Tốn tiền xây sân vận động tuyến huyện chỉ để thả bò

Gây lo lắng về sự lãng phí, không có hiệu quả đối với người dân, đó là tình trạng các công trình thể thao tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện chỉ là bãi cỏ để bò vào…xem.

Nhà thi đấu đa năng huyện Ia Pa, được đưa vào hoạt động từ năm 2011, với tổng chi phí đầu tư xây dựng lên tới gần 2,5 tỷ đồng, trên diện tích 1.500 m2. Dù không gian rộng rãi, phù hợp với nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực thể thao… Thế nhưng, từ năm 2011đến nay mới chỉ tổ chức được một vài giải thi đấu thể thao cấp huyện, ảm đạm không khí tập luyện, không có các hội, nhóm hay bất kỳ hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao nào hoạt động.

Nhà thi đấu đa năng huyện Ia Pa không một bóng người tới chơi thể thao

Nhà thi đấu đa năng huyện Ia Pa không một bóng người tới chơi thể thao

Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà đa năng của huyện này luôn luôn không có bóng người chơi thể thao bởi, huyện mới được thành lập hơn 10 năm nay, huyện Ia Pa chưa có thị trấn, và yếu tố quan trọng nhất là con người nhưng khu vực trung tâm huyện chỉ vỏn vẹn mười mấy hộ dân sinh sống. Trong khi đó, cán bộ, công nhân viên chức công tác tại bộ máy hành chính của huyện hầu như đều là người từ thị xã Ayun Pa xuống làm việc sáng đi, chiều về, không ở lại. Khiến cho tình trạng tại trung tâm thể thao của huyện xây để ngắm nhiều hơn sử dụng gây lãng phí rất lớn..

Bên cạnh đó, huyện Chư Sê được đánh giá là một huyện có sự phát triển kinh tế mạnh của tỉnh, dân cư đông, đa số sống gần trung tâm hành chính huyện, sân vận động được xây dựng khang trang, bề thế tọa lạc trên mảnh đất vàng rộng lớn. Nhưng nhiều năm nay, sân vận động này hầu như rất ít khi hoạt động khiến cho tình trạng cỏ mọc ùm tùm, xuống cấp nghiêm trọng, và trở thành nơi lý tường cho việc thả bò của người dân xung quanh đó.

Đàn bò đang gặm cỏ tại sân vận động huyện Chư Sê

Ông Lý Kỳ Chung,Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, Thể dục thể thao huyện Ia Grai chia sẻ, huyện Ia Grai cũng đầu tư 1 sân vận động trên trục đường chính của thị trấn Ia Kha với diện tích hơn 1ha. Hiện giờ nó cũng được dân địa phương mang bò vào thả…

Được biết, Sân vận động huyện Ia Grai xây dựng vào năm 2003, với chi phí lên 1,7 tỷ đồng. Từ ngày công trình hoàn thành, nơi đây chỉ tổ chức được vài hoạt động như; Hội khỏe Phù đổng, đại hội thể dục thể thao, các ngày lễ lớn của huyện rồi lại để không.

Theo ông Chung, dù được đầu tư tiền tỷ nhưng chất lượng công trình rất kém, không đảm bảo để thi đấu môn bóng đá.. Mặc dù cổng sân vận động không đóng nhưng cũng chẳng có người nào vào chơi. Đã thế, mỗi năm huyện còn phải tốn hơn 50 triệu đồng để trả lương cho người chăm sóc sân và tiền nước tưới cho cỏ.

Trước thực trạng trên, ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, hiện tại một số công trình thể dục, thể thao của huyện khai thác không hiệu quả, đang xuống cấp trầm trọng, vì vậy lãnh đạo huyện đã lên phương án, có tờ trình lên UBND tỉnh cho phép UBND huyện, xã hội hóa các công trình thể dục thể thao, để khai thác có hiệu quả như một số địa phương khác, tránh để tình trạng lãng phí như bây giờ. “Hiện tại huyện đang chờ sự chỉ đạo của UBND tỉnh” Ông Tiệp nói.

Liên quan đến thực trạng trên, một cán bộ Sở Tài chính Gia Lai thừa nhận, trừ TP. Pleiku ra, hầu như huyện, thị xã nào của tỉnh cũng có công trình thể thao được đầu tư tiền tỷ nhưng khai thác không hiệu quả. Đây thực sự là một sự lãng phí rất lớn. “Hiện do Sở mới chỉ lập đề án về việc cập nhật tất cả các công trình trên địa bàn tỉnh nên vẫn chưa có số liệu cụ thể về việc này”, vị cán bộ nói.

Phạm Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/ton-tien-xay-san-van-dong-tuyen-huyen-chi-de-tha-bo-d34204.html