Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em còn tiềm ẩn lớn

(VnMedia) - Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004-2009) và phương hướng đẩy mạnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, buôn bán người là một loại hình tội phạm hết sức nguy hiểm trong xã hội; công tác phòng, chống loại tội phạm này là nhiệm vụ quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên và liên tục với những giải pháp quyết liệt và triệt để.

Theo báo cáo tổng kết, trong năm năm qua, cả nước phát hiện 1.586 vụ, bắt 2.888 đối tượng, lừa bán 4.008 phụ nữ, trẻ em (tăng 1.090 vụ, 2.117 đối tượng và 2.935 nạn nhân so với năm năm trước và khoảng 22.000 PNTE bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do, nghi bị buôn bán). Trong đó có 60% tổng số vụ mua bán sang Trung Quốc, 11% sang Camphuchia, số còn lại sang Lào qua tuyến hàng không, tuyến biển để bán ra một số nước khác. Địa phương xảy ra tình trạng trên nhiều nhất là Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Lai Châu, Bắc Giang… Các lực lượng chức năng đã giải cứu hơn 1.000 nạn nhân từ các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em; tiếp nhận gần 3.000 nạn nhân bị buôn bán trở về. Trong số các nạn nhân trở về có 80% được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý và cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ, 30% nhận được kinh phí hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ học nghề từ nguồn ngân sách Nhà nước. Mức độ tiềm ẩn tội phạm còn rất lớn Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá, công tác phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đã được nâng lên một bước; nhiều đường dây, tổ chức tội phạm buôn bán người đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh trước pháp luật…Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn bán người vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức, quy mô mới phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây tổn hại thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, hoạt động tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em nhìn chung vẫn diễn phức tạp, tính chất quy mô và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Mức độ tiềm ẩn tội phạm còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Mặt khác, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, do thiếu việc làm và có một bộ phận trẻ em thất học nên nhiều người đã bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt… Nhiều đối tượng người nước ngoài, lợi dụng chính sách đối ngoại mở cửa và hội nhập vào nước ta núp dưới danh nghĩa ký kết, làm ăn kinh tế, tham quan, du lịch…cấu kết với một số cò mồi, môi giới trong nước hình thành đường dây buôn người xuyên quốc gia. Điển hình là tình trạng nạn lấy chồng ngoại, trong đó nhiều cô gái bị lừa kết hôn với người nước ngoài. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2007 đến nay phát hiện và xử lý 38 vụ tổ chức môi giới hôn nhân trái pháp luật cho người Đài Loan, Hàn Quốc chọn 1.772 phụ nữ Việt Nam làm vợ. Ngoài ra, lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, có đối tượng thu mua trẻ sơ sinh của những phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội còn chưa được thực hiện quyết liệt, công tác quản lý nhà nước về công tác này còn bất cập khiến bọn tội phạm lợi dụng để hoạt động. Ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, các cấp ủy, Bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội quan trọng và cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ loại tội phạm này. Xây dựng và hoàn thiện sớm hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán người một cách thống nhất và đồng bộ, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Phòng chống buôn bán người để sớm trình Quốc hội phê duyệt. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, làm cho người dân, nhất là các đối tượng phụ nữ hiểu được các âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người để phòng ngừa, tránh tình trạng bị rủ rê, lôi kéo và trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người. Khi đã phát hiện các đối tượng, đường dây buôn bán người cần chủ động triệt phá; xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm nâng cao tính răn đe các đối tượng khác. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các Bộ, ngành hữu quan triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán sớm tái hòa nhập cộng đồng; ổn định cuộc sống; tránh tâm lý mặc cảm… Trong 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Chương trình 130/CP), Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 563 vụ với 1.116 bị can về tội buôn bán phụ nữ và 179 vụ với 338 bị can về tội mua bán trẻ em. Tòa án nhân dân các cấp đã tiến hành xét xử 748 vụ, với 1.367 bị cáo và áp dụng các hình phạt: 2 bị cáo tù chung thân, 21 bị cáo từ 20-30 năm tù, 102 bị cáo từ 15-20 năm tù, 411 bị cáo từ 7-15 năm tù… K.T

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=22&newsid=177687