Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam: Có sai phạm và khuất tất

Vừa qua, chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu - Báo CAND đã nhận được đơn khiếu nại của tập thể cán bộ, nhân viên và đơn xin cứu xét của một số cán bộ, nhân viên khối Văn phòng Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), phản ánh bức xúc về những bất hợp lý trong công tác tổ chức, quản lý và điều hành của lãnh đạo Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam mới (dưới đây được viết tắt là TCTTSVN) sau khi hợp nhất ba Tổng Công ty (TCT) trong ngành Thủy sản là Seaprodex, Hạ Long và Biển Đông.

Lãnh đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy bằng chỉ đạo miệng? Theo các đơn khiếu nại, chúng tôi lược lại một số nội dung chính như sau: Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ba doanh nghiệp Nhà nước lớn trong lĩnh vực thủy sản, ngày 27/5/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã có Tờ trình số 1539/TTr-BNN-MDN trình Thủ tướng Chính phủ đề án hợp nhất ba TCT nêu trên thành TCTTSVN và đã được phê duyệt. Sau một thời gian chuẩn bị điều lệ và khung nhân sự chủ chốt, ngày 17/3/2011, đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vào TP.HCM đọc quyết định chính thức hợp nhất ba TCT. Trước và trong lễ hợp nhất, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu TCTTSVN phải sớm ổn định công việc cho tất cả CBCNV ở ba TCT cũ. Biểu tượng Seaprodex một thời, nay đã bị hạ xuống. Chỉ đạo của cấp trên là vậy, song trong quá trình thực hiện, lãnh đạo TCTTSVN đã gây bức xúc cho NLĐ(?). Cụ thể, ngay trong chiều 17/3, đại diện lãnh đạo TCTTSVN đã tổ chức cuộc họp công bố đơn vị mới chỉ có ba phòng và định biên các phòng. Tại cuộc họp này, điều khiến nhiều người bất ngờ là việc sắp xếp lao động lại được đại diện lãnh đạo TCTTSVN thông báo miệng (?!). Theo đó, số lao động được giữ lại làm việc tại ba phòng mới (Tổ chức - hành chính, Tài chính - kế toán và Kế hoạch tổng hợp) là 38 người; số người thuộc diện dôi dư của ba ban tương ứng trước đây là 28 người (chưa kể số cán bộ, nhân viên của 5 bộ phận chuyên môn khác khoảng gần hai chục người nữa). Họ sẽ bị nghỉ việc ngay hôm sau, tạm hưởng 70% lương cơ bản. Choáng vì lý do cho nghỉ việc… là không có tên trong danh sách mới coi như lao động dôi dư? Sáng ngày 13/4, vài cuộc họp được tổ chức xé lẻ theo tổ chức ban cũ (ban Kinh tế - Kế hoạch họp riêng, ban Tài chính - Kế toán họp riêng, Văn phòng cùng ban Tổ chức và ban Thanh tra họp riêng…). Tại đó, vài người đại diện cho lãnh đạo TCTTSVN tuyên bố trong cơ cấu tổ chức mới thì phòng Hành chính - Tổ chức có 21 người, phòng Kế hoạch tổng hợp có 9 người, phòng Tài chính - kế toán có 8 người, sau đó họ đọc từ sổ tay danh sách những người được giữ lại và lệnh rằng ai không có tên trong danh sách thì thuộc diện dôi dư, sẽ nghỉ việc ngay từ hôm sau, hưởng 70% lương cơ bản. Chưa hết, đến ngày 21/4, nhiều CBCNV tiếp tục bị choáng váng khi Tổng giám đốc Trần Tấn Tâm ký Thông báo số 158/TB-TSVN "Về việc lao động nghỉ việc hưởng chính sách lao động dôi dư thuộc văn phòng và các ban, nêu rõ danh