Tôn Hiếu Anh: 'Tôi phát ngôn sốc thì ai nghe'

Ở tuổi xấp xỉ 40, hiện Hiếu Anh là BTV thời trang của VTV, giảng dạy tại Học viện thời trang London, và là một Hiếu Anh rất khác với những tin đã được đồn thổi trước đó.

Tôn Hiếu Anh sinh ra trong một gia đình “thuần y” với những tên tuổi nổi tiếng (ông nội là GS Tôn Thất Tùng, bố là PGS - Bác sỹ Tôn Thất Bách, mẹ là bác sỹ ở bệnh viện Việt Đức). Tuy nhiên, Tôn Hiếu Anh lại được công chúng biết đến khi gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực thời trang. Anh cũng từng “gây ấn tượng” với hình ảnh của một tay chơi Hà thành, gặp tai tiếng với những tin đồn gây sốc như bị nghiện, bị bố từ mặt...

Không bị áp lực gia đình

- Làm về thời trang, đi ngược với truyền thống gia đình, nhiều người từng xem đó là sự thỏa mãn cái tôi của anh?

Tôi cũng rất thích ngành y, tôi từng thi Đại học Y một năm nhưng không đạt. Tôi không học được Toán, từ nhỏ tôi có tư duy hình, rất thích vẽ vời, thích quần áo, thích cái đẹp, thích làm đẹp. Năm sau đó bố bảo tôi thích thi gì thì thi, thế là tôi chọn thi Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và thi đỗ ngay với số điểm rất cao.

Tôi chọn thời trang đơn giản là do năng khiếu. Khi tôi học về thời trang, bố mẹ tôi hoàn toàn ủng hộ. Một phần bố mẹ không muốn chị em tôi theo ngành y vì quá vất vả, không có thời gian chăm sóc gia đình.

- Khả năng nghệ thuật của anh ảnh hưởng từ ai?

Trong gia đình, bố tôi có tính văn nghệ sỹ rất cao. Bố tôi rất khéo tay, có thể vẽ được, thích âm nhạc và biết chơi piano. Tôi nghĩ năng khiếu nghệ thuật của mình ảnh hưởng từ bố.

Tôn Hiếu Anh ảnh hưởng tính nghệ sỹ từ bố - PGS Tôn Thất Bách

- Tuổi trẻ của anh cũng có quãng thời gian là dancer nhảy thâu đêm suốt sáng, điều đó có khiến bố anh phiền lòng không?

Những việc tôi làm đơn giản là vì tôi không muốn xin tiền bố mẹ, từ bé tôi đã nghĩ 18 tuổi phải tự lập. Học xong cấp 3, thấy việc đi làm người mẫu kiếm ra tiền, thế là đi làm người mẫu, thấy việc đi nhảy cũng kiếm ra tiền, thế là đi nhảy! Số tiền tôi kiếm được trang trải hoàn toàn cho thời sinh viên của mình.

Bố tôi cũng từng hỏi vì sao tôi lại làm những việc đó, tôi hỏi lại ngày xưa bố cũng từng đi bơm xe, vá xe đấy thôi. Khi bố đi bơm xe, vá xe, mọi người cũng nhìn vào nói đại ý con ông Tôn Thất Tùng mà cũng phải đi vá xe, mà họ không nghĩ đó là sự tự lập.

Bố tôi ngẫm thấy đúng, mình làm cái gì ra tiền mà không phạm pháp, không ảnh hưởng tới danh dự thì sao lại không làm?

- Anh có bị áp lực khi người thân đều rất giỏi và nổi tiếng?

Tôi tự nghĩ ông mình, bố mình đã làm rất là tốt, làm sao mình so sánh được. Mỗi thời sinh ra con người khác nhau, tôi thấy mình muốn vươn tới cũng không bằng họ, nên tôi không thấy áp lực gì cả.

Thành công là được làm điều mình thích

- Trải qua nhiều công việc, anh nghĩ thành công của mình bây giờ là gì?

Mỗi ngưỡng tuổi tôi lại tìm ra thành công ở một con đường khác. Lúc học ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tôi ước ao trở thành nhà thiết kế, tôi tranh đấu rất nhiều, cái gì cũng muốn mình là hàng đầu. Tôi thi các giải thời trang Việt Nam, giành được một số giải, và khi đó như thế là tôi thấy thỏa mãn.

Từ Anh trở về, tôi mở được nhãn hiệu thời trang của mình, nhưng bỏ dở giữa chừng vì thấy mình phí công quá, công sức mình làm ra không cạnh tranh được với hàng Tàu. Lúc đó tôi muốn rẽ sang hướng khác, trở thành BTV thời trang nên tôi xin vào VTV.

