Tôi thấy tít sai trên các báo

Nhiều người làm báo điện tử thường chú trọng việc đặt nhan đề (tít), coi đó là yếu tố quyết định thành công của tác phẩm; dẫu vậy, lại có nhiều bài báo sai ngay từ cái tít.

Trong vai trò bạn đọc thì nhan đề bài báo giúp tôi nhận diện được chủ đề để lựa chọn thông tin. Đương nhiên, tôi sẽ không vui khi gặp một bài báo có tít mắc lỗi chính tả. Mặc dù đây chỉ là những sai sót thông thường, nhưng người đọc báo vẫn cảm thấy bị thiếu tôn trọng, vì rằng nhan đề chỉ vỏn vẹn mấy con chữ và nội dung cũng đã qua khâu biên tập.

Sự cẩu thả trong xuất bản đã phần nào làm giảm sút lòng tin của bạn đọc vào các bài viết ấy. Và, nếu lỗi “ngớ ngẩn” lặp lại nhiều lần thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.

Ngoài những lỗi khách quan thường gặp, điều đáng nói còn có kiểu sai cố tình “giật tít”... cho kêu. Như trên một trang báo nọ, suốt thời gian dài cứ thấy tồn tại dòng tít “Dân Hà Thành đổ xô đi chữa bệnh trĩ...” nghe rất chướng tai. Tôi không phải cư dân sinh sống ở Thủ đô ngàn năm văn hiến, song vẫn cảm thấy bức xúc trước sự đặt điều thái quá bởi động từ “đổ xô” thiếu cân nhắc.

Thẳng thắn nhận định, hiện tượng “giật tít” thiếu trung thực hoặc đặt nhan đề lấp lửng vòng vo thường chỉ xảy ra ở một số các báo không nhiều người truy cập. Còn đa phần những báo đã ổn định “thương hiệu” thì vẫn luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Mới đây, khi chương trình Giọng hát Việt nhí 2016 trên truyền hình vừa kết thúc, lập tức có bài báo với nhan đề “Báo Nga khen ngợi thiên thần Malina”. Cũng cần nói rõ, Malina là bé gái người Nga tham gia tranh tài trong đêm Chung kết 2016 (thí sinh do khán giả yêu thích bình chọn). Nhiều người tò mò muốn biết giới truyền thông Nga khen “thiên thần” của đất nước mình như thế nào nên đã bấm vào xem. Thế nhưng, đọc đi đọc lại đến “nát nhừ” bài báo vẫn không tìm ra được bất cứ câu chữ nào có liên quan đến nhan đề.

Lỗi sai "vô tình" trong một bài viết về... giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ảnh chụp màn hình: Lê Nguyễn.

Lỗi sai "vô tình" trong một bài viết về... giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ảnh chụp màn hình: Lê Nguyễn.

Sau Hội thảo Khoa học với chủ đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền tin đại chúng” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 05/11 vừa qua, dư luận xã hội mấy ngày này đang rất quan tâm đến việc “gạn đục khơi trong” lại tiếng Việt, nhằm từng bước đi đến sự chuẩn hóa, xây dựng bộ Luật ngôn ngữ tiếng Việt để quản lý và có cơ sở xử phạt các trường hợp nói sai, viết sai.

Không thể phủ nhận, theo dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, tiếng Việt hiện nay đã có nhiều biến đổi tích cực lẫn tiêu cực. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm không của riêng ai. Chẳng nói sâu xa, với tinh thần tự tôn ngôn ngữ thì viết đúng chính tả cũng đã góp phần vào công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Lê Nguyễn

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-toi-thay-tit-sai-tren-cac-bao-a305957.html