Tốn 20.000 USD mới xin được giấy phép xuất khẩu gạo

"Mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn cả mấy chục ngàn USD, thậm chí để có được một giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn 20.000 USD".

Đó là những khẳng định của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC, tại buổi tọa đàm về định hướng sửa đổi Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/2.

Thủ tục hình thức, không phù hợp thực tế

Cùng với đó, theo ông Nam, đó là chưa kể để đủ điều kiện xuất khẩu gạo, mỗi ngày công ty phải báo cáo số liệu cho cơ quan chức năng, rằng xuất khẩu được bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu. Những việc này rất tốn thời gian khiến công ty phải tuyển thêm người chỉ để làm báo cáo.

Theo ông Nam, đơn cử như quy định gia hạn khi hết thời hạn theo giấy phép xuất khẩu, doanh nghiệp cũng lại phải tốn tiền. Nếu không, công ty sẽ mất tên trong danh sách được xuất khẩu gạo. Quy định về vùng nguyên liệu cũng đang là một rào cản.

"Có những doanh nghiệp rất uy tín, có sản phẩm tốt nhưng lại không đủ diện tích vùng nguyên liệu theo quy định. Để xuất khẩu được, họ đã phải chạy thủ tục", ông Nam kể.

Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC (Tp HCM) chuyên về xuất khẩu gạo

Không chỉ có thế, theo chia sẻ của vị tổng giám đốc này, mỗi lần xuất khẩu gạo, công ty còn tốn thời gian vào những việc không cần thiết như phải đi báo cáo Bộ Công Thương những nội dung như xuất khẩu bao nhiêu, còn tồn đọng bao nhiêu. Ông Nam đề nghị, cần bãi bỏ tất cả các điều kiện như vậy.

"Tất cả đều rất hình thức, không hợp với thực tế, vừa không cần thiết, vừa phiền phức cho doanh nghiệp", ông Nam nói.

Theo người đứng đầu công ty ADC, cơ chế thị trường sẽ điều tiết những vấn đề trên. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo đi Mỹ, EU thì họ tự buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường này từ vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ... mà không cần đến một sự áp đặt nào.

Chia sẻ kinh nghiệm từ ngành thủy sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chuyên gia của Liên minh Nông nghiệp, nói: "Trước đây, các nhà nhập khẩu nước ngoài chỉ kiểm tra khâu an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhà máy chế biến, nhưng bây giờ, họ kiểm tra cả vùng nguyên liệu nữa. Tiêu chuẩn của thế giới bây giờ còn là các vấn đề về tồn dư thuốc trừ sâu, dư lượng thuốc kháng sinh".

Do vậy, doanh nghiệp đương nhiên phải đáp ứng vùng nguyên liệu. Nhà nước tự nhiên quy định bắt buộc về vấn đề này để làm gì? Tại sao lại phải ép doanh nghiệp những thứ đó?".

Bà bày tỏ: "Với cung cách quản lý lúa gạo như thế này, không thể có cạnh tranh, không thể có tiến bộ như Thái Lan được".

Người dân Philipiness ăn gạo Việt Nam rẻ hơn người Việt

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 109/2010 yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng nhiều điều kiện. Đến nay, sau sáu năm thực hiện, nghị định đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung.

Ví dụ Nghị định 109 đưa ra những quy định về điều kiện trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu gạo đó là có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang tốn kém chi phí về thủ tục

Cũng tại buổi tọa đàm, TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý cán bộ nông nghiệp còn chỉ ra một nghịch cảnh trên thị trường gạo.

"Người dân Philipiness ăn gạo Việt Nam rẻ hơn người lao động Việt Nam ăn gạo Việt Nam. Chúng ta bán cho họ 300 USD/tấn, chưa tới 8.000 đồng/kg kể cả phí vận chuyển, còn người lao động Việt Nam ăn với giá 10.000-12.000 đồng/kg, các đại biểu ngồi đây chắc ăn gạo 18.000-20.000 đồng/kg", TS Khải nói.

Bộ Công thương vào cuộc

Từ thực tế đó, VEPR đề xuất bãi bỏ các điều kiện về việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho, cơ sở xay xát thóc, gạo cũng như quy định về địa điểm đặt kho, máy xay xát và việc phải duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó.

VEPR cũng đề xuất bãi bỏ giá sàn xuất khẩu hoặc giá sàn chỉ có tính chất trao đổi nội bộ trong hiệp hội; bãi bỏ việc xuất khẩu gạo tại thị trường tập trung; bãi bỏ các điều kiện giao hàng xuất khẩu.

Sau khi nhận được thông tin trên, ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập đoàn xác minh; đồng thời giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ sự việc mà các báo đã nêu.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/ton-20000-usd-moi-xin-duoc-giay-phep-xuat-khau-gao-3329797/