Tòa án nào vì công lý?

Từ hai năm nay, ở Australia sôi động nội bộ xã hội bởi một vụ án mà hai dạng tòa án xét xử đưa lại phán xử hoàn tòa trái ngược nhau.

Ảnh minh họa.

Một tòa do luật pháp thành lập còn tòa kia do toàn xã hội và dư luận thành lập.

Chuyện xảy ra từ cách đây 2 năm. Anh chàng Gable Tostee, người Australia, 30 tuổi, làm quen cô gái người New Zealand Warienna Wright thông qua trang web môi giới tình cảm Tinder.

Họ gặp nhau lần đầu tiên ở thành phố Gold Coast của Australia, trong một căn hộ ở tầng 14 của một tòa nhà cao tầng. Kết quả là cô gái rơi từ tầng 14.

Tostee bị bắt và thẩm vấn, nhưng rồi tòa án ở Australia tuyên anh ta trắng án. Trong khi đó dư luận xã hội và gần như trên tất cả các mạng xã hội đều không tin Tostee vô tội.

Một tòa án vô hình từ dư luận xã hội và các mạng xã hội được thành lập xét xử anh ta, đưa ra mọi chứng cớ có thể có được bằng mọi cách và sử dụng mọi loại lập luận sắc bén như có thể được để luận tội Tostee.

Tòa này bác bỏ mọi bằng chứng, lập luận và phán xử của tòa kia. Xã hội và giới pháp luật ở Australia chưa từng khi nào chứng kiến nghịch cảnh độc đáo này.

Tòa án được sinh ra để xét xử theo luật pháp hiện hành và được coi là một trong những cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng nếu phán xử của tòa bị cả xã hội và dư luận công khai bác bỏ hoàn toàn như thế thì không thể loại trừ khả năng tòa xử sai hoặc luật pháp bất cập.

Mặt khác, một khi vụ việc leo thang kịch tính và mâu thuẫn đến mức cả xã hội bột phát hình thành tòa án khác để xét xử, tòa án vô hình để xét xử vụ việc hữu hình, thì có thể thấy vụ việc này không còn chỉ đơn thuần là chuyện phạm pháp nữa.

Câu hỏi mấu chốt nhất được đặt ra nhưng chưa trả lời nổi là tòa nào vì công lý đây?

Thiên Lang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/toa-an-nao-vi-cong-ly-d29269.html