'Tôi không phải Phan Kim Liên' tại Kim Mã: Đơn giản 'tôi là Phùng Tiểu Cương'

Trước khi giành hàng loạt các giải thưởng, Tôi không phải Phan Kim Liên-được đạo diễn bởi Phùng Tiểu Cương, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lưu Chấn Vân - đã nhận được nhiều bình luận tích cực. Tuy nhiên, để thưởng thức hết phim, cần nhiều kiên nhẫn và cảniềm say mê với nghệ thuật.

Tại LHP Kim Mã vừa qua, phim Tôi không phải Phan Kim Liên đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Khán giả bình chọn.

Khi sức mạnh phụ nữ bùng lên

Mở đầu bộ phim, qua hàng loạt những bức tranh trong khung hình tròn, như lời thủ thỉ trước giờ ngủ, người dẫn bắt đầu kể một câu chuyện Trung Quốc từ thế kỷ 17 về một phụ nữ có tên Phan Kim Liên, kẻ đã âm mưu cùng tình lang để giết chồng.

Tựa đề tiếng Anh của phim là I Am Not Madame Bovary bởi cũng giống như bà Bovary nổi tiếng của Gustave Flaubert, Phan Kim Liên bị bêu xấu vì ngoại tình trăng hoa. Nhưng, cũng như tựa đề đã nêu rõ, phim không phải là về thói “tình tang” vụng trộm, mà như một tiếng kêu cứu yếu ớt, đòi trả lại sự minh bạch.

Đạo diễn “nghệ thuật vị nghệ thuật” Phùng Tiểu Cương với tượng Kim Mã cho Đạo diễn xuất sắc nhất

Đó là câu chuyện về nỗ lực không mệt mỏi của một phụ nữ chịu phận “con kiến mày kiện củ khoai”, tố cáo bản chất quan liêu của hệ thống chính quyền. Đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã giảm nhẹ yếu tố chính trị này bằng tiết tấu hài hước trong phim.

Cảnh đầu tiên hiện ra Lý Tuyết Liên, một nông dân quê mùa, tới thăm họ hàng –người có hiểu biết về vấn đề pháp lý – để nhờ giải đáp những khúc mắc trong chuyện ly hôn.

Tuy nhiên, câu chuyện quá phức tạp khiến ngay cả người họ hàng cũng bối rối: Tuyết Liên và chồng cùng âm mưu ly hôn giả để đủ điều kiện có được căn hộ mà cả hai mong chờ. Kế hoạch là họ sẽ đoàn tụ khi Tuyết Liên có thai và sẽ cùng sống trong căn hộ mơ ước. Khốn khổ thay, người chồng lại phản bội, đem lòng yêu người khác, đưa vợ mới về căn hộ đó, bỏ Tuyết Liên lạnh lẽo ở ngoài.

Người họ hàng khuyên cô đệ đơn lên tòa án địa phương. Cô đã làm. Nhưng không kết quả. Ngược lại, cô còn bị chồng bêu rếu là một Phan Kim Liên.

Nỗi đau không đánh gục người phụ nữ nhỏ bé này: Cô bắt đầu hành trình kiện tụng kéo dài hàng thập kỷ. Cô chặn xe cán bộ, cầm đơn ngồi trước văn phòng của họ, xuất hiện tại các hội nghị họ tham dự ở Bắc Kinh, chuẩn như một chiếc đồng hồ.

Tôi không phải là Phan Kim Liên dài gần hai tiếng rưỡi, cần rất nhiều kiên nhẫn của khán giả để đi hết câu chuyện kiện tụng lặp đi lặp lại như vậy bởi Tuyết Liên dường như chỉ quan tâm tới kiện tụng, đòi lại tên tuổi của mình, bỏ mặc cả tình cảm của mối tình thời thơ ấu đã chờ cô từ lâu.

Ngược lại với Tuyết Liên kiên cường này là cả một hệ thống quan liêu trì trệ, rối như tơ vò, khác nào trong Vụ án của Kafka. Chính nhờ thế, càng nổi bật lên sức mạnh tiềm ẩn của người phụ nữ, người chẳng đòi danh vọng gì mà chỉ như “Ai cho tôi trong trắng?”.

Khung hình tròn như một bức tranh thêu tay trong “Tôi không phải là Phan Kim Liên”

Không khoan nhượng khi làm phim nghệ thuật

Đạo diễn Phùng Tiểu Cương cũng phần nào “cứng đầu” như nữ chính của mình. Phần lớn chiều dài phim, cụ thể là các phần quay ở nông thôn, hiện lên trong khung hình tròn, tạo ấn tượng như khán giả đang xem qua một chiếc kính viễn vọng, hoặc nặng nề hơn, qua một nòng súng trường.

