Tồn 9,3 triệu tấn than, vẫn nhập than!

Trong khi Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) còn đang tồn kho 9,3 triệu tấn than, làm 4.000 lao động có nguy cơ mất việc, thì trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than.

Phải chăng chất lượng than của Việt Nam không đạt, giá cao nên buộc các nhà máy nhiệt điện đốt than phải nhập hay còn vì lý do gì khác?

Có nhiều con số “biết nói” liên quan đến ngành than cần đáng lưu tâm. Nhất là khi ngành này còn tồn tại những nghịch lý khi than đá nhập khẩu vẫn tăng mạnh về giá trị, còn xuất khẩu thì tăng mạnh trở lại về số lượng trong bối cảnh hàng triệu tấn than đang tồn kho gây áp lực lớn cho ngành than nội địa.

Đảo điên ngành than

Thống kê mới đây từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 5 tháng đầu 2017, tổng lượng than đá xuất khẩu của cả nước đạt 877 nghìn tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Nhật Bản và Malaysia là hai thị trường dẫn đầu về nhập khẩu than đá của Việt Nam với lượng và tốc độ tăng lần lượt là 478 nghìn tấn, tăng gấp 7 lần; 115 nghìn tấn, tăng gấp 11 lần.

Còn theo số liệu được đưa ra tại hội thảo về ngành than giữa Việt Nam-Indonesia do Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than, trị giá 577,218 triệu USD, tuy giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 58,3% về trị giá.

Indonesia là một trong những thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam với số lượng 2 triệu tấn, trị giá 139,27 triệu USD. Lượng than nhập khẩu từ Indonesia được cho là chiếm hơn 1/3 tổng lượng than nhập khẩu.

Nhưng, ở một diễn biến khác, cũng đáng chú ý không kém, là con số tồn kho “khổng lồ” được TKV cho biết tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng tại tập đoàn này hôm 19/6 tại Hà Nội.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết tồn kho than tính đến tháng 6/2017 đã ở mức 9,3 triệu tấn. Trong khi đó, giá thành sản xuất than vẫn tăng do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn, suất đầu tư, chính sách thuế, phí, tiền lương…Ước tính, mức tăng chi phí của TKV lên đến gần 10.000 tỷ đồng.

Điều đáng lo là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đề nghị giảm mua than từ TKV với khối lượng lên đến 2 triệu tấn so với kế hoạch. Lãnh đạo TKV tỏ ra hoang mang nếu EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đi mua than của các đơn vị ngoài TKV thì với số than tồn kho như hiện giờ có thể sẽ làm 4.000 lao động mất việc.

Nhân chuyện này, trở lại hội thảo về ngành than giữa Việt Nam-Indonesia, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, nói rằng năm 2017, để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than, EVN dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than và con số này sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2020, 19 triệu tấn vào năm 2025. Vậy thì lý do gì mà EVN không tiêu thụ than của TKV còn đang tồn kho mà phải đi nhập khẩu với lượng tăng chóng mặt và làm đảo điên ngành than nội địa?

TKV “đau đầu” vì tính đến tháng 6/2017, lượng than đá tồn kho đã ở mức 9,3 triệu tấn

Đội chi phí, “bí” đầu ra

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân mấu chốt là do giá than trên thế giới, chẳng hạn như Indonesia, đang rẻ hơn Việt Nam do chi phí sản xuất thấp hơn, công nghệ cao hơn. Lượng nhập khẩu than tăng đột biến cũng được cho là do thuế nhập khẩu than hiện bằng 0%. Do đó, với mức tăng chi phí đến 10.000 tỷ đồng mà tổng giám đốc TKV thổ lộ thì rõ ràng giá than của Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh nổi với than nhập khi giá thành trong nước cao hơn giá nhập khẩu.

Nguyên nhân làm gia tăng chi phí than nội địa là vì các mỏ than khai thác của TKV hiện giờ đa phần ở dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước.

Dù muốn tháo gỡ khó khăn cho TKV nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng bày tỏ sự quan ngại cho tập đoàn này trước sức ép tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng là cần có những chính sách để hạ giá thành và nỗ lực cắt giảm chi phí từ phía TKV.

PGs.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho biết nhu cầu than để sản xuất điện vào khoảng 130-150 triệu tấn vào năm 2030. Than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 30-40 triệu tấn. Khối lượng than nhập khẩu lên tới cả trăm triệu tấn.

Là một quốc gia xuất khẩu than đá nhiều năm qua nhưng việc đáp ứng một cách khiêm tốn cho nhu cầu nội địa được lý giải là vì có hiệu suất cháy thấp. Cho nên các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam phải bắt buộc đốt than trộn giữa than nội địa với than nhập khẩu dễ cháy.

Chưa kể, theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2020 chỉ đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn. Cho nên việc nhập khẩu than với số lượng lớn để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện đốt than được xem như đương nhiên.

Nhưng đó là chuyện tương lai, còn trước mắt, có thể thấy với công nghệ khai thác cũ, gia tăng chi phí, cạnh tranh kém so với than nhập, để cho tồn kho đến 9,3 triệu tấn dẫn đến nguy cơ 4.000 người lao động có thể mất việc, lỗi trước tiên thuộc về tư duy, cách thức quản trị kém cỏi, chậm đổi mới của lãnh đạo TKV chứ không thể đổ hết vào nguyên nhân khách quan.

Theo Thế Vinh/TBKD

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/ton-93-trieu-tan-than-van-nhap-than-190739/