sách 28 người không có nhu cầu sử dụng được giải quyết nghỉ việc, chờ hưởng chính sách lao động dôi dư từ ngày 4/5/2011". Thông báo đó đã khiến nhiều NLĐ phản ứng gay gắt. Thông báo về việc lao động hưởng chính sách lao động dôi dư. Cụ thể, thông báo nêu "Căn cứ biên bản cuộc họp hội đồng giải quyết lao động dôi dư của TCTTSVN ngày 15/4/2011" nhưng nhiều người cho rằng họ không hề biết gì về cuộc họp nói trên. Thông báo còn nêu thêm: "Căn cứ biên bản hội nghị đại biểu CBCNVC ba phòng…" nhưng nhiều người khẳng định TCT mới chưa đi vào hoạt động (mới bố trí việc làm cho vài lãnh đạo cấp phòng), tổ chức Công đoàn cơ sở chưa được tái lập thì làm sao tổ chức được "hội nghị đại biểu CBCNVC ba phòng". Trong đơn khiếu nại của mình, ông Nguyễn Văn Nhật - nguyên Chánh văn phòng Seaprodex khẳng định rằng: "... quy trình triển khai tái cơ cấu tổ chức TCT mới không đúng, sai cơ bản về nguyên tắc. Cách được chọn để triển khai tổ chức mới của lãnh đạo TCT mới vừa không khoa học, không dân chủ, vừa không theo đúng nguyên tắc quản lý doanh nghiệp và bỏ qua vai trò lãnh đạo của Đảng (ví dụ ông Phạm Văn Sơn - Tổng giám đốc cũ không hề hay biết việc đưa ra danh sách lao động dôi dư; việc bổ nhiệm các cán bộ chủ chốt không hề thông qua Thường vụ Đảng ủy cơ sở; các cán bộ lãnh đạo phòng ban của TCT cũ đều không được mời tham vấn về nhân sự, trong khi họ chính là người hiểu rất rõ năng lực của các cán bộ, nhân viên dưới quyền). Tình hình tại TCTTSVN hiện nay hết sức căng thẳng và bức xúc..."(?). Bức xúc vì mất việc vô cớ, mất quyền lao động Để tìm hiểu thực hư sự việc, chúng tôi đã đến trụ sở chính của TCTTSVN tại số 2-4-6 Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM). Khi bước vào cửa thì thấy ngay dưới tầng trệt đang có vài công nhân sửa lại cổng hậu (tháo bỏ cửa kính, bịt cửa ra vào vốn rất rộng rãi lại, thay bằng một cửa nhỏ đủ 2-3 người đi qua). Nghe nói lãnh đạo ra lệnh làm theo… phong thủy! Trên lầu 4, quang cảnh khá bừa bãi, bàn ghế tủ nằm đầy hành lang. Được biết, theo quyết định của lãnh đạo TCT, các phòng chuyên môn được chuyển xuống lầu 3, còn lầu 4 dành cho Chi nhánh Xuất nhập khẩu thủy sản (đơn vị trực thuộc TCTTSVN) và chỗ trú tạm cho số lao động dôi dư! Tại đây, chúng tôi đã gặp được vài CBCNV thuộc diện dôi dư nhưng hằng ngày vẫn cứ đều đặn đến nơi làm việc, dù không có việc gì để làm. Trao đổi với chúng tôi, các CBCNV này đều có chung một bức xúc vì lẽ không dựa trên lý do nào, không do sai phạm gì mà tự nhiên họ bị mất việc, mất quyền lao động như ông Phạm Đức Chính, ông Nguyễn Chiến Thắng, anh C., chị V., chị L.... Điều dễ nhận thấy là đa phần CBCNV thuộc diện dôi dư đã trên 30-40 tuổi và là đảng viên, đều đã nhiều năm cống hiến cho Seaprodex, nay bị mất việc thì có lẽ họ sẽ rất khó tìm được công việc phù hợp với năng lực trong thời buổi lạm phát, thất nghiệp như hiện nay. "Chúng tôi đã làm đúng, không có gì sai cả, chỉ hơi vội vàng" Phải mất vài ngày chờ đợi, chúng tôi mới được đại diện ban lãnh đạo TCTTSVN tiếp. Đặt thẳng vấn đề như một số đơn khiếu nại và cứu xét, ông Trần Tấn Tâm - Tổng giám đốc và ông Nguyễn