Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của Hà Nội

Ngày 17/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Trí Dũng/ TTXVN)

Ngày 17/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, thông báo nội dung chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn cử tri đã tới dự họp đông đủ, chuẩn bị ý kiến rất kỹ lưỡng, tâm huyết, trí tuệ, đề cập nhiều vấn đề vĩ mô, đồng thời kiến nghị, góp ý cụ thể vào từng điều, nội dung của các dự luật chuẩn bị trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới, như Luật về Hội, Luật Tôn giáo, Luật Tài sản, Luật về Giá…

Tổng Bí thư hoan nghênh các ý kiến đóng góp xác đáng của cử tri về tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, công tác tổ chức cán bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, việc nâng cao tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương, nâng cao vai trò trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và cán bộ, đảng viên, việc bảo đảm an toàn giao thông, tăng tuổi nghỉ hưu; thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc cải thiện đời sống, thu nhập cho nông dân; công tác quy hoạch, quản lý đô thị; bảo vệ môi trường và việc bồi thường thiệt hại cho ngư dân sau sự cố môi trường biển miền Trung (Formosa), vấn đề an toàn thực phẩm…

Nhiều cử tri cho rằng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng vào lực lượng lớn là nông dân, cư trú ở khu vực nông thôn, nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Cử tri băn khoăn, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; phải làm sao để biến sản phẩm nông dân làm ra thành hàng hóa, không để tình trạng mua bán thức ăn chăn nuôi, hóa chất tràn lan như hiện nay…

Mục đích cuối cùng của Chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nông dân. Muốn vậy, phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giống cây trồng vật nuôi, tích cực đầu tư trang thiết bị, máy móc cho sản xuất nông nghiệp. Cử tri đề nghị đầu tư nhiều hơn cho chế biến, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, đồng thời phát triển các làng nghề, nghề phụ, tạo công ăn việc làm cho nông dân.

Nhà nước cần có chính sách để bảo đảm đầu ra cho nông sản. Cử tri cho rằng, các tiêu chí nông thôn mới đề ra phải thực chất, chống biểu hiện thành tích, phải chú trọng bảo vệ môi trường, giải quyết nước thải trong chăn nuôi, thu gom xử lý rác thải, chất thải… Trong thời gian tới, cần xây dựng tiêu chí phù hợp hơn với thực tiễn, phong tục tập quán từng vùng miền, địa phương.

Về chủ trương xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư cho rằng, hiện nay cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đạt được là rất tích cực, đời sống nhân dân được nâng cao, hạ tầng nông thôn được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thời gian qua số vốn huy động quá nhiều, ứng ngân sách ra không đáp ứng được, huy động của dân cũng rất khó, nhất là các xã nghèo, nên phải đi vay, mà đi vay quá nhiều thì lãi mẹ đẻ lãi con, nợ đọng nhiều.

Do vậy sắp tới, phần việc này phải được tiếp tục triển khai, nhưng cần đúc rút kinh nghiệm, bàn bạc tìm hướng đi và cách làm hiệu quả nhất.

Liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung (Formosa), nhiều ý kiến cho rằng việc bồi thường phải công khai, minh bạch, tiền bồi thường phải đến tận tay người dân, giúp dân khôi phục phát triển sản xuất, quan trọng là khôi phục nghề đánh bắt cá. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, cử tri đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát, các cơ quan chuyên môn thường xuyên quan trắc, kiểm tra các chỉ số về môi trường…

Việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường không nên phân cấp; kiên quyết không giao các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, xác đáng của cử tri, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trước đây, có lúc chúng ta làm ào ào cốt thu hút dự án để thoát nghèo, trong khi trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng cơ sở còn thấp kém và chưa chú trọng tới vấn đề môi trường. Không chỉ có Formosa mà còn rất nhiều dự án, vấn đề khác liên quan đến môi trường...”

Đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri, Tổng Bí thư cho rằng, ngay khi có dự án, thậm chí là trong chiến lược thu hút dự án đầu tư, cần phải tính ngay đến vấn đề gìn giữ môi trường; quán triệt thông suốt và thực hiện triệt để chủ trương phát triển nhanh nhưng phải bền vững ở mỗi địa phương và cả nước.

Nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và chúc mừng thành công Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) vừa qua, với nhiều nội dung nhân dân quan tâm, trong đó có công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên…

Cử tri mong muốn “nói” phải đi đôi với “làm”; trong công tác tổ chức cán bộ phải làm sao để người tài được trọng dụng, phải chọn được đúng người, bố trí sử dụng vào đúng việc…

Cử tri bày tỏ đồng tình cao với bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc Hội nghị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn, vì sự tồn vọng của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Hoan nghênh và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, chống suy thoái về đạo đức, tư tưởng, chống diễn biến hòa bình, chống "tự chuyển hóa" là vấn đề rất lớn và đặt ra từ rất lâu. Công tác xây dựng Đảng, trong đó có đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc rất khó khăn, phức tạp.

Do đó, để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, phải kiên trì, kiên quyết, làm đi làm lại như “đánh răng rửa mặt hàng ngày.” Đó là lý do dù đã có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Trung ương lại tiếp tục thảo luận, quyết nghị và ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Lần này, Trung ương xác định 4 nhóm giải pháp rất quan trọng, trong đó có việc giám sát quyền lực, làm tốt công tác cán bộ, xóa bỏ tư duy cán bộ nhiệm kỳ, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình... Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương phải cùng phát huy trách nhiệm, tham gia thực hiện với tinh thần cao nhất.

Việc thực hiện giám sát của Quốc hội đối với công tác phòng chống tham nhũng là cần thiết. Công tác giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, các cơ quan Hội đồng Nhân dân đều có hoạt động giám sát, Đảng kiểm tra, chính quyền thanh tra… cả hệ thống cùng vào cuộc như vậy mới đạt hiệu quả.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri cũng đề nghị, cần tăng tính chủ động trong công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương, tránh trông chờ ỷ lại vào cấp trên, nhất là trong việc xử lý, giải quyết một số vấn đề cấp bách. Trong công tác quy hoạch, cần có tầm nhìn lâu dài, tổng thể.

Cử tri mong muốn Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát, gắn với bảo đảm đời sống dân sinh, bảo đảm thực thi pháp luật, củng cố lòng tin trong nhân dân. Muốn vậy, Đại biểu Quốc hội phải có tâm, có tầm, có trí, phải gần dân, sát dân./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-tiep-xuc-cu-tri-cac-quan-ba-dinh-hoan-kiem-cua-ha-noi/411344.vnp