Toàn cảnh tìm kiếm lăng mộ hoàng đế Quang Trung ở Huế

Dù chưa thể xác nhận giả thuyết về lăng mộ hoàng đế Quang Trung, các di tích lộ diện ở gò Dương Xuân vẫn hứa hẹn những khám phá mới trong tương lai.

Những giả thuyết về lăng mộ hoàng đế Quang Trung

Các sử gia đều thống nhất rằng, việc xây lăng mộ hoàng đế Quang Trung là một việc lớn, Triều Tây Sơn thực hiện hết sức bí mật vì những lý do chính trị lúc đó. Ngô Thì Nhậm, một triều thần nhà Tây Sơn vào thời gian này, trong bài "Cảm Hoài" cho biết, Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương, được xây trong một vùng rừng núi được chọn làm nơi đặt thi hài của ông.

Tuy nhiên, vị trí của Lăng Đan Dương (hay Đan Lăng) nằm ở đâu hiện nay không có chút tư liệu xác thực nào còn lưu lại.

Một số nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gần đây cho rằng Lăng Đan Dương nằm gần chùa Thiền Lâm, gần nơi làm việc Thái Sư nhà Tây Sơn Phan Huy Ích. Thêm vào đó, khi Ngọc Hân mất để thực hiện nguyện vọng của bà là được chôn cùng Quang Trung. Trong điều văn của bà có câu: "Bên Đan Lăng quanh quất mạch liên châu". Từ những lời chỉ dẫn của hai cận thần nhà Tây Sơn và nghiên cứu địa hình Phú Xuân, ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng Đan Lăng nằm gần Phủ Dương Xuân, mà hiện nay có thể nằm ở khu vực gò Dương Xuân, ngày nay là ấp Bình An, Thành phố Huế.

Lăng Ba Vành.

Bên cạnh giả thuyết về lăng Đan Dương, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho rằng lăng mộ của Vua Quang Trung nằm ở vị trí của Lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh, ngoại ô Huế. Cùng với việc công bố công trình nghiên cứu về Lăng Ba Vành, ông Trần Viết Điền cũng đưa ra bài phản biện về giả thuyết của ông Nguyễn Đắc Xuân, đặt ra nghi vấn về việc Lăng Đan Dương là nơi an nghỉ của hoàng đế Quang Trung.

Giả thuyết thứ ba về lăng mộ hoàng đế Quang Trung là giả thuyết núi Khuân Sơn. Giả thuyết này dựa vào một bài thơ "Kiến Quang Trung linh cữu" (Thấy linh cữu vua Quang Trung) của người đương thời là Lê Triệu (1771-1846), quê ở Lệ Trung, Đại Trung, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Theo nội dung bài thơ, tác giả đã từng đến viếng Quang Trung tại núi Khuân Sơn - một ngọn núi nằm ở phía nam huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế.

Cuộc tìm kiếm Lăng Đan Dương

Để làm rõ giả thuyết về lăng mộ vua Quang Trung, vào tháng 6/2016, Bộ VH-TT-DL ra quyết định thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân, địa điểm nghi vấn là nơi đặt Lăng Đan Dương. Từ ngày 30/9 - 15/10/2016, các nhà khảo cổ đã tiến hành đào 5 hố thăm dò với diện tích 22m2 tại khu vực này.

Một hố khai quật ở gò Dương Xuân. Ảnh: CAND.

Ngày 9/1, kết quả sơ bộ thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân đã được công bố. Theo đó, trên diện phân bố các điểm di tích rộng khoảng 10.000 m2, hàng trăm di vật đã được phát hiện như mộ táng dạng chum; nền, móng cát sỏi liên quan đến nền móng của kiến trúc; lớp rải tạo mặt bằng kê chân đá/táng, là chân cột trong kiến trúc; nhiều mảnh sành, sứ, gạch ngói… Các di tích này được đoán định niên đại tập trung từ thế kỷ 17-19, kéo dài đến thế kỷ 20.

Theo nhận định của Viện Khảo cổ học, những kết quả thu được như vừa nêu là rất khả quan. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, diện khai quật hẹp, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế và Viện Khảo cổ học kiến nghị Bộ chủ quản và các cơ quan chức năng xây dựng đề án quy hoạch tổng thể để mở rộng việc nghiên cứu, đồng thời kiến nghị các tổ chức, các nhà khoa học cùng vào cuộc nghiên cứu có hệ thống, khoa học và thực tiễn về khu di tích gò Dương Xuân, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề liệu có phải đây là nơi vua Quang Trung đã cho xây dựng cung điện; khi băng hà, vua đã được an táng tại đây và cung điện được đổi tên thành lăng Đan Dương hay không.

Giáo sư Phan Huy Lê, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam cho biết: “Trước hết khẳng định trên gò Dương Xuân có chùa Thuyền Lâm, chùa Thuyền Lâm được sử dụng như một điện ở triều Tây Sơn. Như vậy, có thể cung điện Đan Dương của thời Quang Trung cũng nằm bên cạnh, tức cũng nằm trên gò Dương Xuân. Cái đó chỉ là suy luận, nhưng là suy luận có căn cứ”.

Cũng theo ý kiến của GS.Lê, các nhà khảo cổ học nên đào thêm một rãnh thăm dò kéo dài từ chùa Vạn Phước xuống phía nam; làm như thế sẽ phát hiện thêm dưới các tầng đất ở gò Dương Xuân có thêm những tầng kiến trúc gì.

Hiện vật phát lộ ở gò Dương Xuân. Ảnh: Một Thế Giới.

Theo PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết quả các hố thám sát đều ghi nhận có sinh hoạt của cư dân từ thế kỷ 17 -19 là điều rất đáng mừng.

Theo ông Bang, bước nghiên cứu tiếp theo phải xem địa điểm gò Dương Xuân như một “trung tâm thương mại” bởi đã phát hiện nhiều di vật, đồng thời phải tập trung khảo cổ ở hố số 5.

Còn PGS-TS Nguyễn Văn Đăng - Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế - cho rằng báo cáo còn mù mờ, chưa đi sâu vào nghiên cứu niên đại nên đoàn thăm dò khảo cổ học cần đưa ra dự báo, giả thuyết dựa trên các di tích, di chỉ thu nhận được để có hướng nghiên cứu tiếp theo.

Có thể nói, dù chưa thể xác nhận giả thuyết về Lăng Đan Dương của hoàng đế Quang Trung, nhưng kết quả khai quật ở gò Dương Xuân đã gợi mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, hứa hẹn những khám phá bất ngờ trong tương lai.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/toan-canh-cuoc-tim-kiem-lang-mo-hoang-de-quang-trung-o-hue-808535.html