Hữu Lộc - thành viên Hội đồng thành viên TCTTSVN cho rằng: "Chúng tôi làm đúng và không có gì sai để phải chấn chỉnh cả…". Tuy nhiên, ông Trần Tấn Tâm cũng thừa nhận ban lãnh đạo đã hơi vội vàng khi giải quyết sắp xếp CBCNV dôi dư đối với ba phòng ban mới của văn phòng TCT. Cổng của trụ sở TCTTSVN đang được làm lại theo phong thủy! Ông Trần Tấn Tâm cho biết thêm, trong quá trình hợp nhất ba TCT, đúng ra các TCT phải sắp xếp lao động trước khi hợp nhất và trong khi Biển Đông và Hạ Long đã thực hiện việc này thì Seaprodex chưa tổ chức sắp xếp. Vì thế, khi TCTTSVN đã hợp nhất thì ban lãnh đạo mới vẫn phải thực hiện việc sắp xếp lao động dôi dư. Và trong các cuộc họp để giải quyết việc sắp xếp lao động dôi dư đều có đại diện của các tổ chức Công đoàn, Ban đổi mới doanh nghiệp… tham dự, CBCNV được xem xét trên các yếu tố như năng lực chuyên môn, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tuổi tác… để đánh giá, rồi bỏ phiếu tín nhiệm, từ đó đưa vào danh sách dôi dư gồm có 28 người. Ông Nguyễn Hữu Lộc bổ sung thêm, sau khi đưa ra danh sách dôi dư này thì tiếp đó còn có một hội đồng có đầy đủ các ban, bộ, được sự đồng tình của tập thể để xét lại từng CBCNV dựa trên năng lực, ý thức kỷ luật, đạo đức, tuổi tác và cả hoàn cảnh gia đình, từ đó ban lãnh đạo TCTTSVN đã nhận lại 12 người…(?) Liên quan đến nội dung thắc mắc tại sao cho đến giờ TCTTSVN vẫn chưa tổ chức hội nghị toàn thể CBCNV, ông Nguyễn Hữu Lộc khẳng định đã tổ chức hội nghị CNVC ba phòng ban mới rồi (?) Đặc biệt, nội dung có hay không việc làm sai chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc phải sớm ổn định công việc cho tất cả CBCNV ở ba TCT cũ? Ông Trần Tấn Tâm khẳng định rằng ông đã làm đúng chỉ đạo của Bộ trưởng vì theo ông, đề án khi công bố hợp nhất ba TCT có nội dung chỉ đạo như vậy nhưng đề án đó còn mang tính tiền khả thi; sau đó trong Quyết định số 456/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 14/3/2011 do Bộ trưởng ký có nội dung cụ thể như: "Sắp xếp lại một cách hợp lý bộ máy trên cơ sở bộ máy điều hành của ba TCT, bổ sung, tăng cường nhân sự để tạo nên một bộ máy hợp lý, tinh gọn, đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức sắp xếp lại các phòng ban, đơn vị thuộc TCT theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT". Về hướng giải quyết sắp tới, ông Trần Tấn Tâm cho biết đang chờ quyết định và hướng dẫn của các cấp trên có thẩm quyền, từ đó ban lãnh đạo TCTTSVN sẽ có phương án sắp xếp, giải quyết chế độ cho những CBCNV thuộc diện dôi dư tùy theo phân loại theo Nghị định 91 của Chính phủ. Thiết nghĩ, công ăn việc làm là quyền lợi thiết thực của NLĐ, hơn nữa với những CBCNV được xếp trong diện dôi dư, hầu hết họ đã có nhiều năm làm việc và cống hiến cho TCT, vì thế việc giải quyết chế độ cho họ cần phải hết sức thận trọng, đúng luật và công khai minh bạch để tránh tối đa những việc kiện tụng, khiếu nại làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành Thủy sản nói chung và nhất là cuộc sống, công việc của rất nhiều NLĐ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/cstc/2011/7/153162.cand