Toét mắt là tại hướng đình và chuyện cướp có văn hóa

Một khi 'cả làng bị toét' thì người không bị 'toét' mới là cá biệt, mới cần phải điều trị sao cho 'cùng toét như nhau', có phải thế mới là công bằng?

Sau một thời gian tạm lắng, câu chuyện “cướp có văn hóa” giờ đây trở lại với phiên bản mới, được nâng cấp bởi các đối tượng tham gia trở nên “học thức”, “chọn lọc” và nơi xảy ra vụ việc không còn là trên đường phố mà là những nơi “quyền quý, cao sang” hơn.

Trước đây, một vị lãnh đạo Thủ đô sử dụng cụm từ “ cướp có văn hóa ” nhằm khẳng định một điều, rằng bên cạnh văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian, văn hóa đọc (sách), còn có cái gọi là “văn hóa cướp”?

Với cách dùng từ như của ông quan nọ thì vụ việc xảy ra tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 21/10/2016 nên nói thế nào?.

Một tờ báo điện tử lúc đầu giật tít: “Ào ào “cướp” tang vật trước giờ tiêu hủy” sau đổi thành “Tiêu hủy hàng giả nhưng… mạnh ai nấy lấy”. [1]

Thực ra, cách nói “mạnh ai nấy lấy” vốn là một kiểu nói đang trở nên thịnh hành nhằm “giảm nhẹ nhân tai” cũng giống như văn phong mà người có trách nhiệm sử dụng để mô tả hình ảnh nắm đấm vào má phóng viên là “vung tay chạm má” vậy.

Trước khi sử dụng các mỹ từ mang tính “khoa học và công nghệ” mô tả hiện tượng cướp, có lẽ sẽ không thừa nếu nhắc lại đôi chút về sự đa dạng các loại hình “cướp” mà truyền thông thu lượm:

Chen lấn, xô đẩy, cướp đồ lễ trên ban thờ trong đêm khai Ấn đến Trần;

Cướp đồ lễ chúng sinh cầu may: 'Lên chùa tìm danh lợi';

Tranh nhau vơ đồ cúng rằm tháng bảy trong chùa Quán Sứ;

Màn tranh cướp lộc Vu Lan kinh hoàng của người Việt;

Tài xế bị 'hôi của' cướp bia: 'Tôi van xin nhưng họ vẫn cố lấy thật nhiều';

Ở đâu có miễn phí, ở đó có tranh cướp?...

Đặc điểm chung của 6 ví dụ về chuyện “cướp” nêu trên là nói về người dân bình thường, những người có thể nghèo, có thể không nghèo nhưng nói chung không cùng “đẳng cấp” với những người được mời tham gia vụ tiêu hủy hàng gian tại hội trường Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đẳng cấp của những người tham gia “tiêu hủy” hàng gian (ảnh: Plo.vn).

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Đó là do lần này chúng tôi chủ quan, tin tưởng anh em, chứ các lần trước đều có công an bảo vệ tham gia cùng với hội đồng để tiêu hủy nên không xảy ra tình trạng tương tự”. [1]

Giá như ông Chánh Thanh tra xem bức ảnh đăng trong bài báo mà Plo.vn cắt từ clip, chịu khó quan sát kỹ một chút toàn bộ khuôn hình thì có lẽ ông sẽ không phát biểu như vậy.

Nói theo ngôn ngữ của Tienphong.vn ngày 24/10/2016 thì: “Vụ “cướp” tang vật ở Bộ Khoa học và Công nghệ không có thường dân”.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chắc chắn đã cân nhắc thành phần mời đến cơ quan Bộ tham dự, chứng kiến thì chắc ngoài lực lượng phóng viên phải là khách có thân phận đàng hoàng, còn không phải khách mời mà “tình cờ” có mặt đúng nơi, đúng lúc Bộ đang chuẩn bị tiêu hủy tang vật thì thật khó có thể là khách vãng lai.

Chợt nhớ hai trẻ vị thành niên cướp bánh mì và chút đồ ăn trị giá khoảng 45.000 đồng bị Tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh xử tù, may mắn sau đó được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu so sánh những đồ vật các vị không phải thường dân “mạnh ai nấy lấy” thì chắc chắn có giá trị gấp nhiều lần mấy ổ bánh mì.

Nếu so sánh tiếp về “nhân thân” của những con người đó chắc chắn họ được học hành cẩn thận hơn, địa vị của họ “cao quý” hơn, ăn uống đầy đủ hơn, trang phục “chuẩn hóa hơn”, mọi cái đều hơn và hơn rất nhiều hai kẻ cướp bánh mì.

Liệu có phần nào trong những con người mặt mũi sáng láng thế kia không hơn mấy kẻ cướp bánh mì?

Có lẽ thứ duy nhất họ không hơn là nhân cách, là sự xấu hổ vốn luôn là “hàng hiếm”, “hàng độc”, vốn bị “quy chụp” là đang dần mai một trong văn hóa công sở.

Khi người ta quen với tác phong “ăn không từ thứ gì” thì làm sao có thể buộc người ta không được “ăn” khi bày ra trước mặt tuy là “đồ dởm nhưng mà xịn”?

Những công chức, viên chức tham gia vào việc ấy trong con mắt dân thường chắc chắn phải thuộc đẳng cấp cao mà họ chỉ có thể đứng xa ngưỡng mộ, thế nhưng khi mà nhân cách ấy chỉ đáng so sánh với mấy người đói mà cướp đồ ăn thì còn gì thảm hại hơn nữa?

Rồi thì họ sẽ phải kiểm điểm, “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”, trả lại những gì đã lấy nhưng liệu họ có trả được nỗi xấu hổ trước con mắt người đời cũng như lấy lại thanh danh cơ quan mà họ đã đại diện?

