Tổng cục Thuế lại nhắc Big C nộp thuế chuyển nhượng

Được sang tay cho Tập đoàn Central Group đã 3 tháng với giá 1,04 tỷ USD nhưng đến nay Big C vẫn chưa chịu nộp một đồng tiền thuế chuyển nhượng.

Tổng cục Thuế vừa tiếp tục có công văn gửi Công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ đại siêu thị Big C Thăng Long để thúc giục kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ thương vụ chuyển nhượng vốn hệ thống này ngày 29/4 vừa qua.

Trong công văn, Tổng cục Thuế nêu rõ tính từ ngày thông báo chuyển nhượng thương vụ này là 29/4 tới 18/7 là đã được 81 ngày nhưng cơ quan thuế Việt Nam chưa nhận được hồ sơ kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn.

Big C vẫn tiếp tục chây ì nộp thuế chuyển nhượng

Trường hợp siêu thị Big C Việt Nam chậm nộp thuế thì ngoài việc phải nộp đủ tiền nợ thuế, doanh nghiệp còn bị phạt chậm nộp 0,05%/ ngày đối với số tiền thuế chậm nộp dưới 90 ngày và 0,07%/ ngày đối với số tiền thuế chậm nộp trên 90 ngày.

Bởi vậy, để giảm thiểu xử lý vi phạm, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị Central Group và hệ thống siêu thị Big C Việt Nam thực hiện kê khai nộp thuế với hoạt động chuyển nhượng.

Vào ngày 2/7 vừa qua, tại buổi buổi họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng đã lên tiếng thúc giục Big C Việt Nam nộp số tiền thuế chuyển nhượng.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã gửi văn bản tới 20 cục thuế tỉnh, thành phố, nơi có hoạt động của Big C để yêu cầu rà soát các quy định trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật.

Đồng thời, Tổng cục thuế cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thuế yêu cầu đơn vị kê khai nộp thuế theo quy định trước khi cấp các thủ tục liên quan đến việc xác định tính pháp lý của cuộc chuyển nhượng này.

Theo cơ quan thuế, ước tính số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C vào khoảng 3.600 tỷ đồng.

Từ khi có mặt ở Việt Nam vào năm 2007 đến nay, các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam nộp được tổng số tiền thuế gần 2.672 tỷ đồng.

Trong thương vụ chuyển nhượng Metro Cash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan), hồi tháng 1/2016, Bộ Tài chính cho biết, Metro đã nộp vào ngân sách 1.911 tỷ đồng thuế chuyển nhượng. Được biết, toàn bộ giá trị thương vụ được cho là khoảng 879 triệu USD.

Có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002, trong suốt 12 năm, Metro liên tục thua lỗ và chưa phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Trước sức ép của cơ quan thuế va dư luận, năm 2015, Tổng cục Thuế đã truy thu được của doanh nghiệp này hơn 500 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Từng trao đổi với báo Đất Việt, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã nói thẳng, nếu cứ nuông chiều các doanh nghiệp FDI có ngày Việt Nam sẽ phải trả giá.

Nhìn vào con số thống kê của Tổng cục Thuế về số doanh nghiệp FDI vi phạm trốn thuế, hoặc kêu lỗ không đóng thuế trong khi đây chính là những doanh nghiệp đang được nhận ưu đãi lớn của Chính phủ Việt Nam, chuyên gia Bùi Trinh khẳng định đây là minh chứng hùng hoonff nhất về sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém.

"Nhìn việc thu thuế của các doanh nghiệp trong nước các cơ quan chức năng đã áp các biện pháp để thu rất triệt để và thành công kể cả những năm gần đây khi các doanh nghiệp khó khăn. Vậy thì không có lý do gì mà để các doanh nghiệp FDI trốn thuế. Vậy phải có vấn đề gì chứ?

Có thể dễ thấy những trường hợp làm ăn ra vào tấp nập, liên tục mở rộng sản xuất, mở thêm chi nhánh nhưng lại báo lỗ và trốn thuế là một minh chứng rõ ràng cho việc họ làm ăn được hay không.

Các địa phương không nên xem số việc thu hút FDI như một thành tích mà cần xem khu vực này lan tỏa đến công nghệ, đến các khu vực trong nước và lao động ra sao", ông nói.

Vị chuyên gia cảnh báo: "Phải thấy rằng chính sự ưu đãi quá mức sẽ dẫn đến một lúc nào đó chúng ta không còn đáp ứng được thì họ sẽ rút đi khi túi tiền đã được đong đầy. Nếu cứ làm nghiêm chỉnh bài bản, làm ăn ngay ngắn thì các doanh nghiệp sẽ phải đổ công sức đầu tư và không thấy dễ dàng khi rút bỏ.

Chúng ta cứ hình dung trong một gia đình có đứa con được nuông chiều quá mức mà không có biện pháp giáo dục nghiêm khắc thì đến một lúc nào đó sẽ sinh hư, thậm chí chính cha mẹ của nó sẽ phải trả giá vì sự chiều chuộng đó".

Bởi thế, ông khẳng định, ngay từ đầu Việt Nam phải tạo một sân chơi bằng phẳng và ngay ngắn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Minh Thái(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tong-cuc-thue-lai-nhac-big-c-nop-thue-chuyen-nhuong-3315255/