Tối nay, phục sinh múa cổ Thăng Long

Sau gần 1/4 thế kỷ, với am hiểu và tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, 30 điệu múa cổ Thăng Long đã được phục hồi. 9 điệu tiêu biểu cho chất múa Thăng Long: “rộng rãi, phóng khoáng” sẽ được trình diễn tại Vườn hoa Lý Thái Tổ vào tối nay, 4/10.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội Đề án “Sưu tầm và Phục hồi múa cổ Thăng Long” bắt nguồn từ công trình nghiên cứu “Kế thừa, phát triển nghệ thuật múa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” cấp thành phố do NSND Lê Ngọc Canh làm chủ nhiệm đề tài. Công trình được thực hiện từ năm 1986, nghiệm thu năm 1988. Những nghiên cứu này giải quyết vấn đề lý thuyết, thông qua sách báo, thư tịch cổ... đã xác định được 54 điệu múa cổ của Thăng Long xưa. Có những điệu múa đã hoàn toàn... chết Tuy nhiên, chưa hài lòng với những lý thuyết này, NSND Lê Ngọc Canh vẫn trăn trở với ý tưởng phục hồi những điệu múa cổ mà chính ông đã từng được xem trong quá khứ, từ trước ngày Giải phóng Thủ đô. Năm 2005, ý tưởng này của ông được thông qua Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, đề xuất với Thành phố và rất may mắn được chấp nhận. Múa Bài Bông Đề án “hiện thực hóa” múa cổ đặt ra rất nhiều vấn đề. Trước hết là sưu tầm, phục hồi múa cổ Thăng Long. Đó là những điệu múa còn, mất trong dân chúng, nhiều điệu đã... rơi rụng theo những người thiên cổ, hoặc thực tế chỉ còn là ghi chép trong sử sách mà thôi. Bên cạnh những điệu múa đã có, nhiệm vụ quan trọng được xác định là làm “sống lại” những điệu múa cổ đã mai một. Múa Bài Bông (làng Phú Nhiêu - huyện Phú Xuyên) là một trong những điệu múa cổ tiêu biểu đã “sống lại” nhờ đề án này. Nghệ nhân Nguyễn Thị Ga, người vừa mất cách nay khoảng hơn một tuần, tham gia đội múa Bài Bông từ năm 10 tuổi. Cách đây 2 - 3 năm, lúc đã gần 100 tuổi, cụ vẫn cố gắng truyền dạy điệu múa này cho con cháu. Hiện nay, xã Phú Nhiêu đã có bốn đội múa Bài Bông của bốn thế hệ... Một số điệu múa cổ Thăng Long cũng được khơi dậy, như: Múa Gậy (Chử Xá - Gia Lâm), múa Giảo Long (làng Lệ Mật), múa Trống Bồng - Con đĩ đánh bồng (Triều Khúc), hay múa Trống Bồng (Nhật Tân), múa Lễ Chữ (xếp chữ “Thiên Hạ Thái Bình”)... Cũng trong đề án này, có những điệu múa tâm linh của nhà Phật cũng lần đầu tiên được đưa ra với công chúng: Múa Lục Cúng, múa Giải Oan Thích Kết. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, không phải là không có những “nuối tiếc” vì có những điệu múa đã hoàn toàn... chết. Theo trí nhớ của NSND Lê Ngọc Canh, khoảng trước ngày Giải phóng Thủ đô, ông đã được xem múa Đèn rất độc đáo ở làng Đồng Nhân (Quận Hai Bà Trưng hiện nay). Nay đi tìm hiểu, ông không tìm được ai còn nhớ hay mảy may biết về điệu múa này. Múa Chén ở làng Mọc (Quận Thanh Xuân) cũng chỉ còn trong sử sách mà thôi. Địa bàn Hà Tây cũ - một vùng văn hóa cổ đậm đặc - cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ.... Múa cổ sẽ “sống” thế nào? Qua các công trình nghiên cứu kéo dài gần 1/4 thế kỷ của các nghệ sĩ, có thể khẳng định rằng, Hà Nội có múa cổ, gồm: Múa dân gian, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa cung đình. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vốn là đất kinh kỳ, nhưng chốn này được hình thành trên nền tảng nông thôn đồng bằng sông Hồng nên múa cổ Thăng Long còn là múa dân gian của người nông dân sống ở dải đất này. Riêng về múa cung đình, ngoài điệu múa Bài Bông, hầu hết chỉ còn trong sử sách, vì theo lý giải, có thể múa cung đình của Thăng Long xưa đã bị “lẫn” với múa cung đình Huế của triều Nguyễn sau này. Tuy nhiên, múa cổ Thăng Long sẽ “sống” thế nào trong đời sống hiện đại? Trả lời câu hỏi này, NSND Lê Ngọc Canh cho rằng, múa cổ gắn với lễ hội. Văn hóa làng còn, lễ hội còn, thì múa cổ sẽ trường tồn. 9 điệu múa cổ sẽ được thể hiện trên sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ tối 4/10: múa Trống Hội, múa Trống Bồng (Triều Khúc), Tổ khúc múa Giảo Long, Tổ khúc múa Phù Đổng, múa Bài Bông, múa Lục Cúng, múa Giải Oan Thích Kết, múa Lễ Chữ, múa Chạy Cờ. Song cũng để “chăm lo” đời sống cho múa cổ Thăng Long, đề án Sưu tầm và Phục hồi múa cổ còn mong muốn “hiện đại hóa” múa cổ bằng những sáng tác chuyên nghiệp dựa trên chất liệu múa cổ. Ý tưởng xây dựng từ điển múa cổ hiện nay cũng nhận được sự ủng hộ của Sở KH-CN. Việc thực hiện những bộ phim ghi lại 30 điệu múa cổ đã phục hồi cũng đang được thực hiện... Lo lắng lớn nhất hiện nay vẫn là kinh phí. Trong suốt 5 năm trời tham gia dự án, các nghệ sĩ già, tuổi từ U70 - U90, hầu như làm bằng... tâm huyết và lòng say mê là chính! Theo lời NSND Lê Ngọc Canh, kinh phí đầu tư cho các Liên hoan múa cổ diễn ra từ năm 2008 - 2010 (vào các dịp Tết âm lịch) là rất ít. Nghệ nhân tham gia biểu diễn có khi chỉ nhận bồi dưỡng 10.000 đồng/người. Những nghệ sĩ tham gia đề án hầu như chỉ được hỗ trợ tiền đi lại. Kinh phí đầu tư cho Liên hoan Múa cổ Thăng Long diễn ra tối 4/10 này nghe đâu lên tới gần 2 tỷ đồng. Nhưng được đầu tư lớn vì tiết mục múa chuyên nghiệp đầu và kết thúc chương trình đã “đội” kinh phí lên, chứ nếu chỉ có múa cổ, chưa chắc đã được quan tâm đầu tư lớn đến vậy... Thu Hằng

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20101004093120683t0/toi-nay-phuc-sinh-mua-co-thang-long.htm