Tôm Việt tiếp tục được yêu thích nhất tại Mỹ

Danh sách các mặt hàng thủy sản được ưa chuộng ở Mỹ năm 2015 không có nhiều sự thay đổi khi tôm, cá hồi và cá ngừ tiếp tục là top 3 sản phẩm được yêu thích nhất. Cua vươn lên vị trí thứ 8 từ vị trí thứ 9 trước đó.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tiêu thụ cá và thủy sản có vỏ theo đầu người ở Mỹ năm 2015 đạt 15,5 pao/người, tăng từ 14,6 pao năm 2014.

Tiêu thụ thủy sản theo đầu người ở Mỹ tăng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy người Mỹ đã quan tâm nhiều đến dinh dưỡng và sức khỏe hơn. Tiêu thụ thủy sản ở Mỹ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Năm 2015, nước này nhập khẩu 90% cá và thủy sản có vỏ.

Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của Vasep, trong 9 tháng qua, XK tôm Việt Nam sang Mỹ chỉ giảm nhẹ 1,5% duy nhất trong tháng 6; các tháng còn lại đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2015.

Ảnh minh họa.

Kể từ tháng 4/2016, XK tôm sang Mỹ liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó. Giá trị XK trong tháng 9/2016 đạt cao nhất từ đầu năm với gần 85 triệu USD, tăng 9,4% so với tháng 9/2015. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm sang thị trường này đạt 520,2 triệu USD; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Vào ngày 7/9/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) áp dụng cho những lô hàng XK từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/1/2015. So với mức thuế cuối cùng của POR9, mức thuế cuối cùng của POR10 đã tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

Nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 là do DOC tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt, cho phép DOC tái sử dụng phương pháp quy về không để tính toán biên độ phá giá. Phương pháp tính toán này là vô lý và vi phạm các quy định của WTO.

Trước động thái này của Mỹ, các DN Việt Nam đang chuẩn bị số liệu đầy đủ và vận động tối đa các nhà NK sẵn sàng tham gia phân tích và trả lời các bảng câu hỏi sẽ được phát hành để tiếp tục theo đuổi đợt xem xét hoàng hôn ở cả DOC và Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT).

Bên cạnh đó, Việt Nam cùng với các nước sẽ tiếp tục sử dụng các biện luận về vấn đề không gây thiệt hại đến sản xuất nội địa của Mỹ như đã làm trong lần xem xét thuế chống trợ cấp. Có thể nói, từ nay đến tháng 7/2017 sẽ là khoảng thời gian quan trọng cho các DN tôm Việt Nam tham gia đầy đủ đợt xem xét hoàng hôn lần này để tận dụng cơ hội quan trọng này rút ra khỏi vụ kiện.

Hòa Lộc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tom-viet-tiep-tuc-duoc-yeu-thich-nhat-tai-my-d84678.html