Tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều kháng sinh diễn ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh

SKĐS - Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Đáng lo hơn, nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh mà phổ biến nhất có thể kể đến là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Ngày 19/8, Hội Dược bệnh viện Hà Nội tổ chức Hội nghị khoa học Dược bệnh viện Hà Nội mở rộng năm 2017. Đây là Hội nghị Khoa học được tổ chức hàng năm, chuyên ngành về Dược bệnh viện, với sự tham gia báo cáo khoa học của các chuyên gia và các dược sỹ hoạt động trong lĩnh vực dược bệnh viện.

Sự kiện do Hội Dược bệnh viện Hà Nội tổ chức với sự tham gia hỗ trợ truyền thông của Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI.

Theo DS Hoàng Trọng Thu- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dược bệnh viện Hà Nội, việc cung ứng thuốc, sử dụng thuốc cho người bệnh hay vấn đề liên quan đến lĩnh vực dược phẩm nói chung vẫn thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn y khoa, nhà khoa học và cộng đồng từ trước đến nay. Với mong muốn cung cấp cho giới chuyên môn và cộng đồng những thông tin thiết thực liên quan đến lĩnh vực dược phẩm, hội nghị lần này sẽ tập trung vào các chuyên đề: Dược lâm sàng và thông tin tư vấn thuốc; Giám sát người bệnh dùng thuốc; Hoạt động kê đơn thuốc; Theo dõi và báo cáo ADR; Theo dõi trị liệu; Đấu thầu, cung ứng thuốc; Đảm bảo chất lượng thuốc; Đào tạo liên tục về Dược bệnh viện; Công nghệ thông tin dược; Các kỹ thuật dược bệnh viện; Quản lý dược bệnh viện; Dược cộng đồng; Hoạt động nghiên cứu khoa học và những vấn đề thời sự, cập nhật khác trong công tác Dược bệnh viện.

Ngoài các báo cáo khoa học, hội nghị có sự tham gia chia sẻ thông tin và đóng góp ý kiến của các đại biểu, khách mời là các nhà quản lý, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các  khoa dược, các dược sỹ đến từ  các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành trên cả nước. Đây cũng là một diễn đàn thiết thực, một kênh truyền thông hiệu quả, giúp các đại biểu trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và có thể quảng bá các thành tựu đạt được, cũng như chia sẻ những khó khăn cần tháo gỡ với các nhà quản lý, các đồng nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.

Thông tin tại hội nghị, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hàng năm có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1, 4 triệu trẻ em và thế giới phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Báo cáo năm 2013 của World Crisis cho thấy trung bình mỗi nước mất từ 0,4 đến 1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc.

Cũng theo ông Cao Hưng Thái, kháng thuốc hiện không của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Đáng lo hơn, nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh mà phổ biến nhất có thể kể đến là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Trong bài báo cáo về tình hình sư dụng kháng sinh hiện nay tại các cơ sở y tế trình bày tại hội nghị, ThS.DS Lê Quốc Thịnh- Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện 71 Trung ương cho biết, theo khảo sát thực trạng sử dụng kháng sinh tại BV 71 Trung ương năm 2016 cho thấy chi phí sử dụng kháng sinh chiếm tới 69,61% tổng số tiền thuốc được sử dụng cho điều trị nội trú và ngoại trú trong đó nhóm beta- lactam chiếm tỷ lệ nhiều nhất 80,88%.

“Qua nghiên cứu 100 bệnh án nội trú ngẫu nhiên tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV 71 trung ương từ tháng 1 đến tháng 11/2016 nhận thấy có 81 bệnh nhân được điều trị kháng sinh (chiếm tỷ lệ 81%), tỷ lệ kháng sinh đường tiêm được sử dụng chiếm 96,2%. Số bệnh nhân được sử dụng kháng sinh có chẩn đoán nhiễm khuẩn rõ ràng chiếm 87,65%. Số bệnh nhân được chỉ định kháng sinh đơn độc chiếm 58,02%, tỷ lệ phối hợp kháng sinh chiếm tới 41,98%.”- DS Lê Quốc Thịnh nói

Tại Hội nghị đại diện Khoa Dược- BVĐK Quốc tế Vinmec TimeCity chia sẻ vể chiến dịch chống sai sót thuốc tại cơ sở. Theo đó trong 5 tháng năm 2017 bệnh viện ghi nhận 17 trường hợp sai sót thuốc xảy ra ở tất cả các khâu kê đơn, bàn giao/cấp phát và thực hiện thuốc, trong đó phổ biến nhất là khâu kê đơn.

Để tăng cường an toàn người bệnh, bệnh viện triển khai chiến dịch giảm thiểu sau sót thuốc bắt đầu từ từ ngày 1/6/2017. Mục đích của chiến dịch là giảm số lượng giảm số lượng sai sót thuốc trong từng khâu liên quan. Theo đó, để thực hiện chiến dịch này, BV đã phân chia làm 3 nhóm đối tượng. Với bác sỹ là chiến dịch “đọc đơn, check kỹ”, với dược sỹ là chiến dịch “đọc to, check kỹ” và với điều dưỡng là chiến dịch “thực hiện thuốc đúng”… Sau khi thực hiện được 2 tháng tại bệnh viện tổng số lượng sai sót thuốc giảm dần từng tháng, đặc biệt sai sót trong khâu kê đơn của bác sỹ giảm đáng kể. Bản thân các nhân viên y tế đều đã hiểu và ý thức được trách nhiệm trong việc giảm thiểu và báo cáo sai sót thuốc.

Còn theo đại diện bộ môn dược lâm sàng, ĐH Dược Hà Nội, nghiên cứu được tiến hành trên 127 bệnh án (tương đương với 270 kháng sinh được kê). Kết quả cho thấy, tỷ lệ hợp lý trong kê đơn kháng sinh tương đối cao, nhưng rất nhiều bệnh án không được ghi đẩy đủ thông tin về cách đưa thuốc, sai lệch phổ biến nhất trong quá trình thực hiện thuốc của điều dưỡng liên quan đến tốc độ tiêm truyền, do đó cần xây dựng quy chuẩn chuẩn trong kê đơn và tăng cường nhận thức của điều dưỡng về việc tuân thủ tốc độ tiêm/truyền trong quá trình thực hiện thuốc.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/toc-do-lan-rong-cac-vi-khuan-khang-nhieu-khang-sinh-dien-ra-o-nhieu-co-so-kham-chua-benh-n135335.html