Tọa đàm về tủ sách Nguyễn Duy Cần

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh và họa sĩ Biên Thùy sẽ chủ trì cuộc tọa đàm về Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần – tác giả của nhiều cuốn sách về đào tạo văn hóa và bản lĩnh ứng xử cho các tầng lớp thanh niên hiếu học.

Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần được Nhà xuất bản Trẻ chọn in lại từ năm 2011, đến nay đã ra 15 tựa sách: Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Một nghệ thuật sống, Cái cười của thánh nhân, Thuật yêu đương, Óc sáng suốt, Tôi tự học, Tinh hoa đạo học Phương đông, Nhập môn triết học Đông phương, Lão Tử đạo đức kinh, Lão Tử tinh hoa, Trang Tử tinh hoa, Để thành nhà văn, Phật học tinh hoa với hơn 50 ngàn bản, trong đó nhiều tựa sách được tái bản hai lần.

Thu Giang Nguyễn Duy Cần tên thật là Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998), nguyên quán tỉnh Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho, thuộc tỉnh Tiền Giang). Cụ làm nghề viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh Dịch, với các biệt hiệu: Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử…

Trong các sách của mình, Thu Giang Nguyễn Duy Cần chú ý đến mục đích đào tạo văn hóa và bản lĩnh ứng xử cho các tầng lớp thanh niên hiếu học. Những tác phẩm như “Cái dũng của thánh nhân”, “Thuật xử thế của người xưa”… cũng là một cách để cụ có thể hướng dẫn cách giữ sự bình tĩnh phi thường cho từng cá nhân tránh bị ảnh hưởng xô đẩy của mọi luồng tư tưởng hỗn loạn.

Văn là người

Các sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần toát lên tinh thần tự học. Cách sống của cá nhân cụ rất giống với những gì cụ viết, như việc: Tự học ở sách vở, tự lập thân (tuy chỉ tốt nghiệp bằng Thành chung nhưng nhờ tự học mà cụ đã trở thành học giả và được mời giảng dạy tại những trường đại học danh tiếng thời bấy giờ). Trong cuốn Tôi tự học, cụ viết: “Tác giả là người đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tác giả là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khỏe… Sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả”. Ngoài ra cụ cũng rất đề cao việc học, sự học là một việc phải làm suốt đời, trong cuốn Tôi tự học, cụ viết: “Học hỏi là một việc không biết đến đâu là cùng, còn sống ngày nào là còn phải học ngày đó.”

Cụ là một người làm việc rất có khoa học, có sắp xếp và tổ chức, mỗi ngày cụ dành ra hai tiếng, từ 8 giờ đến 10 giờ tối để đọc sách, và trong suốt cuộc đời cụ, cụ không bao giờ quên hoặc sai lạc thời khóa biểu đó, trong cuốn Tôi tự học, cụ viết: “Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch… Suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là hai giờ đồng hồ để đọc sách, khoảng từ 20 – 22 giờ, không bao giờ sai chạy. Giờ ấy đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy.”

Những năm 1990, sách của cụ bị in lậu rất nhiều nhưng cụ không hề kiện tụng những đơn vị kinh doanh trái phép đó để đòi bản quyền, mà chỉ nói rằng: “Chắc vì họ cần nên mới làm vậy”, và cụ nhờ người nhà đi mua những quyển sách đó về xem rồi sửa lỗi những đoạn in sai in thiếu. Điều này thể hiện tính rộng lượng, phóng khoáng trong con người cụ, đối với cụ sách là tài sản chung của mọi người chứ không phải của riêng một cá nhân nào cả – theo lời luật sư Võ Văn Quới.

Thông tin chi tiết

Thời gian: 18h00, thứ Hai ngày 17/2/2014
Địa điểm: Hội trường L’Espace - Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=4&News=7239&tabid=109