Tôi không biết ứng phó với thiên tai cho tới khi đến Philippines

Thảm họa Tacloban với cơn bão Haiyan vẫn là dấu mốc đáng nhớ trong tâm trí mọi người Philippines.

Tôi không biết ứng phó với thiên tai cho tới khi đến Philippines

Tôi đã được nghe tới giảm thiểu rủi ro thiên tai từ rất lâu, đặc biệt trong quãng thời gian làm báo. Tuy nhiên, lại rất ít có cơ hội được tham gia vào một hoạt động thực tiễn có ý nghĩa trong việc chuẩn bị đối phó với thiên tai.

Cũng có thể tại nơi tôi sống và làm việc nằm ở trong những vùng may mắn ít gặp phải những rủi ro lớn. Thế nhưng sự chuẩn bị mà tôi nhìn thấy ở Philippines khiến tôi suy nghĩ.

Từ bài học Tacloban

Thảm họa Tacloban với cơn bão Haiyan vẫn là dấu mốc đáng nhớ trong tâm trí mọi người Philippines. Với hơn 6.000 người chết và hàng chục ngàn nhà cửa thiệt hại, thiên tai vốn là nỗi lo sợ thường trực của người dân, lại càng trở nên đáng lo ngại.

Cũng vì thế, các trường học và công sở trên cả nước Philippines trở nên đặc biệt "nhạy cảm" với từ "typhoon" (siêu bão). Các trường học và công sở dễ dàng cho sinh viên và người lao động nghỉ học ở nhà tránh bão. Thậm chí, nhiều khi các lệnh nghỉ này trở nên một dạng "phóng đại" thông tin. Âu cũng là do những kinh nghiệm quá đau thương mà đất nước này đã phải gánh chịu.

Một điều đáng chú ý là các địa phương trên cả nước này đang rất tích cực trong việc thành lập các phòng ban giảm thiểu thiên tai ở cấp vùng, cấp tỉnh, và cấp thành phố (thị trấn). Nhờ đó, tuy chậm nhưng công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã được quan tâm hơn.

Tới sẵn sàng cho thiên tai

Khi mới tới ngôi trường đang học tập, tôi đã khá ngạc nhiên trước những khu vực "evacuation" (sơ tán) được bố trí ngay trong trường. Bình thường, đó là những thảm cỏ rộng, sinh viên có thể ra vui chơi, xung quanh đều có trồng cây cối. Mỗi khu vực evacuation như vậy rộng khoảng 1000 mét vuông. Nhưng khi cần thiết, đó trở thành các sân đỗ cho máy bay trực thăng đến để sơ tán người gặp nạn.

Trong trường có tất cả 6 khu vực như thế, được bố trí để từ bất kỳ tòa nhà chức năng nào, người đang học tập làm việc trong tòa nhà cũng có thể thoát ra một cách nhanh nhất ra khu vực cứu hộ để được sơ tán. Một ngàn mét vuông đất ở đô thị là quá lãng phí cho nhiệm vụ sơ tán thỉnh thoảng mới xảy ra nhưng họ vẫn làm.

Mùa này Manila đang là mùa mưa. Cỏ non và xanh. Cây cối rất tốt tươi. Các khoảng quảng trường này vừa có tác dụng tạo cảnh quan, nhưng trên hết nó là nơi sẽ cứu hàng trăm sinh mạng khi có sự cố thiên tai hoặc thậm chí là khủng bố xảy ra.

Thêm vào đó, đi khắp đất nước Philippines, các barangay (tương đương cấp phường xã ở nước ta) đều có một trung tâm sơ tán như vậy. Có lẽ do đất nước này nằm trong khu vực thiên tai xảy ra thường xuyên, không động đất thì lũ lụt hoặc bão tố. Tôi cũng đã từng đi thị sát sau cơn bão lớn Yolanda tới miền Trung ở Việt Nam (2013), chắc chắn sự thiếu hụt là có, thậm chí rất rõ ràng.

Trong cuộc diễn tập, chỉ 10 phút trước đó, mọi việc vẫn diễn ra bình thường.

Họ hướng dẫn sinh viên ngồi ở vị trí thấp, bảo vệ cơ thể trong vòng 45 giây

Diễn tập ứng phó với động đất

Mỗi năm, nhà trường sẽ tổ chức một hoặc hai cuộc ứng phó với động đất gọi là "Shake drill" (diễn tập trong hoàn cảnh bị rung lắc). Mỗi cuộc động đất được giả định là có 45 giây rung lắc và tiếp theo đó thảm họa sẽ xảy ra. Hệ thống báo động trong trường sử dụng các thiết bị hiện đại để vừa cảm nhận các rung lắc này là ra tín hiệu báo động.

Đây cũng chính là cách mà trường đại học này ứng phó với sự cố dọa bị đánh bom vào tháng 3 năm 2016.

