Tôi đã quá chán ngán mỗi khi nghe thấy từ 'hoa hậu'

Đã đến lúc phải xem xét lại mục đích thực sự của các cuộc thi sắc đẹp. Đừng vì lợi ích hay nhu cầu của một nhóm người mà khiến công chứng bội thực vì hoa hậu hay các loại danh hiệu.

Con gái tôi năm nay 6 tuổi. Giống như những đứa trẻ đồng trang lứa, cháu cũng hay hỏi tôi nhiều câu cắc cớ, trong đó có một câu khiến tôi phải suy nghĩ mãi:

Hoa hậu có phải một nghề không hả mẹ?

 Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga - một trong những hoa hậu lùm xùm nhất thời gian gần đây. Ảnh: Internet.

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga - một trong những hoa hậu lùm xùm nhất thời gian gần đây. Ảnh: Internet.

Nếu là mười năm trở về trước, tôi sẽ không do dự mà phủ định nghi vấn của con gái tôi. Sau đó, sẽ nghiêm túc giảng giải cho con bé về giá trị, ý nghĩa của chiếc vương miện được trạm trổ tinh xảo trong các cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng thế giới; sẽ khẳng định rằng hoa hậu đại diện cho hình ảnh của một quốc gia, dân tộc; hoa hậu là "tinh hoa của tinh hoa" - cần trí tuệ có trí tuệ, cần nhan sắc có nhan sắc.

Nhưng giờ thì khác, tôi cố tình lờ đi câu hỏi của con gái như tất cả những lần "bí từ" trước đây.

Bởi chính tôi cũng không rõ hoa hậu liệu có phải một "nghề" - tức một "công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội" theo Từ điển Tiếng Việt hay không. Và bởi tôi đã quá chán ngán mỗi khi nghe thấy báo đài nhắc tới "hoa hậu".

Phạm Hương đã từng là niềm tự hào của nhan sắc Việt Nam khi mang chuông đi đánh xứ người. Ảnh: Internet.

Thời buổi bây giờ hoa hậu - bất kể chiến thắng ở đấu trường trong nước hay quốc tế - nhiều như lá mùa thu, nghĩa là vừa không đếm xuể vừa giống nhau như đúc. Dăm ba hôm lại xuất hiện tin tức về một người đẹp vô danh vừa đăng quang một cuộc thi có cái tên lạ hoắc và dài ngoằng. Cô hoa hậu ấy nếu không "đẹp xuất sắc" hoặc phát âm tiếng Anh như gió, tiếng có tiếng không thì sẽ nhanh chóng chìm nghỉm giữa rừng hoa... công nghiệp: Da bóng, mi dày, mắt đeo lens, răng trắng bóc. Tôi thấy hơi gai người khi nghĩ tới viễn cảnh công chúng phải phân biệt thí sinh này với thí sinh khác bằng... tên khai sinh.

Hoa hậu "ao làng" lợi dụng chiêu trò hoặc chi thật nhiều tiền để dấn thân showbiz đã đành, nhưng ngay đến một cô hoa hậu trưởng thành từ cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc gia cũng hết lần này tới lần khác giẫm lên sự bao dung của dư luận để bước sang vụ bê bối mới thì quả thực công chúng không còn biết tin vào chiếc vương miện nào nữa.

Kỳ Duyên - hoa hậu hứng nhiều thị phi nhất trong lịch sử Hoa hậu Việt Nam. Ảnh: Internet.

Thà rằng các cô cứ ngoan ngoãn làm đại sứ thương hiệu, tham gia event, làm MC rồi nhận một vai diễn nho nhỏ trong một bộ phim bom tấn, những người yêu cái đẹp sẽ chẳng bao giờ lên án các cô. Chỉ cần không một mực phủ nhận tiền các cô kiếm được đến từ lòng mến mộ và cả sự tò mò của khán giả; tự biết lượng sức mình trước khi lên đường đi thi quốc tế, đồng thời kiểm soát kỹ càng mọi bài phỏng vấn, chẳng ai dám tước đi chiếc vương miện xinh đẹp cài trên mái tóc bồng bềnh vào nếp chuẩn salon cả.

Nói vậy, nhưng nếu danh hiệu hoa hậu chỉ là phương tiện giúp các cô gái đẹp lăng-xê bản thân, được trải nghiệm cuộc sống thượng lưu mà không cần trau dồi tri thức, được lọt vào mắt xanh của các đại gia, thiếu gia đình đám thì xin các nhà tài trợ, các công ty truyền thông lớn hãy nói không với lời mời ngọt ngào từ BTC các cuộc thi sắc đẹp!

Khi ánh hào quang phù phiếm lụi tàn, cũng là lúc hồng nhan bật khóc. Là một người mẹ, tôi luôn mong con gái mình tránh xa sân khấu bội bạc ấy!

Diên Anh

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/toi-da-qua-chan-ngan-moi-khi-nghe-thay-tu-hoa-hau-a304823.html