hành chặt chẽ ở từng cấp, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, theo đúng yêu cầu mà cuộc tổng điều tra lần này đặt ra. Do làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa cũng như yêu cầu của cuộc tổng điều tra. Các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đều hoàn thành công tác thu thập thông tin Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 sớm hơn từ 5 đến 7 ngày so với tiến độ kế hoạch. Những kết quả đạt được thông qua Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 sẽ tạo ra cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đề ra chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp và thủy sản thời gian tới, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=471578&co_id=30106