Ở mỗi vai trò, tôi không thành công lẫy lừng. Nhưng thành công với tôi đơn giản là được theo cảm xúc, theo cảm hứng. Tôi không mong mình đứng ở đỉnh vinh quang, vì đỉnh vinh quang ở đâu tôi cũng đâu biết, khi con đường tôi đi tôi thấy đủ với mình thì tôi rẽ.

- Anh thấy mình tự tin nhất khi đứng ở vị trí nào?

Cái giỏi trong thời trang rất khó nói, nhưng tôi nhận thấy mình có nhiều kiến thức vì chuyên ngành tôi được đào tạo là giảng dạy thời trang, còn khả năng sáng tạo, kinh doanh thời trang thì chưa chắc tôi làm tốt.

Tôi muốn truyền đạt niềm đam mê, kiến thức của mình tới mọi người. Ở Việt Nam, mọi người thường nghĩ nghề này do năng khiếu chứ không cần đào tạo. Tuy nhiên, thời trang chứa đựng văn hóa, tôi dạy văn hóa thời trang để khi mọi người thiết kế có kiến thức nền tốt hơn, làm nên sản phẩm có văn hóa, chứ không phải cứ đắp những thứ đắt tiền lên người là đẹp, là thời trang. Tôi muốn góp phần thúc đẩy thời trang Việt Nam chuyên nghiệp hơn.

Tôn Hiếu Anh và các đồng nghiệp trong làng thời trang

- Còn vai trò BTV, sức hấp dẫn gì của truyền hình giữ chân anh ở lại suốt 8 năm nay?

Việc sản xuất phóng sự cũng như sáng tác thời trang, nhưng dễ hơn thời trang một chút là nó có sự thật, mình đi tìm sự thật đó đưa đến cho khán giả, còn thời trang biến từ vô hình thành hữu hình. Tôi mê hình ảnh, mê dựng phim, làm màu... nên tôi thấy làm BTV thời trang hợp với tôi. Càng ngày tôi lại càng thấy thú vị và bị thu hút, mỗi sáng mở mắt ra tôi lại thấy có một thứ gì mới mình phải suy nghĩ đến.

Đồng thời khi tôi gặp được những người muốn gắn bó thì tôi không muốn đi, như chị Tạ Bích Loan, chị Diễm Quỳnh, họ là những người thầy không chỉ dạy nghề mà còn truyền đến cho tôi tình yêu nghề.

- Anh có thấy trở ngại gì không khi làm việc trong môi trường có nhiều người trẻ?

Đối tượng khán giả, đồng nghiệp của tôi ở VTV6 khá trẻ, tôi làm thời trang nên cũng thường chơi với giới trẻ, vì thế, xu hướng mới của giới trẻ tôi thường cập nhật. Đồng thời, tôi luôn tự kỷ ám thị mình còn trẻ, nên làm với người trẻ tôi không ngại (cười).

- Anh từng vướng nhiều tin đồn, vậy gần đây có tin đồn nào khiến anh phải bận lòng không?

Tôi cũng muốn lắm, nhưng chẳng ai đồn nữa! (cười). Ngày xưa khi bố tôi còn sống, ông nổi tiếng nên mọi người quan tâm, đồn thổi về tôi chăng. Còn bây giờ, tôi làm việc tại cơ quan ngôn luận, tôi cũng phải giữ ý, không phát ngôn gây sốc nữa, mà có phát ngôn gây sốc nữa thì cũng có ai nghe?

Suy cho cùng, mọi thứ không hay xảy ra bắt nguồn từ sự ghen ghét, tranh đấu nhau. Công việc tôi đang làm là BTV ít xuất hiện hình ảnh trước công chúng, chẳng ảnh hưởng đến ai, không có nhiều đối thủ nên chắc không bị ghen ghét! (cười).

- Trường hợp của anh có thể ứng dụng với câu nói "trẻ chơi nhiều, già ngoan ngoãn" đấy nhỉ?

Trải qua đao to búa lớn chán chê, bây giờ tôi không thích gây sự chú ý nữa!

Nói chung, tôi tìm thấy đức tin và tìm cho cho mình con đường để có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc. Ví dụ tôi để ý những điều nhỏ nhặt hơn, hàng ngày bước ra đường tôi để ý xem mình có làm điều gì xấu không, lời nói của mình thế nào, có làm tổn thương ai không. Đồng thời tôi tập trung làm công việc của mình một cách chăm chỉ, không tham, sân, si...

Hoài An

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/doi-mat/ton-hieu-anh-toi-phat-ngon-soc-thi-ai-nghe-20160820033402739.htm