Tóm tắt về thuyết Big Bang?

Lý thuyết Vụ Nổ Lớn, thường gọi theo tiếng Anh là Big Bang, là mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ.

* Xin cho biết tóm tắt về khởi nguyên của vũ trụ hay còn gọi là thuyết Big Bang?

Bạn Trịnh Huy Nhã (huyện Văn Lâm, Hưng Yên)

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và sách Lược sử Vạn vật của Bill Bryson thì Lý thuyết Vụ Nổ Lớn, thường gọi theo tiếng Anh là Big Bang, là mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ.

Theo lý thuyết này, Vụ Nổ Lớn xảy ra xấp xỉ cách nay khoảng 13,7 tỷ năm, và được các nhà vũ trụ học coi là tuổi của vũ trụ. Sau giai đoạn này, vũ trụ ở vào trạng thái cực nóng và đặc và bắt đầu giãn nở nhanh chóng. Sau giai đoạn lạm phát, vũ trụ đủ "lạnh" để năng lượng bức xạ (photon) chuyển đổi thành nhiều hạt hạ nguyên tử, bao gồm proton, neutron, và electron.

Tuy những hạt nhân nguyên tử đơn giản có thể hình thành nhanh chóng sau Big Bang, phải mất hàng nghìn năm sau các nguyên tử trung hòa điện mới xuất hiện. Nguyên tố đầu tiên sinh ra là hiđrô, cùng với lượng nhỏ heli và liti.

Những đám mây khổng lồ chứa các nguyên tố nguyên thủy sau đó hội tụ lại bởi hấp dẫn để hình thành lên các ngôi sao và các thiên hà rồi siêu đám thiên hà, và nguyên tố nặng hơn hoặc được tổng hợp trong lòng ngôi sao hoặc sinh ra từ các vụ nổ siêu tân tinh.

Thuyết Vụ Nổ Lớn là một lý thuyết khoa học đã được kiểm chứng và được cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi. Nó đưa ra cách giải thích hoàn thiện về nhiều loại hiện tượng quan sát thấy trong vũ trụ, bao gồm sự có mặt của những nguyên tố nhẹ, bức xạ nền vi sóng vũ trụ, cấu trúc vĩ mô của vũ trụ, và Định luật Hubble đối với siêu tân tinh loại Ia.

Từng có thời gian cộng đồng các nhà khoa học chia làm hai nhóm giữa một bên ủng hộ thuyết Vụ Nổ Lớn và một bên ủng hộ thuyết Trạng thái dừng, nhưng ngày nay hầu hết các nhà khoa học bị thuyết phục bởi kịch bản của lý thuyết Vụ Nổ Lớn phù hợp nhất với các quan sát đo lường sau khi bức xạ nền vi sóng vũ trụ phát hiện ra vào năm 1964, và đặc biệt khi phổ của nó (lượng bức xạ đo được ứng với mỗi bước sóng) được phát hiện phù hợp với bức xạ vật đen. Từ đó, các nhà thiên văn vật lý đã kết hợp những dữ liệu lớn trong quan sát và đưa thêm những tính toán lý thuyết vào mô hình Vụ Nổ Lớn.

Đây có vẻ là quá khó hiểu với mọi người. Tuy nhiên ai muốn hiểu được cặn kẽ hơn nên đọc chương đầu của cuốn sách “Lược sử Vạn vật” do Công ty Alphabooks và NXB Khoa học xã hội ấn hành. Tuy nhiên, tác giả của cuốn sách này lại nhận định:

Thuyết Big Bang có một khiếm khuyết khiến nhiều người đau đầu - đó là nó không thể giải thích. Đó là 98% vật chất đang tồn tại đều được tạo ra trong vụ này, và các vật chất khi đó chủ yếu gồm các khí nhẹ: heli, hidro và liti, không hề có một hạt vật chất nặng nào vốn cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta - carbon, nitơ, ôxy và những thứ khác - được hình thành từ sự kết hợp các chất khí ở thời điểm hình thành vũ trụ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tom-tat-ve-thuyet-big-bang-post175740.html