Khi Tuyết Liên lên Bắc Kinh, đột ngột khung hình tròn hóa thành vuông vức hoàn hảo, đại diện cho thế giới rộng lớn mà cô bước vào. Phải tới khoảng 10 phút cuối, tầm nhìn mới giãn rộng ra hết khung màn ảnh rộng nhưng tới lúc này, khán giả đã phải “chịu dựng” khá nhiều.

Khung tròn khiến hình ảnh bị giới hạn, gây bức bối y như tâm trạng Tuyết Liên. Thế nhưng, đạo diễn Phùng Tiểu Cương sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ đúng ý đồ nghệ thuật của mình.

Tác giả tiểu thuyết gốc Lưu Chấn Vân, diễn viên gạo cội Trương Quốc Lập và Vương Trung Lỗi, cũng như chủ hãng phim Hoa nghị Huynh đệ đều phản đối ý tưởng này. Phùng Tiểu Cương đáp lại ông sẽ vẫn làm phim, dù không có đầu tư hay khán giả không chấp nhận đi chăng nữa. Điều duy nhất ông lo ngại, đó là sợ mình sẽ phải hối tiếc vì không theo đuổi tới cùng.

Việc chọn “Võ Tắc Thiên” Phạm Băng Băng vào vai một phụ nữ ngờ nghệch xấu xí cũng hoàn toàn bị chê trách. Nhưng như đã nói, Phùng Tiểu Cương bất chấp tất cả. Bù lại, những nỗ lực hết mình đã được đền đáp xứng đáng.

Khác với dự đoán của tất cả mọi người, phim “thắng đậm” tại phòng vé, dù có tin đồn nó bị hệ thống rạp Wanda tẩy chay.

Khung hình bị bó hẹp lại càng thể hiện rõ tài năng của đoàn làm phim, khi Tôi không phải là Phan Kim Liên vừa có nét cổ xưa, vừa thể hiện được sự bức bối của nhân vật, lại vẫn thu trọn nét đẹp nên thơ của quê hương đất nước. Đó là bức tranh mà xanh, xám và hồng mờ ở nông thôn, là vàng, trắng và đỏ tại Bắc Kinh.

Kết quả giải Kim Mã lần thứ 53

Phim xuất sắc nhất: The Summer Is Gone

Phim tài liệu xuất sắc nhất: Le Moulin

Phim hoạt hình xuất sắc nhất: Không có phim nào được trao giải

Phim ngắn chuyển thể từ truyện tranh xuất sắc nhất: A Sunny Day

Phim ngắn hoạt hình xuất sắc nhất: Wander In The Dark

Đạo diễn xuất sắc nhất: Phùng Tiểu Cương, I Am Not Madame Bovary

Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Hoàng Vỹ, Mr. No Problem

Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Mã Tư Thuần và Châu Đông Vũ, Soul Mate

Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Lâm Bá Hoành, At Café 6

Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Kim Yến Linh, Mad World

Đạo diễn triển vọng: Hoàng Chân, Mad World

Diễn viên triển vọng: Khổng Duy Nhất, The Summer Is Gone

Kịch bản gốc xuất sắc nhất: Loong Man Hong, Thomas Ng, Mak Tin-shu, Trivisa

Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: Mei Feng và Huang Shi, Mr. No Problem

Quay phim xuất sắc nhất: Mark Lee Ping-bing, Crosscurrent

Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất: Douglas Hans Smith, Sam Wang, Sam Khorshid, Strilen Liu, Mojin – The Lost Legend

Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất: Chao Shih Hao, Godspeed

Trang điểm và thiết kế trang phục đẹp nhất: Stanley Cheung, Detective Chinatown

Chỉ đạo hình thể xuất sắc nhất: Wu Gang, Detective Chinatown

Nhạc phim hay nhất: Lim Giong, City of Jade

Ca khúc nhạc phim gốc hay nhất: Arena Cahaya; sáng tác nhạc: Zee Avi, Rendra Zawaw; đặt lời: Zee Avi, Rendra Zawawi, thể hiện: Zee Avi

Biên tập xuất sắc nhất: Allen Leung Chin-lun, David Richardson, Trivisa

Hiệu ứng âm thanh tốt nhất: Fang Tao, Hao Zhiyu, Crosscurrent

Nhà làm phim Đài Loan của năm: Midi Z

Giải Khán giả bình chọn: I Am Not Madame Bovary

Giải thưởng FIPRESCI: The Summer Is Gone

Giải Thành tựu trọn đời: Chang Yung-hsiang

Thư Vĩ (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/toi-khong-phai-phan-kim-lien-tai-kim-ma-don-gian-toi-la-phung-tieu-cuong-n20161128071215643.htm