Tóc bạc và tác hại của thuốc nhuộm tóc

Người da trắng có khuynh hướng bạc tóc sớm nhất, sau đó là người châu Á rồi đến châu Phi. Khoảng một nửa dân số thế giới có tuổi từ 50 trở lên đã có mái tóc hoa râm.

Mầu của tóc được quyết định bởi một protein có tên là melanin. Có hai loại melanin, eumelanin và pheomelanin; eumelanin làm cho tóc có mầu nâu và đen còn pheomelanin làm cho tóc có mầu vàng hung đến đỏ. Mức độ và tỷ lệ của hai loại protein này quyết định mầu và sắc thái riêng của tóc. Melanin được các tế bào trong nang tóc tổng hợp nên, các tế bào này được gọi là melanocyte. Khi melanocyte ngừng tổng hợp melanin thì tóc trở nên bạc. Các nghiên cứu gần đây của trường Y ĐH Harvard-Mỹ và Đại học Y Hokkaido-Nhật còn thấy quá trình bạc tóc có liên quan đến vai trò của các tế bào gốc của tóc. Trong nang tóc có chứa các tế bào gốc melanocyte, các tế bào gốc này trở thành tế bào melanocyte trưởng thành khi những melanocyte cũ chết đi. Tuy nhiên, khi tuổi lớn lên, các tế bào gốc giảm dần cả về số lượng và chất lượng, đến một tuổi nào đó sự tạo thành melanocyte dừng hẳn, từ đây việc tổng hợp melanin cũng dừng và tóc trở nên bạc. Dựa vào cơ chế này, y học đã đưa ra “liệu pháp tế bào gốc” để khắc phục sự bạc tóc. Trong liệu pháp này người ta kích thích tế bào gốc melanocyte bằng cách dùng một tín hiệu polypeptide đặc biệt, tín hiệu này có thể làm đảo ngược lại quá trình và làm cho tóc luôn có mầu tự nhiên. “Liệu pháp tế bào gốc” tuy mới có những kết quả ban đầu nhưng sẽ là một biện pháp có triển vọng trong tương lai. Bác sĩ Mercola nói rằng: “Không nghi ngờ gì nữa tóc bạc trở thành một vấn đề quan trọng đối với nhiều người; điều này được thấy rõ bởi sự phổ biến của thuốc nhuộm tóc trên thị trường”. Tuy nhiên ông cũng cho rằng những sản phẩm này chứa nhiều hóa chất độc hại. Nhóm Công tác Môi trường của Mỹ đã thấy rằng 69% thuốc nhuộm tóc đã kiểm tra có hóa chất gây nguy cơ ung thư như (dẫn theo Mercola.com): - Para-phenylenediamine và tetrahydro - 6 - nitroquinoxaline: cả hai chất này gây nguy hại cho vật liệu di truyền và gây ung thư trên động vật thí nghiệm. - Hắc ín: chất gây ung thư (71% thuốc nhuộm tóc chứa hắc ín). - Formaldehyde: chất bảo quản có liên quan đến ung thư và gây độc cho sinh sản và sự phát triển của cơ thể. - DMDM Hydantoin: chất bảo quản gây độc cho hệ miễn dịch (đã bị hạn chế sử dụng trong mỹ phẩm ở Nhật). - Eugenol: một chất làm thơm cũng có liên quan với ung thư, độc miễn dịch, độc thần kinh và gây dị ứng. Một báo cáo năm 1994 của Viện Ung bướu Quốc gia – Mỹ cho biết thuốc nhuộm tóc tối mầu sử dụng trong một thời gian dài đã làm tăng nguy cơ ung thư như ung thư máu. Một nghiên cứu công bố năm 2001 trên Tạp chí Ung buớu cho thấy người nào dùng thường xuyên và lâu dài thuốc nhuộm tóc, nguy cơ ung thư bàng quang tăng gấp hai lần so với những người không dùng thuốc nhuộm tóc. Ngày nay lớp trẻ cả ở thành thị và nông thôn đều thích nhuộm tóc, các bạn trẻ cần biết đến nguy cơ tổn hại sức khỏe tiềm ẩn lâu dài của thuốc nhuộm tóc. Tốt nhất là để cho tóc có mầu tự nhiên khi đang còn là tuổi teen. Người nào nếu cần phải nhuộm tóc, các thầy thuốc khuyên nên chọn các loại thuốc không chứa ammonia, không có hóa chất độc hại và chỉ nên dùng các loại thuốc nhuộm tóc làm chủ yếu từ thảo dược.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/5/5/5/57167/default.aspx