'Tôi mong có ngày bên vợ trong buồng hạnh phúc ở trại giam'

Liên quan đến dự thảo thông tư về việc nữ phạm nhân được gặp chồng ở phòng riêng, nhiều người cho rằng quy định này mang ý nghĩa tích cực và mong muốn áp dụng tại nhiều trại giam.

Thông tin Bộ Công an đã công bố dự thảo thông tư quy định về việc nữ phạm nhân được gặp chồng trong phòng riêng 24 giờ nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai và cam kết không mang thai thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Nhiều ý kiến ủng hộ quy định này vì cho rằng đây là việc làm nhân đạo và mong muốn được áp dụng cho tất cả trại giam trong cả nước.

Quy định mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Ủng hộ quy định về việc cho phép nữ phạm nhân được gặp chồng trong "căn buồng hạnh phúc", bạn đọc Nguyễn Bảo khẳng định đây là mô hình tốt. Bởi nó giúp phạm nhân tâm lý ổn định hơn, tập trung cải tạo với mong muốn về đoàn tụ cùng gia đình. Điều này cũng làm giảm sự vất vả của các giám thị.

Cùng quan điểm, thành viên Quang Nguyên bình luận: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm này. Tôi nghĩ rằng các phạm nhân không phải ai cũng xấu, đôi khi họ chỉ vô tình phạm tội vì hành động bảo vệ bản thân".

Độc giả này mong muốn mô hình "căn buồng hạnh phúc" cho các phạm nhân phổ biến và áp dụng cho tất cả trại giam trong cả nước. Anh cho rằng, việc làm này sẽ thúc đẩy tinh thần tự giác chấp hành các quy định trại giam của các phạm nhân với hy vọng sẽ được ân xá trước hạn.

Nữ phạm nhân khi gặp chồng tại phòng riêng thì phải thực hiện các biện pháp tránh thai và ký giấy cam kết không mang thai. Ảnh: Viết Thịnh/Pháp Luật TP.HCM.

Nữ phạm nhân khi gặp chồng tại phòng riêng thì phải thực hiện các biện pháp tránh thai và ký giấy cam kết không mang thai. Ảnh: Viết Thịnh/Pháp Luật TP.HCM.

Thực tế, mô hình "căn buồng hạnh phúc" đã áp dụng cho trại giam Phú Sơn 4, trại Ngọc Lý (Bộ Công an) khoảng đầu năm 2015. Đây là nơi các phạm nhân được gần vợ, gần chồng để chia sẻ, động viên cải tạo tốt. Dù căn buồng chỉ đủ kê chiếc giường nhỏ, bộ bàn ghế nhưng được nhiều người đánh giá "rất ấm áp".

Theo phản ánh của nhiều người, hiệu quả của mô hình này được chứng minh bởi những phạm nhân cải tạo tốt và được đặc xá ra trước hạn. Trước đó, trung tá Phạm Thanh Thủy, cán bộ phân trại số 1 (trại giam Phú Sơn 4) cũng cho biết, nhiều năm quản lý căn buồng hạnh phúc này, ông từng chứng kiến niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng được gặp nhau và sau đó là những hiệu quả cải tạo rõ rệt.

Nhiều độc giả cho rằng những căn buồng nhỏ, hạnh phúc này sẽ khiến các phạm nhân nhớ lại căn phòng nhỏ bé của 2 vợ chồng. "Đây là nguồn động lực rất lớn giúp các nữ phạm nhân cố gắng vượt qua mọi khó khăn để trở về bên gia đình trong thời gian sớm nhất", bạn đọc Huy Nam đồng tình.

Song bên cạnh đó, nhiều bình luận cũng đưa ra cảnh giác với những trường hợp sử dụng bao cao su kém chất lượng sẽ khiến nữ phạm nhân mang thai ngoài ý muốn.

"Nếu sử dụng các sản phẩm tránh thai không đảm bảo chất lượng, các nữ phạm nhân vẫn có thai là bình thường. Các trường hợp này luật pháp xử lý đúng theo quy định thì không công bằng", độc giả Tùng Lê nhận định.

'Mong ngóng ngày đến gặp vợ'

Trước thông tin Dự thảo thông tư của Bộ Công an, nhiều người chồng bày tỏ mong muốn được gặp lại vợ sau nhiều ngày xa cách và hy vọng quy định này sớm được áp dụng cho tất cả trại giam trong cả nước.

Không gian bên trong căn phòng hạnh phúc ở trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an). Ảnh: Hoàng Hà.

Mong ngóng tới ngày gặp vợ, độc giả Cường Nguyễn tâm sự: "Nhiều khi, tôi chỉ mong có một ngày trọn vẹn bên vợ để tâm sự với nhau cũng không có. Nghe tin này, tôi chờ đợi ngày vợ chồng được thoải mái cùng nhau trong căn phòng nhỏ".

Không riêng Cường Nguyễn, độc giả Thành Chu cũng hy vọng được gặp lại, san sẻ những niềm vui, nỗi buồn với một nửa của mình. "Hàng ngày nhìn những đứa con mà chảy nước mắt. Tôi thương chúng thiếu thốn tình cảm của người mẹ. Chẳng những vậy, nhiều khi gặp tai ương, vất vả của cuộc sống cũng chỉ ước được ôm vợ vào lòng, thỏa những ngày xa cách", anh viết.

Bên cạnh đó, không ít người bày tỏ niềm hy vọng quy định cho phép nữ phạm nhân được gặp thân nhân trong phòng riêng không quá 24 giờ sẽ nhanh chóng được áp dụng. Bởi từ lâu, họ chưa có một ngày trọn vẹn dành cho nhau.

Nhiều độc giả trần tình về nỗi đau khi mỗi lần thăm vợ, chỉ được cán bộ trại giam tạo điều kiện cho một khoảng thời gian nhất định. Vợ chồng gặp nhau vui mừng nhưng cũng không được bao lâu, chưa kịp tâm sự, kể chuyện với nhau.

"Đây là việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn của Bộ Công an, giúp nhiều gia đình hạnh phúc một ngày trọn vẹn. Hơn nữa, những đứa con nhỏ trong nhà cũng cảm nhận được tình cảm ấm áp của người mẹ, sự chở che của gia đình", độc giả Anh Duy chia sẻ.

Theo dự thảo thông tư quy định của Bộ Công an về việc cho phép nữ phạm nhân được gặp chồng trong phòng riêng 24 giờ nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai và cam kết không mang thai.

Theo dự thảo, phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Để được thăm gặp, thân nhân là vợ hoặc chồng phải có giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp.

Anh Thư

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/toi-mong-co-ngay-ben-vo-trong-buong-hanh-phuc-o-trai-giam-post693553.html