Tôi thích niềm vui từ sự dấn thân

Đang nổi tiếng với nhiều ca khúc vượt thời gian như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù vân, Một thoáng Tây hồ, Chảy đi sông ơi..., bỗng dưng nhạc sĩ Phó Đức Phương hạ khuông nhạc, chuyển sang nghề "đi đòi tiền" hộ nhạc sĩ. Trong mắt những người thân quen, yêu quý ông, không còn hình ảnh một Phó Đức Phương lãng tử với mái tóc xoăn, nụ cười hiền, mà thay vào đó là dáng dấp của một "ông bản quyền" quyết liệt, đáo để.

Đang nổi tiếng với nhiều ca khúc vượt thời gian như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù vân, Một thoáng Tây hồ, Chảy đi sông ơi..., bỗng dưng nhạc sĩ Phó Đức Phương hạ khuông nhạc, chuyển sang nghề "đi đòi tiền" hộ nhạc sĩ. Trong mắt những người thân quen, yêu quý ông, không còn hình ảnh một Phó Đức Phương lãng tử với mái tóc xoăn, nụ cười hiền, mà thay vào đó là dáng dấp của một "ông bản quyền" quyết liệt, đáo để.

- 12 năm tạm ngưng công việc sáng tác - cái việc mang lại danh lợi cho bản thân, để đi làm việc "đòi tiền" hộ nhạc sĩ, ông thấy mình được gì và mất gì?

- Khi thấy tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả quá nặng nề, gây hậu quả xấu trong xã hội nói chung và đời sống âm nhạc nói riêng, chúng tôi mới làm bản kiến nghị có chữ ký của 200 nhạc sĩ và tự tay tôi gửi lên Tổng Bí thư Trung ương Đảng, lên Quốc hội và Chính phủ. Nhưng phải từ năm 2003, sau khi hoàn thành vai trò tổng đạo diễn chương trình Paragame lần thứ hai tôi mới tạm ngưng công việc sáng tác để sang công việc mới mẻ này. Vậy là cũng bước sang năm thứ 11 rồi.

Bạn hỏi được gì, mất gì ư? Đương nhiên cái mất đầu tiên là tác phẩm. Từ khi Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bắt đầu phân phối tiền bản quyền tác phẩm cho các tác giả, bạn có tin tôi là nhạc sĩ thuộc loại 1/4 dưới cùng về số tiền được trả? Nếu vẫn sáng tác, trong 10 năm qua có thể tôi có thêm đến 30 ca khúc mới, biết đâu tiền bản quyền của tôi sẽ được nâng lên rất nhiều.

Còn cái được thì mênh mông lắm. Đối với tôi, việc làm thế nào cho giới nhạc sĩ không bị thua thiệt, đem lại lợi ích công bằng và chính đáng để người nghệ sĩ tái tạo sự sáng tạo của mình là việc cần phải làm. Nếu quyền lợi của các tác giả không được bảo vệ thì niềm đam mê sáng tạo của họ ngày càng mòn mỏi, cạn dần đi.

- Nhận thức về điều này tôi nghĩ nhiều người biết, nhưng dám hy sinh sự nghiệp sáng tác để lao vào lĩnh vực mới mẻ này thì không phải ai cũng dám mạo hiểm.

- Đó là nhìn nhận của bạn. Còn tôi thấm thía đến cùng việc này, thậm chí xót lòng xót ruột. VCPMC ra đời và hoạt động là tôi thỏa mãn được tâm nguyện của mình. Trong giai đoạn vừa rồi, tôi lao vào việc này không tiếc sức vì tôi thấy việc bảo vệ bản quyền tác giả vô cùng cần thiết cho đất nước lúc này, chứ không chỉ vì cho giới âm nhạc.

- Vậy có lúc nào ông nghĩ vai trò "ông bản quyền" quan trọng hơn vai trò "ông nhạc sĩ"?

- Thực chất thì nó quan trọng hơn công việc sáng tác của tôi. Có người yêu quý thì bảo tôi rằng, công việc bản quyền nên để người khác làm, giới âm nhạc cần ông để sáng tác những ca khúc mang phong cách Phó Đức Phương. Nhưng tôi đã nói, đây là việc quan trọng và tôi nóng lòng muốn giải quyết ngay, quan trọng hơn cả việc sáng tác. Có lần tôi đã tâm sự với nhạc sĩ Doãn Nho rằng, cái cảm giác của sự dấn thân, khám phá, mạo hiểm cũng đem lại hưng phấn ghê gớm, đôi khi nó còn hưng phấn hơn cả sáng tác vì nó kịch tính hơn, dữ dội hơn và nó có thể đứng trước ranh giới mong manh của sự thành bại. Tôi thích niềm vui từ sự mạo hiểm dấn thân.

- Xin lỗi, theo tâm lý thông thường, người ta nghĩ chắc phải có lợi lộc lớn ông mới đánh đổi như thế?

- Mọi người cần hiểu, cái đoạn đầu khổ ải chúng tôi đã vượt qua, còn khi đã định hình và phát triển thì đương nhiên chúng tôi phải được đền đáp những lợi ích tương đối, bởi vì VCPMC không phải chỉ có mình tôi mà còn cả một bộ máy. Nếu tôi không nghĩ đến lợi ích bình thường như các tổ chức hoạt động trong xã hội thì làm sao tôi giữ được cán bộ ở cơ quan này. Chuyện lương lậu có tỷ lệ hợp lý, có quốc tế, có kiểm toán ghi nhận. Chúng tôi không phải cơ quan làm kinh tế nhưng có yếu tố kinh tế.