Nếu chẳng may trong số đó có những người thuộc bộ phận thanh tra, rồi sau này họ sẽ “Thanh” cái gì khi có dịp xuống làm việc tại cơ sở?

Hàng giả, hàng nhái bị tiêu hủy ở Bộ Khoa học và Công nghệ (Ảnh: vietnamnet.vn).

Suy cho cùng, đây không phải “sự cố” riêng của Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông Nghiệp, người ta không “cướp” mà là “cấp” một cách vô tư ngót nghìn giấy chứng nhận hợp chuẩn cho các sản phẩm mà không cần giám định.

Tại một số cơ quan, người ta vung cả tiền thuế của dân vào những công trình đắp chiếu và vẫn ung dung “hạ cánh an toàn”, cùng lắm là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, bị cảnh cáo như đề xuất mới đây với ông Vũ Huy Hoàng …

Khi một Sở ở Hải Dương có 46 người thì 44 người là lãnh đạo, khi công chức, khách mời cơ quan bộ trước ống kính phóng viên ngang nhiên vơ hàng tiêu hủy làm của riêng thì đòi hỏi người đóng thuế phải tận lực đóng góp có phải là một đòi hỏi hợp lý?

Liệu có cần dẫn chứng về một “bộ phận không nhỏ” khi hình ảnh và tư liệu đã tràn ngập mặt báo, liệu cơ quan chống tham nhũng các cấp có cần phải nhận thêm mấy bản kiểm điểm để rồi tiếp tục rút kinh nghiệm?

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương muốn nhắn nhủ điều gì khi nêu nhận xét về sự sụp đổ của Liên Xô: “nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, không quan tâm tới đời sống người dân. Nhà hỏng từ bên trong thì chỉ cần gió nhẹ cũng đổ”. [1]

Có khó lắm không khi phải chỉ đích danh những người đang hàng ngày, hàng giờ làm dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo, vào thể chế, vào cơ quan công quyền như ở sở Nông nghiệp Thanh Hóa , sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Dương, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ…?

Với một căn nhà “gió nhẹ cũng đổ” thì thật khó tìm ra cách để chằng buộc chống lại bão lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, làm theo lời dạy của Người, việc đầu tiên là phải tháo dỡ những căn nhà cũ kỹ ọp ẹp để lấy mặt bằng, để tập kết vật liệu, không thể xây “đàng hoàng, to đẹp hơn” nếu vẫn giữ nguyên những ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng.

Một khi Trịnh Xuân Thanh bị khai trừ, bị điều tra thì những người nâng đỡ, tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh chẳng lẽ không có tội?

Bản thân Trịnh Xuân Thanh có tự ra quyết định điều mình về Văn phòng Bộ, về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, tham gia tỉnh ủy và ứng cử vào Quốc hội được không?

Nếu không có một đường dây thông suốt từ cơ quan tổ chức sang đến Bộ xuống đến địa phương, Trịnh Xuân Thanh không thể một tay che trời.

Có luồng ý kiến cho rằng truy tố một mình Trịnh Xuân Thanh chưa làm cho người dân hoàn toàn hài lòng, chưa cho thấy hết sự nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật của Đảng.

Rất khó để làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân nếu không kỷ luật nặng, không đưa ra khỏi Đảng những người đang bán rẻ lợi ích của Đảng, của dân tộc vì quyền lợi ích kỷ của gia đình và phe nhóm của mình.

Dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Sở Giao thông thành phố đã quyết định sa thải cán bộ Thanh tra đánh người tại sân bay Nội Bài, vậy còn trường hợp “ vung tay chạm má, đá chưa trúng người ” thì sao?

Có gì khác nhau giữa hai hành vi “vung tay chạm vào đầu” người khác mà thành phố Hà Nội lại đối xử “bên nặng, bên nhẹ” như thế?

Nếu Bộ Khoa học và Công nghệ sa thải những người tham gia vụ việc làm tổn hại uy tín cơ quan Bộ(nếu có) thì có khó tuyển dụng người thay thế không?

Có phải hành động của họ chưa cho thấy sự xuống cấp đạo đức công vụ nên không cần thiết phải đưa họ ra khỏi cơ quan như trường hợp vị thanh tra giao thông Hà Nội?

Bao biện rằng vì chưa có kinh nghiệm nên để xảy ra sự cố, vị quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ quên đi một điều rằng “đây là cơ quan hàng đầu về đấu tranh hàng vi phạm nhãn hiệu, đã nhiều lần tổ chức tiêu hủy. Địa điểm là trụ sở cơ quan cấp Bộ”. [2]

Hay lỗi chủ yếu là do “góc quay” của truyền thông, người ta ôm đồ đi tiêu hủy ở phòng khác chứ không phải mang về nhà?

Nếu thế thì người đã tung clip mà không xin ý kiến có nên bị xử lý?

Chợt nhớ một câu ca dao cổ:

Toét mắt là tại hướng đình

Cả làng bị toét riêng mình em đâu

Một khi “cả làng bị toét” thì người không bị “toét” mới là cá biệt, mới cần phải điều trị sao cho “cùng toét như nhau”, có phải thế mới là công bằng?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://plo.vn/xa-hoi/tieu-huy-hang-gia-nhung-manh-ai-nay-lay-660371.html

[2] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/tranh-lay-hang-tieu-huy-mon-hang-fake-de-bep-long-tu-trong-335917.html

Xuân Dương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/goc-nhin/toet-mat-la-tai-huong-dinh-va-chuyen-cuop-co-van-hoa-post171919.gd