Tôn vinh cái gì ở những cuộc thi hoa hậu?

Càng ngày càng có nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị của người phụ nữ ngày càng bị rẻ rúng. Vì...

Thật không thể hiểu nổi tại sao một cuộc thi tàn nhẫn và giả tạo như thi Hoa hậu lại có thể tồn tại lâu đời đến thế.

Cuộc thi được tổ chức ra với luận điệu tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn của phụ nữ nói chung. Và cứ theo quan niệm đấy, áp dụng vào từng quốc gia thì những người chiến thắng “game show Hoa hậu” đương nhiên sẽ được ngầm công nhận là gương mặt “đại diện” cho toàn bộ phụ nữ của quốc gia đó.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì những “game show Hoa hậu” chẳng tôn vinh bất cứ một giá trị nào. Thậm chí, nó còn hạ thấp giá trị của những người phụ nữ khác và khiến họ trở nên ngày càng “xấu xí” hơn.

Bởi một điều đơn giản đó là khi ta tôn vinh một cá nhân (hoặc một nhóm người) thì đồng nghĩa với việc ta đã lãng quên những người còn lại. Khi ta lấy một người để làm “tiêu chuẩn” của cái đẹp thì đống nghĩa với việc chúng ta phủ nhận tất cả những giá trị khác.

Đỗ Mỹ Linh - Hoa hậu Việt Nam 2016 ngay khi vừa đăng quang đã phải nhận "gạch đá" từ cư dân mạng.

Và hệ lụy của việc “âm thầm phủ nhận phần còn lại” là sự nổi dậy của chính “phần còn lại” đó. Họ sử dụng mọi kĩ năng từ “đào mộ”, chụp lén, quay lén… Họ vận dụng mọi lý thuyết về phẫu thuật chỉnh hình, đạo đức, chuẩn mực, phép tắc xã hội làm vũ khí để đánh đổ những “biểu tượng sắc đẹp”.

Thế nên giờ đây chúng ta mới thấy, bất cứ một cô gái nào giành cúp vô địch "game show Hoa hậu" cũng đều bị dư luận "ném đá", soi xét không thương tiếc bất kể học vấn hay ngoại hình có "khá" đến đâu. Bởi “nhân vô thập toàn”, cứ soi đi kiểu gì "cuộc đời cũng cho phép".

Đau đớn ở chỗ, phần lớn “gạch đá” mà những cô Hoa hậu hứng chịu lại được ném từ tay những kẻ “cùng giới” với mình – tức những chị em công sở văn phòng, những bà mẹ bỉm sữa... đang ngày đêm chống chọi với sự lão hóa và những ngấn mỡ quanh bụng.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi đó là nhu cầu chứng tỏ bản thân của mỗi người. Mà quy luật của việc “chứng tỏ” bản thân đó là phải có một đối trọng để so sánh và loại trừ. Và đối trọng đó, không ai khác chính là những cô Hoa hậu. Chỉ cần “hạ gục” được hoa hậu bằng những hình ảnh, hành động, khoảnh khắc chưa được đẹp đẽ thì lập tức một bộ phận không nhỏ đàn bà cũng hả hê vì “hóa ra mình còn đẹp/tử tế/thông minh hơn Hoa hậu!”

Từ việc là một người thắng giải vàng trong một game show, Hoa hậu được tung lên một tầm cao mới là biểu tượng sắc đẹp của nữ giới và sau đó lại bị chính giới nữ biến thành công cụ để thỏa mãn bản thân. Và Hoa hậu đã khiến cho phụ nữ ngày càng “xấu xí” hơn là vì thế.

Nhận ra sự bất cập mà những cuộc thi Hoa hậu đem lại, nhiều nước trên thế giới đã không ủng hộ hoặc cấm tuyệt đối. Tuy nhiên, dường như chỉ có riêng Việt Nam, những cô gái trẻ (sau khi đăng quang Hoa hậu) càng bị ném đá, dư luận ngày càng độc ác với đồng loại của mình thì những cuộc thi Hoa hậu ngày càng được phổ biến. Có lẽ, điều đó chỉ có thể giải thích được bằng một lý do: Thỏa mãn truyền thông, đáp ứng nhu cầu soi mói của dân tình.

Đến cuối cùng thì chức danh Hoa hậu là một biểu tượng văn hóa hay chỉ đơn giản là sản phẩm của giải trí?

Thiết nghĩ, chẳng có một giá trị đích thực nào được tôn vinh trong những cuộc thi Hoa hậu. Bởi nhan sắc không phải là thứ phù hợp để đem ra so sánh, đong đếm, trí tuệ không thể đánh giá thông qua một câu trả lời ứng xử, và nhân cách thì không thể mặc một chiếc áo lóng lánh màu mè của Hoa hậu.

Vậy nên, tôi khẩn thiết yêu cầu Ban tổ chức của những cuộc thi Hoa hậu, hãy trả cuộc thi đó về đúng nghĩa một một chương trình giải trí không hơn không kém chứ đừng đưa nó lên thành một nét đẹp văn hóa và đừng ép những thí sinh thắng cuộc trở thành biểu tượng cho phụ nữ chúng tôi bằng những băng rôn, khẩu hiệu có từ khóa "Đại diện", "Phụ nữ Việt Nam".

Bởi chẳng ai có thể là “gương mặt thương hiệu” cho tôi cũng như cho toàn bộ phụ nữ Việt Nam. Cô gái ấy chỉ cần đại diện cho chính cô ta, làm tròn trách nhiệm với cuộc thi mà cô ta tham gia. Thế là đủ!

Trịnh Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng!

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ton-vinh-cai-gi-o-nhung-cuoc-thi-hoa-hau-a256196.html