- Có lúc ông đã ví ông và đồng nghiệp ở VCPMC như thầy trò Đường Tăng lên Tây Trúc thỉnh kinh, trải qua bao khó khăn vất vả để hôm nay đã có 2.558 thành viên tín nhiệm ủy thác quyền tác giả. Hơn 10 năm để đi vào hoat động có hiệu quả, VCPMC có đụng độ nhiều không khi mà tâm lý nhiều người quen dùng "chùa" những sản phẩm tinh thần của người khác?

- Va chạm thì nhiều lắm, có nhiều nơi không chịu thực hiện, trì hoãn, né tránh. Những đối tác lớn có quyền lực không những trì hoãn mà còn phản kích, vùi dập. Công việc của VCPMC vô cùng gian truân cũng bởi do nhận thức và quyền lợi cá nhân. Nếu ở một đất nước phát triển, luật pháp nghiêm minh thì việc nộp tiền bản quyền là chuyện phải tuân thủ.

- Thực ra trong xã hội văn minh, vấn đề nộp tiền bản quyền nằm trong ý thức công dân, thành một nền nếp. Nhưng nhiều người vẫn nói không mấy thiện cảm rằng công việc của VCPMC chỉ nhăm nhăm đi thu tiền.

- Đúng quá, lợi ích của các tác giả đang bị xâm hại nghiêm trọng, chúng tôi là cơ quan bảo vệ lợi ích cho tác giả thì chúng tôi phải đi đòi tiền cho họ. Như tôi đã nói, đây không chỉ vì lợi ích của nhạc sĩ mà còn vì lợi ích của đất nước. Luật pháp phải trả lại lợi ích hợp pháp cho người sáng tạo giúp họ phấn chấn tái tạo sản phẩm, góp phần cho xã hội phát triển.

- Ông quyết liệt dấn thân cho công việc bản quyền đến thế, nghe nói giờ ông định "tái xuất" với âm nhạc. Do ông đang trong tâm trạng mệt mỏi vì phải đương đầu với nhiều vụ phức tạp, hay công việc của VCPMC đã "ra nong ra né" rồi?

- Cái gì cũng có thời điểm của nó. Ban đầu khi tôi làm bản quyền có người nhắc tại sao lại bỏ sáng tác, khi nó hoạt động có hiệu quả thì lại cho rằng, phải có người hy sinh vì nó. Bây giờ sau hơn 10 năm hoạt động có hiệu quả, người ta lại nhắc tôi phải trở về với sáng tác.

Thực ra công việc sáng tác là số mệnh của tôi rồi. Gần 50 năm tôi đã gắn cuộc đời với âm nhạc. Hơn 10 năm qua tôi tự thấy trách nhiệm của mình phải gánh vác công việc bản quyền, đến bây giờ thì phải truyền cho người kế tiếp để trở về với bản mệnh của mình, thiên chức của mình. Với tôi, trở về với sáng tác cũng không dễ dàng gì. Trước kia khi tập trung hoàn toàn cho sáng tác tôi đã thấy mình vất vả hơn người khác, huống hồ tôi đã để trống hơn 10 năm. Bây giờ một lớp tác giả trẻ lên, một thị trường mới đang phát triển, mình trở lại liệu có thể đồng hành với khán giả và đồng nghiệp giai đoạn này không? Đó là một thách thức cũng chẳng kém gay go như khi tôi lao vào trận địa quyền tác giả.

- Vậy ông có hy vọng vào sự trở lại của mình không?

- Tôi đã có một tiền lệ na ná thế này. Có một khoảng thời gian tôi tận tụy với giới sân khấu, làm nhạc cho rất nhiều vở kịch. Trong suốt những năm ấy, tôi hầu như không viết ca khúc. Có lần cùng nhau tâm sự, nhạc sĩ Nguyễn Cường khi đó đã thành công tưng bừng với những ca khúc về Tây Nguyên bảo, chúng mình có cống hiến được gì thì đã cống hiến hết rồi. Tôi nói rằng, tôi sẽ quay về sáng tác ca khúc. Rất vui, lần "trở về" đó tôi ra hàng loạt tác phẩm và nó đứng được trong lòng công chúng. Đó là năm 1997, trong một năm tôi có được Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Không thể có thể, Về quê. Hai năm sau lại có Mái chèo thiên thu, Dòng sông ký ức. Tất nhiên mỗi lần thử thách khác nhau, lần này có vẻ khó khăn hơn vì trạng thái tinh thần, sức khỏe khác trước, nhưng vẫn hy vọng vì tôi còn khỏe, và vô cùng hăng hái.

- Xin cảm ơn ông và chúc ông tiếp tục "trở về" thành công.

Giọng hát Mỹ Linh từng một thời gắn liền với các ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: ĐỨC ANH

LAN HƯƠNG (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/tro-chuyen-cuoi-tuan/item/20792702-toi-thich-niem-vui-tu-su-dan-than.html