Ngay sau khi nhận được lời đe dọa, giáo viên trong các lớp học và cán bộ trong các văn phòng đã có động tác đi lấy đồng phục, mặc lên người để dễ được nhận biết, song song với hướng dẫn các đoàn sinh viên và cán bộ đi tới các khu vực sơ tán khác nhau.

Sơ tán trong tình huống bị dọa đặt bom

Đoàn người bình tĩnh đến từng khu vực được chia ở sân sơ tán

Khoảng cách từ các tòa nhà (halls) ra tới khu vực sơ tán (evacuation) được đảm bảo trong vòng 5 phút đi bộ. Có nghĩa là trong vòng 5 phút, tất cả mọi người đều có cơ hội thoát ra ngoài và tập trung ở một khu vực mà ở đó họ được điểm danh (với ngườ làm việc trong tòa nhà và sinh viên trong các lớp đang học), được hướng dẫn phương án di tản, và đảm bảo giữ gìn trật tự.

Khu vực sơ tán

Sinh viên được sắp xếp đi ra 5 khu vực cổng khác nhau của trường để cha mẹ tới đón. Một bộ phận (đã được đảmm bảo an toàn) được phân công cập nhật thông tin trên mạng xã hội và hướng dẫn cha mẹ hoặc người nhà học viên đến đón các em ở cổng ứng với từng khối lớp.

Do vậy, mặc dù nằm trong tình trạng bị dọa đánh bom với 10.000 cán bộ và học viên trong trường nhưng không ai hoảng loạn và hỗn loạn đã không xảy ra.

Mới hôm qua thôi, nơi tôi đi thực địa ở tỉnh Bukinon, Mindanao vừa xảy ra một trận động đất nhẹ, chỉ đủ rung lắc nhà cửa. Do đã tham gia shake drill nên mặc dù đây là lần đầu tiên trong đời chứng kiến động đất, nhưng tôi cũng đủ bình tĩnh để ngồi thấp xuống rồi sau khi rung chấn ngừng lại, nhanh chóng rời khỏi ngồi nhà sàn mà chúng tôi đang trú chân, không có một sự hoảng loạn nào, tuy có hơi ngạc nhiên.

Sẵn sàng cho tình huống xấu

Đây chỉ là một ví dụ về diễn tập ứng phó với một loại thiên tai là động đất. Nó được diễn ra ở một trường đại học đã có hàng trăm năm lịch sử ở Philippines. Thêm vào đó, đây cũng là đơn vị có kinh nghiệm tổ chức hoạt động này qua hàng chục năm. Trong số hơn 100 triệu người Philippines, số người được tham gia vào các hoạt động ứng phó như thế chưa phải là nhiều.

Tuy nhiên, nó đã gợi cho tôi một sự so sánh không tránh khỏi. Là nếu thảm họa xảy ra, thì những gì mà tôi được thấy trên quê hương mình sẽ như thế nào.

Hẳn sẽ là một sự vô tổ chức. Vì như cá nhân tôi chưa một lần được trải nghiệm diễn tập trước những tình huống như thế này. Tôi không biết phải ngồi cúi thấp, tránh di chuyển trong 45 giây rung lắc, rồi sau đó phải di chuyển tránh xa các công trình xây dựng, các tòa nhà, và quan trọng là phải không hoảng loạn.

Tôi cũng không thấy ai sẽ mặc đồng phục để hướng tôi tới khu vực an toàn. Và trực thăng nào sẽ đến cứu chúng tôi đây?

Và hãy thử tra từ "náo loạn" hay "hoảng loạn" trên internet, chúng ta sẽ thấy biết bao nhiêu trường hợp người Việt Nam náo loạn vì cháy ở chỗ nọ chỗ kia. Hi vọng phần lớn chỗ náo loạn đó là do báo chí thích sử dụng các từ này.

Chúng ta lớn lên ở một đất nước có tới 3.000 km bờ biển, với hàng ngàn con sông lớn nhỏ, số hồ lớn thì lên tới hàng vạn. Thế nhưng câu chuyện về hai em sinh viên Đại học Ngoại thương tử nạn ở Quảng Ninh (tháng 7-/016) là trường hợp đau lòng gần đây nhất, nhưng không phải là duy nhất xảy ra.

Hơn 20 tuổi, đi tình nguyện về địa phương nhưng chính các em lại thiếu kỹ năng sinh tồn cơ bản, lại không được trang bị kiến thức đối phó với thiên tai. Mùa hè tình nguyện của các em lại trở thành nỗi đau của gia đình và bè bạn.

Mùa mưa bão nào cũng có những sự cố không lớn thì nhỏ xảy ra ở trên khắp cả nước ta. Tuy rằng ở nhiều nơi lịch sử thiên tai không quá khắc nghiệt. Nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa, khi thiên tai ngày một bất thường và lượng người tập trung ở một khu vực lớn ngày một đông, một sự chuẩn bị kỹ lưỡng vẫn thực sự là cần thiết.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/toi-khong-biet-ung-pho-voi-thien-tai-cho-toi-khi-philippines-20161014090204983.htm