Tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ thực vật: “Quả bom” ô nhiễm trong khu dân cư

Cả nước hiện vẫn còn 335 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) gây ô nhiễm môi trường, trong đó có tới 240 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1946/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo đó, trong vòng 15 năm (từ nay đến 2025) hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu và các kho lưu trữ hóa chất BVTV tồn lưu.

Thuốc bảo vệ thực vật vẫn được sử dụng tràn lan thiếu sự kiểm soát Ảnh: Hoàng Long Sống chung cùng hóa chất Vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến thuốc BVTV lâu nay vẫn được các cơ quan quản lý nhà nước đề cập đến và tiến hành nhiều biện pháp xử lý nhưng xem ra kết quả không mấy khả quan. Nghệ An, Thanh Hóa có lượng tồn lưu và mức ô nhiễm thuốc BVTV POPs trong đất lớn nhất với số lượng hàng chục nghìn m3. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại, phần lớn kho chứa thuốc BVTV nằm ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Không ít kho thuốc nằm xen kẽ trong các khu dân cư như kho thuốc làng Ải (Tuyên Quang), kho Giao Tiến- Giao Thủy (Nam Định)... Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, trong số những điểm tồn lưu hóa chất BVTV, chỉ một lượng nhỏ được đảm bảo an toàn cho môi trường và cộng đồng, còn lại chủ yếu trên các nền kho cũ đã hỏng bốc mùi nồng nặc, thậm chí có nơi đã nhiễm vào đất, nguồn nước trong khu dân cư một số khu vực như Vĩnh Lộc (Can Lộc), Thạch Lưu (Thạch Hà)... trong đó chủ yếu là thuốc trừ sâu DDT, 666. Con số 5000 người bị nhiễm độc thuốc BVTV chỉ trong năm 2009, trong đó 138 người tử vong, đó là chưa kể số người bị mắc bệnh ung thư, bệnh lao phổi, bệnh về đường hô hấp... hàng năm vẫn tăng do nhiễm độc tồn dư thuốc BVTV đã phần nào nói lên được sự nguy hại của việc sử dụng những loại hóa chất, thuốc BVTV vô tội vạ chỉ vì những cái lợi trước mắt của một số người. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc quá lâu và liên tục với môi trường độc hại cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc các chứng bệnh do nhiễm độc tăng cao. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, trong số những điểm tồn lưu hóa chất BVTV, chỉ một lượng nhỏ được đảm bảo an toàn cho môi trường và cộng đồng, còn lại chủ yếu trên các nền kho cũ đã hỏng bốc mùi nồng nặc, thậm chí có nơi đã nhiễm vào đất, nguồn nước trong khu dân cư một số khu vực như Vĩnh Lộc (Can Lộc), Thạch Lưu (Thạch Hà)... trong đó chủ yếu là thuốc trừ sâu DDT, 666. Sớm xử lý triệt để Nhằm đem lại sự trong sạch cho môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc để tìm ra những giải pháp giải quyết tận gốc những điểm, vùng còn tồn tại thuốc BVTV. Đã có nhiều giải pháp được các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra như giải pháp công nghệ thiêu đốt trong lò xi măng, giải pháp hóa học, sinh học... Song, trên thực tế, chưa có giải pháp nào được đánh giá là hữu dụng, khả thi. Một công nghệ đang được đánh giá cao trong việc xử lý hóa chất thuốc BVTV như đốt cũng bộc lộ nhiều vấn đề lo ngại là không đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu về nhiệt độ và không kiểm soát được khí thải phát sinh có thành phần độc tố gây hại hơn cho môi trường và sức khỏe người dân. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đối với lượng hóa chất BVTV tồn lưu nằm trong các kho bãi tương đối an toàn thì việc xử lý không quá khó khăn. Nhưng những hóa chất trộn lẫn trong đất, ngấm vào đất, nước thì khó có thể kiểm soát, thu giữ, xử lý một cách triệt để mà không để lại hậu quả về sau, ít nhiều cũng vẫn ảnh hưởng đến môi trường, giống như thuốc chữa bệnh thì vẫn có tác dụng phụ vậy. Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước có thể coi là một trong những động thái quyết liệt nhằm giải quyết triệt để vấn đề này. Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2015, tập trung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 240 điểm tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Từ năm 2016-2025, tiếp tục điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 95 điểm tồn lưu còn lại. Đối với những điểm tồn lưu hóa chất BVTV đã xác định được vị trí nhưng chưa có điều kiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường, Thủ tướng yêu cầu phải chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành cô lập, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm đến môi trường xung quanh, di dời các hộ dân, công trình công cộng nằm trên các điểm ô nhiễm đến nơi an toàn. Cũng theo Quyết định này, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất BVTV hết hạn sử dụng hoặc cấm sử dụng, nhập lậu hóa chất BVTV gây ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ kinh phí thu gom, xử lý, tiêu hủy, khắc phục ô nhiễm và đền bù thiệt hại. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những vấn đề cần phải làm nữa là nâng cao chế tài xử lý các hành vi cố tình vi phạm việc nhập lậu hóa chất cũng như sử dụng hóa chất BVTV cho thực phẩm - một trong những hành vi gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe con người. Phương Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=19240&menu=1368&style=1