Tọa đàm 'Một số nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động'

Chiều 19-1, tại Hà Nội, diễn ra tọa đàm “Một số nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động” nhằm thảo luận các khuyến nghị liên quan đến giờ làm thêm dành cho người lao động nữ gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bất cập trong việc tăng số giờ làm thêm

Theo đó, việc điều chỉnh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động là thật sự cần thiết, cần được thực thi có hiệu quả. Thực trạng cho thấy, người lao động là nữ hiện nay liên tục làm tăng ca, chiếm nhiều thời gian quan tâm đến bản thân, gia đình, thậm chí việc đón con cũng phải nhờ người thân hoặc thuê người đón. Thu nhập từ làm thêm không đủ để bù đắp chi phí gửi con, dạy học. Sinh hoạt phí như điện, nước giảm song chi phí gửi con và dạy học lại tăng. Như vậy, việc làm tăng ca là rất cần thiết, nếu không làm thêm, các chị không có tiền chi trả các loại phí...

Đại diện người lao động tại Vĩnh Phúc tâm sự: “Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình do áp lực công việc mà mâu thuẫn, gay gắt với nhau. Mặc dù tôi chưa lập gia đình nhưng thấy rất mệt mỏi vì không làm tăng ca thì việc chi tiêu cá nhân trong một tháng sẽ không đủ. Làm việc từ 8 giờ sáng đến 20 giờ tối nếu là công nhân có gia đình, đặc biệt người lao động là nữ ngày ngày phải chăm lo cho gia đình sẽ rất vất vả, mệt mỏi. Ngoài ra, tăng ca nhiều khiến sức khỏe bị suy giảm, đồng nghĩa năng suất lao động đi xuống, hàng bị hư lỗi nhiều hơn nhưng cũng không dám từ chối làm thêm bởi bất cứ khi nào có ai đó xin giảm thời gian làm thêm thì họ đã bị sa thải”.

Chị Trần Thị Q., công nhân tại Đông Anh tâm sự, sau hơn một năm làm công nhân, chị Q. sẽ trả được khoản vay hỗ trợ sinh viên nhưng lối ra khỏi khu công nghiệp vẫn mù mờ. Cô gái không có lựa chọn nào: công việc hiện tại, với những giờ “làm ẩu” - cách công nhân ở đây gọi giờ làm thêm, overtime, cho Q. một mức thu nhập đủ sống tằn tiện và để dành trả nợ. Nhưng lại không có thời gian để tiếp cận với bất kỳ cơ hội nào. Cơ hội công việc không, cơ hội tình cảm lại càng không. Tuy nhiên, những công nhân phải làm tăng ca ít hơn lại cảm thấy thoải mái hơn giờ hành chính nên sản phẩm thường ít lỗi hơn, công việc cũng suôn sẻ hơn.

Quá trình thay đổi là cần thiết

Qua một số phản hồi của người lao động về quy định giờ làm thêm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, theo đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), dù chỉ là những tác động dực kiến, nhưng nếu làm việc kéo dài từ 48-50 giờ/tuần có thể là nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, dẫn đến các triệu chứng: mệt mỏi, đau đầu, đau cơ xương khớp, thị lực kém... ở cả người lao động nam và nữ. Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ tai nạn lao động như nhau trong chín giờ đầu tiên, nhưng sau 16 giờ làm việc thì tỷ lệ tăng gấp ba lần.

Tại tọa đàm, các tổ chức cũng đưa ra kiến nghị một số giải pháp như cần có cơ chế giám sát mạnh mẽ để bảo đảm tính tuân thủ; nâng cao nhận thức về quyền lợi hợp pháp cho người lao động; triển khai các chương trình tập huấn về bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động trong nhà máy; có cơ chế giám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch sử dụng lao động hằng năm; quy định điều kiện đối với doanh nghiệp được phép sử dụng số giờ làm thêm tối đa khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể như có nhà trẻ cho con em người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến nhằm hạn chế sử dụng lao động làm thêm giờ; khuyến khích người mua áp dụng các tiêu chuẩn lao động; đổi mới công nghệ và áp dụng sáng kiến..

Với hai phương án mới do đại diện Trung tâm Hội nhập và Phát triển đề xuất tại dự thảo Luật sửa đổi, Điều 106 làm thêm giờ của Bộ luật Lao động - Khoản, điểm b: phương án 1, tăng số giờ làm thêm. Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động thay vì không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một giờ thì sửa đổi không quá 12 giờ/ngày, không quá năm ngày liên tục và không được vượt quá 600 giờ/năm; phương án 2, vẫn tăng số giờ làm thêm nhưng không quá 12 giờ/ngày và không quá năm ngày liên tục dẫn đến tăng giới hạn làm thêm quá lớn.

Dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 vào tháng 5-2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2017. Cụ thể, dự luật sẽ sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Bộ luật Lao động 2012 nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến quy định bảo đảm điều kiện lao động về giờ làm thêm và chính sách cho lao động nữ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31881802-toa-dam-%e2%80%9cmot-so-noi-dung-dieu-chinh-trong-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-bo-luat-lao-dong%e2%80%9d.html