Tội phạm trẻ ngày càng thủ đoạn

TP - PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, tội phạm trẻ ngày càng ngông cuồng, gây án rất lạnh lùng. Xác lập lại niềm tin cho giới trẻ là việc cần làm ngay… Rời khỏi ngôi nhà của mình những thanh niên thiếu kỹ năng sống rất dễ đánh mất mình. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Rời khỏi ngôi nhà của mình những thanh niên thiếu kỹ năng sống rất dễ đánh mất mình. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Mầm tội ác ở nơi an toàn nhất!

PGS. TS nhận định thế nào về người trẻ vi phạm pháp luật hiện nay?

Tội phạm ngày càng trẻ hóa, thủ đoạn phạm tội ghê rợn, tinh vi, phạm vi phạm tội rộng hơn.Vấn đề phạm tội trong giới trẻ đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc theo nhiều cách và không thể thiếu sự quan tâm trên bình diện nghiên cứu và truyền thông hệ thống.

PGS-TS có thể chỉ ra nguyên nhân chung của người trẻ phạm tội?

Điểm mấu chốt đó là tính ngông cuồng của tuổi trẻ, bên cạnh hành động nông nổi, chưa kể trong số đó còn có kế hoạch tinh vi… Xã hội hiện đại với những thay đổi về giá trị sống, bạo lực gia tăng khiến một bộ phận bạn trẻ không định hình được về lòng nhân ái. Khi bố mẹ không dành nhiều thời gian cho con, sự tương tác tích cực giữa cha mẹ và con cái không diễn ra, bạo lực có thể xuất hiện và tồn tại ngay trong chính gia đình.

Ông đã từng tư vấn cho những bạn trẻ mắc sai lầm hoặc gây án bao giờ chưa?

“Hãy thực sự nhìn nhận rằng gia đình phải hết sức nghiêm túc nhìn lại chức năng giáo dục chứ không phải chỉ giáo dưỡng (theo nghĩa đen của nó)”.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn

Tôi đã từng gặp một câu chuyện. Chỉ vì sự cãi vã nhau trong gia đình nên người em đã trở thành kẻ thủ ác khi đâm trọng thương người anh. Người em thì yêu thích nhạc sàn và muốn biến phòng riêng thành sàn nhảy. Trong khi người anh ở phòng kế bên cần sự yên tĩnh để giải quyết đồ án. Rất may án mạng chưa xảy ra nhưng vết thương khá nặng. Người em lao ra khỏi nhà và gọi điện nhờ sự hỗ trợ tâm lý. Bên cạnh việc hướng dẫn người thân đưa người anh vào bệnh viện, tôi đã gỡ tâm lý và đề nghị người em ra cơ quan công an đầu thú.

Người em đã bình tĩnh trở lại và nhận ra chỉ vì chút nóng giận, một chút nông nổi, thiếu kiểm soát bản thân, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn… đã gây sứt mẻ tình cảm và suýt nữa cướp đi mạng sống anh mình.

Xác lập niềm tin

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn.

Có nhiều người tin rằng dùng bạo lực có thể giải quyết được vấn đề nên mới xảy ra những chuyện đau lòng?

Không thể phủ nhận có một số cá nhân mất niềm tin vào giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng, một vài cá nhân không thực sự tin tưởng vào giá trị nhân văn và các cách ứng xử văn hóa, chưa thực sự đặt niềm tin cao độ vào sự công minh của pháp luật do phần nào có suy nghĩ tiêu cực.

Để giải quyết điều này, sự xác lập lại niềm tin là vô cùng quan trọng. Căn cơ của vấn đề tôi vẫn cho rằng cần bắt đầu từ gia đình. Hãy thực sự nhìn nhận rằng gia đình phải hết sức nghiêm túc nhìn lại chức năng giáo dục chứ không phải chỉ giáo dưỡng (theo nghĩa đen của nó). Dành thời gian thích đáng cho con, định hình nhân cách từ sớm, giáo dục hành vi mang tính chuẩn mực, định hướng cung cách ứng xử…

Bên cạnh đó, cần trang bị cho con cái những giá trị sống, những kỹ năng sống có liên quan như: quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề…; định hướng cung cách ứng xử hiện đại mang đậm giá trị nhân văn là quyết sách rất có chiến lược nhằm ngăn chặn và giải quyết phần nào vấn đề đã nêu.

Cảm ơn PGS-TS!

Những câu chuyện tại đường dây tư vấn gần gũi, đời thường nhưng là mầm mống của tội ác, nếu chúng ta không nhận ra và bài trừ nó. Hãy cùng trải nghiệm với những mẩu chuyện từ đường dây tư vấn 18001567 của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) để nhận diện “Tội ác đến từ đâu?”.

Hải Yến
thực hiện

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/623013/toi-pham-tre-ngay-cang-thu-doan-tpp.html