Tổng Bí thư: Phòng chống tham nhũng, thực tế vô cùng khó khăn

“Thực tế vô cùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm càng khó hơn, bởi tự ta đánh vào ta.” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV....

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri sáng 17/10

Tại buổi tiếp xúc, các vấn đề như bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng - lãng phí, bổ nhiệm cán bộ và xây dựng, chỉnh đốn Đảng… được cử tri đặc biệt quan tâm, nêu ý kiến.

Cử tri Võ Giang Đông (phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình) cho rằng, lãng phí cũng là làm thất thoát tài sản nhà nước. Muốn làm được phải có sự gương mẫu trên xuống, từ trong ra ngoài.

“Kỳ họp QH của ta họp trên dưới một tháng, trong khi nhiều nước tiến bộ hơn ta họp ngắn hơn. Việc họp cũng liên quan đến tiền bạc của nhà nước, của nhân dân, vì ĐBQH đi họp đều có bồi dưỡng, đi lại… nên xem xét rút ngắn kỳ họp. tổ chức nghị sự khoa học, tinh gọn sẽ giúp giảm thời gian.” - cử tri Võ Giang Đông kiến nghị.

Về tham nhũng, ông Võ Giang Đông cho rằng, dù đã có ban chỉ đạo Trung ương, ở Chính phủ và địa phương cũng đều có, nhưng hiệu quả chưa đạt yêu cầu. Cử tri đề nghị ngay ở QH cũng nên có một ban chuyên trách về phòng chống tham nhũng.

“Nếu không thêm Ủy ban nữa thì giao cho Ủy ban pháp luật, trong đó có Chủ tịch Quốc hội hoặc một Phó Chủ tịch kiêm thì càng tốt. Chống tham nhũng chủ yếu là ở cơ chế” - cử tri Đông nhấn mạnh.

Trong khi đó, cử tri Trương Đức Ngãi (phường Cống Vị) kiến nghị, cần làm thế nào để con đường giữa nói và làm thật ngắn lại, còn con đường từ dạ dày đến nghĩa địa thật dài ra. “Dân mong như thế” - cử tri Ngãi nhấn mạnh.

Về vấn đề tổ chức cán bộ, cử tri Trương Đức Ngãi đề nghị, chọn được người tài, đúng người, đúng việc và đặc biệt là không để xảy ra hiện tượng cả họ làm quan như một số địa phương mà báo chí phản ánh thời gian qua. Đối với ĐBQH, cử tri Ngãi cho rằng cần phải có 5 “T” đó là: Tâm, tầm, trí, trung thực, trách nhiệm.

Nêu ví dụ về trường hợp “lọt lưới” như ông Trịnh Xuân Thanh hay bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cử tri Trương Đức Ngãi chia sẻ: “Dân đã bầu là dân tin, nhưng ĐB cần rèn luyện, đừng để cả nhiệm kỳ không phát biểu câu nào trước QH. QH cần thực sự gần dân, đừng để dân đến gặp QH như đến gặp quan.”

Cử tri Trần Công Dân (phường Thành Công) cho rằng, xử tham nhũng kinh tế đã khó, xử tham nhũng về quyền lực còn khó gấp nhiều lần, bởi rút dây thì sợ động rừng, “thậm chí cả cây gỗ quý”, nhưng dù khó vẫn phải tiếp tục vì đây là ý dân.

Cử tri Trần Công Dân cũng cho ý kiến về vấn đề nâng tuổi hưu. Theo ông, “việc này nghe có vẻ hợp lý vì tuổi thọ người Việt Nam đang cao lên, nhưng chỉ nên nâng tuổi hưu đối với những người làm chuyên môn khoa học cao, không nên nâng tuổi hưu cho những người ở vị trí lãnh đạo quản lý, để tạo điều kiện cho tuổi trẻ phát huy trí tuệ. Còn lý do nâng tuổi hưu để bảo đảm không vỡ quỹ BHXH là chưa thật thuyết phục.”

Chống nội xâm càng khó hơn

Lắng nghe những ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Từ đầu năm đến nay chúng ta đã làm quyết liệt, chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Thà nói ít thôi nhưng đạt hiệu quả còn hay hơn nói làm nhiều nhưng không được bao nhiêu. Chúng ta tha thiết muốn làm quyết liệt vì nói mà không làm thì chỉ mất uy tín”.

Đồng tình với ý kiến của các cử tri về việc chống tham nhũng, tuy nhiên Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh “Thực tế vô cùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm càng khó hơn, bởi tự ta đánh vào ta”.

“Có ai dám tự phê bình, ai nhận kỷ luật, nhận khuyết điểm không? Kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng xin rút kinh nghiệm, thế thôi. Từ thực tế cuộc sống là thế nên tại sao làm mà chưa được như chúng ta mong muốn. Cho nên, Trung ương nói là phải kiên trì kiên quyết”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đối với kiến nghị của cử tri Võ Giang Đông, Tổng Bí thư cho biết, hiện đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với đại diện của Chính phủ, QH, công an, nội chính… Việc giám sát của QH trong công tác phòng, chống tham nhũng là cần thiết và vẫn làm, chứ không phải QH không có Ban chỉ đạo mà không giám sát.

Về vấn đề môi trường, Tổng bí thư thẳng thắn: “Trước đây chúng ta cứ làm ào ào cốt là để hút dự án, địa phương nào còn nghèo mà không có dự án vào thì sốt ruột lắm. Các nơi có dự án vào thì đời sống nhân dân khác hẳn, thế nên, nảy ra tình trạng đua nhau đi “chạy” dự án, trong khi trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng cơ sở còn thấp kém và chưa chú trọng tới vấn đề môi trường”.

Khẳng định không chỉ có Formosa mà còn rất nhiều dự án, vấn đề khác liên quan đến môi trường, Tổng Bí thư đặt vấn đề: “Hồ Tây có Formosa đâu mà cá chết hàng loạt?"

Cho rằng, xả thải không chỉ xuống sông, xuống biển mà ngay ở trung tâm Thủ đô, phế thải cũng tràn lan không được kiểm soát, Tổng Bí thư nhấn mạnh, ý kiến cử tri đề nghị phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường là rất đúng, rất đáng quan tâm.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201610/tong-bi-thu-phong-chong-tham-nhung-thuc-te-vo-cung-kho-khan-544678/