Tôi vẫn đi tìm lại

Cách nay chục năm, tôi có dịp sang Malaysia công tác mấy năm trời.Xong nhiệm kỳ công tác dài dằng dặc đó, tôi quay về với gia đình ở Q.8,TP.HCM.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Mấy năm sống bên Kuala Lumpur (Malaysia), trong đầu tôi thường quanh quẩn một mong muốn, không khó thực hiện nhưng chưa làm lần nào, là có dịp thì dành ít nhất một ngày đi lại khu trung tâm Sài Gòn, khu vực mà bố mẹ tôi lập nghiệp từ năm 1930.

Tôi ra đời năm 1962, đến năm 1991 mới rời khu trung tâm đó để lưu lạc về Phú Nhuận rồi sau đó “tòng thê”. Hai mươi chín năm dài chất ngất cả một trời kỷ niệm.

Những đền thờ bên xứ Malaysia khiến tôi nhớ cái đền Ấn giáo sát bên nhà trên đường Đông Du. Những cái đền tỏa khói hương, đông nghẹt người trong ngày lễ và những gương mặt người Ấn nâu đen, mắt to.

Dòng ký ức đưa tôi về Tòa nhà Quốc hội (Hạ nghị viện), nay là Nhà hát Thành phố, những biến cố chính trị thập niên 1960, những màn biểu tình và đối phó của cảnh sát diễn ra hằng ngày trước con mắt ngây thơ của thằng bé. Những hàng rào bằng gỗ, sau thay bằng sắt để bảo vệ và ngăn người biểu tình vượt qua. Sau 1975 và nhiều năm sau, hàng rào này trở thành vành đai của sân bóng của đám trẻ con sống gần đó.

Thả bộ dọc đường Nguyễn Huệ, con đường mà ngày còn bé thơ, tôi thường được bà vú nuôi Ba Bàng dắt đi chơi. Bà thường nói là: “Đi ra Sạc-ne (Charner)!” tức ra con đường Nguyễn Huệ. Nơi bà thường dẫn tới là thương xá Tax. Mấy người bán hàng trong Tax quen với cảnh một bà cụ Bắc kỳ, đầu quấn một chiếc khăn bông nhỏ, áo bà ba, quần đen, đôi dép nhựa đen dẫn theo một thằng bé lúc nào cũng phụng phịu như muốn đòi quà. Bà thường ghé tủ kem của Pôle-Nord mua cho hắn khi thì que kem, lúc cái bánh.

Có lẽ, bà đâu biết thằng bé ước một lần rủng rỉnh vào quán vừa ăn kem, vừa ngắm phố phường theo phong cách sành điệu của các anh chị lớn mà trên tay lúc nào cũng cầm theo cuốn tiểu thuyết Love Story của Erich Segal, dù chỉ mới ở tuổi... nhi đồng. Những giai điệu mượt mà của Francis Lai làm đẹp thêm chuyện tình đầy thương cảm của đôi Oliver Barret VI và Jennifer Cavilleri đã làm không chỉ hắn mà cả Sài Gòn run rẩy theo những cung bậc của phim.

Thương xá Tax trước khi tôi sang Malaysia năm 2000 không còn vẻ sang trọng của một trung tâm thương mại thời Pháp - Mỹ. Cảnh buôn bán lộn xộn làm khu thương xá càng lúc càng không xứng với danh tiếng trước kia. Tiệm kem Pôle-Nord ở góc giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ giờ là một phần của dĩ vãng.

Hàng nước mía Viễn Đông, nơi bà Ba Bàng thỉnh thoảng phá lệ cho tôi thưởng thức. Thứ nước ngọt ngào, sủi bọt như chai la-de Con Cọp mà ba tôi thường uống trong bữa trưa giữa đám thợ may người bắc lúc nào cũng ồn ào bàn tán đủ thứ chuyện, từ chính trị cho đến số đề.

Một buổi tối thứ tư năm 1971, bà Ba Bàng như thường lệ đi mua quà tối cho trẻ con trong nhà, lối đi ngang qua một vũ trường. Bà vừa khuất dạng thì có một tiếng nổ vang lên. Như một phản xạ tự nhiên mọi người đổ ra ngoài. Con đường phủ kín mảnh kính vỡ . “Bà Ba Bàng! Bà Ba Bàng!”. Mẹ tôi chân trần băng ra đường kêu to. Ai cũng nghĩ tới điều xấu nhất ập tới...

Như một phép màu, trong đám đông lộn xộn, bóng bà Ba Bàng hiện ra, bước thấp bước cao về nhà!. “Bà Ba! Có làm sao không?”.“Tao vừa đi đến quãng nhà in Đông Nam Á, thì chiếc dép tụt ra. Vừa ngồi xuống, với tay tìm được chiếc dép trong bóng tối thì có tiếng nổ. Vì ngồi khuất sau mấy chiếc xe hơi nên tao không bị làm sao cả!”. Bà Ba Bàng vẫn chưa hết thảng thốt. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, bước vào nhà khi ngoài đường tiếng còi xe cấp cứu ầm ĩ.

Từ vũ trường Tự Do, mà tầng trên là một phòng tập tạ nơi tôi thường tới rèn luyện thân thể vào thuở thanh niên bẻ gãy sừng trâu, phóng tầm mắt qua bên kia đường, hướng về Nguyễn Thiệp, là tiệm giày Bata, một nhãn hiệu lâu đời của thế giới, chuyên sản xuất các loại giày dành cho mọi thành phần, mọi lứa tuổi.

Sự hiện diện của tiệm này là đòn cạnh tranh đáng kể dù còn lâu mới gây khó cho giới thợ giày Bắc kỳ mà trung tâm là đường Lê Thánh Tôn với những cái tên đã thuộc về huyền thoại: Trần Rắc, Hà Nội…

Tôi biết nhiều người sống ở thành phố này cả đời, từng thú nhận không hiểu gì về Sài Gòn trừ khu phố quanh nhà. Tôi cũng vậy, không hơn gì họ, nhưng may là khu phố tôi ở lại là trung tâm đô thị, nơi nén chặt bao nhiêu phồn hoa, sôi động, thanh lịch và cả những biến cố, mâu thuẫn, đối đầu của một xã hội luôn oằn mình thay đổi, tìm đường phát triển và chống chọi bao nhiêu trì kéo của những thế lực lạc hậu. Tôi vẫn còn đang tìm lại những gì trong ký ức của riêng mình.

Lương Tấn Thành

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/toi-van-di-tim-lai-878736.html