Tòa án tối cao, trọng điểm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

Với vai trò là định chế tư pháp cao nhất và có thể ảnh hưởng tới các quyết sách quan trọng, Tòa án tối cao Mỹ trở thành một tâm điểm cạnh tranh trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ năm 2010. Ảnh: Wikipedia

Ngoài việc lựa chọn ra tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, cuộc bầu cử vào ngày 8/11 tới còn có ảnh hưởng quyết định đến tương lai của Tòa án Tối cao, một cơ quan được đánh giá có tầm quan trọng hàng đầu trong đời sống pháp lý và xã hội của nước này, theo Slate.fr.

Theo bình luận viên Jean-Marie Pottier, Tòa án Tối cao Mỹ có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang, cùng các quyền tài phán chung thẩm quan trọng. Do đó, các đời tổng thống Mỹ đều tìm cách gây ảnh hưởng lên hoạt động của định chế tư pháp quyền lực này. Trên thực tế, kể từ năm 1945, tất cả tổng thống đều bổ nhiệm được ít nhất một trong 9 thẩm phán tối cao.

Sau khi thẩm phán Antonin Scalia đột ngột qua đời vì đột quỵ vào tháng 2/2016, việc lựa chọn người kế nhiệm ông đã biến thành một cuộc chiến gay gắt giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa.

Bởi trong 8 thẩm phán tối cao hiện nay có 4 người thuộc phe bảo thủ và 4 người thuộc phe tự do. Điều này dẫn đến thực tế rằng thẩm phán tối cao tiếp theo có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tại tòa án cấp cao nhất của Mỹ.

Để thay thế ông Scalia, Tổng thống Obama đề xuất một người có quan điểm trung hòa là Merrick Garland, chánh án tòa phúc thẩm liên bang quận Columbia. Tuy nhiên đảng Cộng hòa từ chối phê chuẩn cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.

Ông Trump là người đầu tiên đưa ra ý tưởng kiểm soát Tòa án tối cao Mỹ như một mục tiêu trong chiến dịch tranh cử của mình. Trong một buổi phỏng vấn, khi trang tin bảo thủ Breitbart đặt câu hỏi về biện pháp để thuyết phục các cử tri bảo thủ còn đang do dự, tỷ phú bất động sản không ngần ngại trả lời rằng nếu đắc cử ông sẽ kiểm soát bằng được cơ quan này.

Trong khi đó, bà Clinton liên tục thể hiện thái độ phản đối lập trường của Tòa án Tối cao đối với vấn đề sở hữu súng đạn.

Ngoài ra, việc Tòa án Tối cao Mỹ đang ở trong giai đoạn nhạy cảm nhất về chuyển giao nhân sự cũng là nguyên nhân biến nó trở thành trung tâm trong cuộc đấu tay đôi giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump.

Mặc dù trên lý thuyết, thẩm phán tòa án tối cao Mỹ là chức danh được bổ nhiệm trọn đời, nhưng lịch sử cho thấy tuổi "về hưu" trung bình của họ là khoảng 68 tuổi.

Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ là 79, thì ba thẩm phán hiện ngoài 80 tuổi là Ruth Bader Ginsburg thuộc phe tự do và Stephen Breye, Anthony Kennedy thuộc phe bảo thủ, được đánh giá có nhiều khả năng phải thay thế trong nhiệm kỳ tổng thống tới.

Cựu lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Ohn Boehner nhấn mạnh rằng việc quan trọng nhất đối với nước Mỹ cho 4 hoặc 8 năm tiếp theo là bổ nhiệm đầy đủ thẩm phán cho Tòa án Tối cao, bởi ngày càng có nhiều quyết sách lớn đang bị tồn động tại quốc hội và sẽ buộc phải chuyển sang bên tư pháp giải quyết trong thời gian tới.

"Khi các đạo luật đang bế tắc tại quốc hội thì việc can thiệp của tòa án trở nên đặc biệt quan trọng", ông Boehner tuyên bố.

Pottier nhận định rằng nếu ông Trump chiến thắng, tỷ phú bất động sản sẽ đưa các chính trị gia có tư tưởng bảo thủ như những công bố trong chiến dịch tranh cử để thay thế. Trong trường hợp này, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ nghiêng về phe bảo thủ.

Nếu bà Clinton đắc cử và đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Thượng viện, bà có thể xác nhận việc bổ nhiệm ông Garland và đưa những người có tư tưởng tự do vào Tòa án Tối cao. Như vậy cơ quan này sẽ nghiêng về phe tự do.

Nếu bà Clinton thắng mà đảng Dân chủ không kiểm soát được Thượng viện thì nhiều khả năng phe bảo thủ vẫn chiếm ưu thế tại định chế tư pháp cao nhất nước Mỹ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/toa-an-toi-cao-trong-diem-trong-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-post179817.html