Tọa đàm khoa học hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học trong hệ thống giáo dục

PGS.TS Lê Phước Minh - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục (ngoài cùng bên trái) -chủ trì và dẫn dắt buổi Tọa đàm

Buổi tọa đàm có sự hiện diện của nhiều khoa học, đặc biệt là có sự hiện diện của nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển.

Nhân sự kiện này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Huỳnh – Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đọc bài phát biểu của mình.

Theo bà Bình, chủ đề cuộc Tọa đàm hôm nay có thể nói đó là vấn đề cốt lõi của cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.

Mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục nước nhà là dạy và học làm người, xây dựng nhân cách người học, gia đình, xã hội có vai trò rất lớn. Nhưng nhà trường với chức năng của mình, có trách nhiệm đặc biệt quan trọng.

Để làm được công việc đầy ý nghĩa này phải có đội ngũ giáo viên có trách nhiệm, tâm huyết yêu người, yêu nghề và có phương pháp giáo dục.

Đồng thời, chúng ta cũng cần có môi trường văn hóa để thầy và trò sống, làm việc trong mối quan hệ yêu thương tôn trọng lẫn nhau, để mỗi học sinh phát triển nhân cách, trở thành thành công dân tốt, người lao động tốt…

“Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa này không ai khác là thuộc về cán bộ quản lý, trực tiếp là Hiệu trưởng và cán bộ chỉ đạo các cấp. Làm sao tạo điều kiện cho các thầy, cô hoàn thành trọng trách, không chỉ chỉ dạy chữ mà dạy cả làm người. Làm sao cho các em yêu mến trường, yêu mến bạn, ham thích học tập, biết tự rèn luyện và sáng tạo” – bà Bình đặt vấn đề trong bài phát biểu của mình, đồng thời nhấn mạnh:

Nhiệm vụ không dễ dàng, nói đên cùng mục tiêu giáo dục có đạt được hay không, một phần quyết định ở đội ngũ “sĩ quan”- là cán bộ quản lý. Tư duy mới, quan điểm mới của Nghị quyết phải được quán triệt từ đội ngũ “sĩ quan” các cấp đến các “chiến sĩ”.

Không chỉ nhận được những lời phản biện của các nhà khoa học, buổi Tọa đàm cũng thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên

Được biết, từ tháng 5/2015, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu “hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

Nhóm thường trực nghiên cứu do bà Nguyễn Thị Bình chủ trì và các thầy giáo Nguyễn Quang Kính – nguyên Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT; TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến; PGS.TS Đặc Quốc Bảo; PGS.TS Trần Kiều; PGS.TS Vũ Trọng Rỹ. Ngoài ra, đề tài cùng được các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa tâm huyết tham gia như: GS.TSKH Phạm Minh Hạc; GS.NGND Phan Huy Lê; GS.TSKH Trần Ngọc Thêm; GS.TSKH Lê Ngọc Trà.

Đề tài đưa ra một số khuyến nghị làm sao chuyển hóa hệ giá trị thành các giá trị của mỗi cá nhân. Cụ thể giải pháp lâu dài là cần kiến tạo văn hóa học đường. Cụ thể cần khắc phục các làm mang tính phong trào, chạy theo thành tích, tiến tới xây dựng chuẩn văn hóa học đường.

Về giải pháp then chốt là cần phát huy vai trò đi đầu của hiệu trưởng và vai trò nêu gương của nhà giáo. Theo đó cần nâng cao năng lực, xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên và tạo động lực cho họ bằng chế độ, chính sách như: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trọng hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng như trong Nghị quyết 29 đã đề cập.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển phát biểu

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/toa-dam-khoa-hoc-he-gia-tri-muc-tieu-phat-trien-nhan-cach-nguoi-hoc-trong-he-thong-giao-duc-2354312-v.html